Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, hội tụ những tác phẩm sinh vật cảnh tinh hoa, tiêu biểu của huyện An Dương, thành phố Hải Phòng và cả nước chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9.
Triển lãm thu hút sự tham gia của 30 đơn vị từ 16 tỉnh, thành phố tham dự với hơn 650 tác phẩm hoa, cây cảnh tiêu biểu, đặc sắc, độc đáo, mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao; của gần 300 nghệ nhân, nhà vườn, câu lạc bộ. Tác phẩm giá trị từ vài chục triệu đồng, còn tác phẩm đắt nhất lên đến 18 tỷ đồng.
Nhiều tỉnh, thành có khoảng cách xa về địa lý nhưng đến với triển lãm với tinh thần, khí thế của người yêu nghệ thuật, trân quý sản phẩm do chính bàn tay nghệ nhân tạo nên như Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Triển lãm diễn ra với thông điệp thấm nhuần triết lý sống gần gũi với thiên nhiên và vai trò quan trọng của cân bằng hệ sinh thái trong đời sống của con người.
Sinh vật cảnh là hình ảnh của khối đại đoàn kết thu nhỏ, là biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương, đất nước, sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, rút ngắn khoảng cách địa lý để con người gần gũi nhau hơn.
Qua đó đóng góp tích cực vào sự thành công của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và làm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú, độc đáo và hấp dẫn.
Ông Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, trên địa bàn huyện có trên 500ha trồng hoa cây cảnh, thu nhập hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, với nhiều mô hình, cánh đồng lớn như đào, quất, hoa ly, mẫu đơn, hồng leo cổ, phong lan,…
Nhiều làng nghề gắn liền với thương hiệu sản phẩm sinh vật cảnh như hoa hồng cổ làng Kiều Trung, quất Minh Kha, hoa anh đào sông Rế hay xã Đặng Cương được ví như thủ phủ hoa đào cổ thụ của miền Bắc...
Các sản phẩm sinh vật cảnh đã góp phần nâng cao tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện có tăng trưởng trung bình đạt 1,57%/năm, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 830 tỷ đồng((năm 2010) lên 1.003 tỷ đồng (năm 2022).
Với kinh nghiệm và truyền thống làng nghề hoa cây cảnh, sản phẩm sinh vật cảnh của nhân dân trong huyện đã thể hiện đa dạng về chủng loại, hình thức, bảo đảm tính mỹ thuật; có nhiều nhà vườn có thu nhập mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng… là mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, “Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
“Sinh vật cảnh đã và đang góp phần tích cực vào sự thành công của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, góp phần giảm nghèo bền vững; làm thay đổi diện mạo nông thôn, chỉnh trang đô thị”, ông Cường khẳng định.