| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 17/06/2024 , 13:39 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 13:39 - 17/06/2024

Cây cầu kỷ niệm

Cây cầu cũ bắc qua con sông đào làng tôi được mặc áo mới. Thay thế nó là một cây cầu kiên cố, dài hơn, rộng hơn và vẫn bắc ngang dòng sông thân thuộc.

Tuổi của cây cầu có lẽ cũng bằng tuổi một đời người. Khi tôi lớn lên, bắt đầu biết nhận thức, biết để ý những vật xung quanh… đã thấy có nó hiện hữu. Con đường làng 30 năm về trước là con đường đất. Những viên gạch phồng, gạch vỡ…, thứ mà khi không thể sử dụng vào việc gì…, người ta mới vứt bỏ, mang ra lèn cho mặt đường thêm chặt.

Trên con đường xưa cũ ấy, những đêm trăng sáng, cả nhà tôi đi bộ từ đầu làng xuống cuối làng để đến nhà ông bà ngoại, cùng họ hàng ăn mâm cỗ ngày giỗ kỵ. Mâm cỗ khi đó, thường chỉ là một đôi vịt chạy đồng, một con ngan đến tuổi chéo cánh, tiếng bắt đầu khàn khàn như một cậu trai đến tuổi dậy thì, vỡ giọng. Quả mướp chưa rụng rốn, mấy ngọn rau đay lèo tèo chưa kịp dài đã bị ngắt về nấu canh… Dăm ngọn ngổ hương dặm vội ven bờ ao vừa nhú…, vậy mà cũng làm dậy lên một hương vị thơm thảo đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ.

Dưới ánh trăng vàng nhễ nhại, con đường đất về đêm biến thành một vạch kẻ sáng bừng. Khi đến cây cầu cũ, con sông quê giao vuông góc với con đường làng thành một dấu cộng, cũng ướt đẫm ánh trăng và sương đêm.

Những rặng cây, những bờ bụi, những mùi hương của đất, của cây cỏ… dường như về đêm mới bắt đầu thức giấc, dậy hương. Có những hương vị kỳ lạ như mùi rau muống xào mà cha tôi bảo, đấy là “gia đình nhà ma” cũng đang ăn tối…, khiến ba chị em tôi tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì sợ hãi, và càng đập dồn dập hơn khi nhìn những ánh đom đóm lập lòe nhấp nháy trong những bụi cây; và tưởng tượng ra đủ hình thù kỳ quái của những viên gạch nhô lên trên mặt con đường đất…

Trên cây cầu này, những đám rước dâu thời cha mẹ tôi ngày trước đều đi qua: người làng trên lấy người làng dưới, đám rước rồng rắn thành một đoàn dài đi bộ.

Những đứa trẻ trong làng chào đời ở trạm xá, ông bác sỹ làng cắt rốn bằng cái cật tre. Ngày đón chúng về nhà, người lớn đốt một đống trấu như đống rấm ở chân cầu người mẹ trẻ bước qua, ngụ ý ngăn những cô hồn chết đường, chết chợ… không được theo về quấy quả đứa bé…

Những đám tang đưa tiễn người quá cố, cây cầu oằn mình gánh thêm những nặng trĩu, thương đau.

Những đám hội làng, cờ phướn sặc sỡ, những lễ phục của dàn tế nam, tế nữ… vừa chỉnh tề truyền thống, vừa luộm thuộm, rườm rà... Hàng dài rồng rắn thành một dòng chảy trôi mien man trong thanh âm rộn rã của kèn nam, trống hội…

Những mùa thu hoạch, chiếc cầu tấp nập cảnh gánh gồng, những chiếc xe thồ chở rơm, rạ… cao nghễu nghện không nhìn thấy người cầm cọc đốc xe thồi phía sau, nhìn xa ngỡ như đang tự chạy…

Những rơm rạ ấy sẽ về hong trên khắp những đường thôn, để khi đã khô cong và dậy mùi nắng mới, nó sẽ được đánh đống ở góc sân, đầu ngõ…, thành đồ đun cho những chiếc bếp đỏ lửa. Và, những làn khói sẽ vẩn lên từ mỗi nóc bếp, trong ánh hoàng hôn lựng đỏ, được gió đồng thênh thênh và sáo diều vi vút đẩy lên, được gọi tên những khói lam chiều…

Cây cầu chở mẹ trong một buổi chiều hè, khi bà đứng trên cầu phát hiện ra chị em tôi đang ngụp lặn dưới sông mò cua, bắt ốc. Bà quẳng vội chiếc xe đạp giữa cầu, bẻ một chiếc roi tre rồi phăm phăm băng qua cánh đồng vừa gặt, vừa chạy vừa la hét như thể đang đuổi một thứ thổ tả nào đó, để ba đứa trẻ xanh mặt chạy vội về nhà tìm chỗ trốn... Người mẹ vắng chồng cấm tiệt những đứa con không được vầy vò, lặn ngụp trên khúc sông vắng…

Cây cầu chở cha tôi oằn lưng trên chiếc xe đạp cũ, sau gac-ba-ga là thằng bé lên 5 đang chất đầy những sợ hãi bởi nó vừa trốn học, trốn vào nhà ông bà ngoại câu cá; hay cào rách mặt một thằng bạn cùng lớp mẫu giáo vì tranh nhau một mẩu phấn vụn… Cha nó biết chuyện, mua một gói kẹo cau màu xanh đỏ rồi đèo nó xuống tận nhà đứa bạn bắt xin lỗi…

Trên cây cầu này, chị tôi về làm dâu ở làng bên sông, dù vẫn một làng. Đứng từ nhà chồng nhìn về nhà đẻ, cách một con sông - con sông mà ngày bé chị em tôi ngụp lặn, vầy vò bị mẹ bắt được… - nước mắt ngắn dài vì bỗng dưng phải làm người lớn…

Rồi, theo vòng quay số phận. Mẹ con tôi tiễn cha về nơi an nghỉ, lê bước trên cây cầu già nua trong một buổi sớm mùa xuân trời mưa lướt thướt… Đoàn người đưa tiễn nối thành một hàng dài nặng những ưu tư...

Cha tôi giờ cỏ đã xanh vượt vuông đất mặn mòi có thể lấy gang tay để đo. Con người, cuối cùng, khi đã đi hết một hành trình, hình dong của họ, vẫn về lại thước đo như lúc họ mới được sinh ra…

Bao dâu bể biến thiên, cây cầu làng tôi vẫn vững bền qua bao biến cố. Cây phượng vĩ trăm tuổi đầu làng bị quật đổ bởi một cơn bão vô tình đi qua; hay cây đa cổ thụ có tên “cây đa mắt rồng” giữa làng bỗng một ngày nằm xuống, để lại khoảng trống mênh mông mà bao nhiêu năm nó vẫn chiếm giữ…

Tôi không ở quê để được chứng kiến thời khắc dỡ bỏ cây cầu cũ. Nhưng có lẽ, với tôi, nó sẽ mãi là một hình ảnh thân thuộc gắn bó với tuổi thơ, một buổi chiều mẹ bẻ ngọn roi tre phăm phăm lội đồng; một buổi trưa cha chở tôi qua cây cầu cũ, dạy bài học làm người…

Bình luận mới nhất