Đậu cỏ (Lathyrus sativus) được trồng ở một số vùng khô cằn, khắc nghiệt nhất thế giới, được đánh giá là một loài cây giàu protein. Loài cây hạt cứng này còn chứa một chất độc có khả năng gây tê liệt không hồi phục, đặc biệt là với đối tượng người bị suy dinh dưỡng.
Cũng vì lý do đó mà đậu cỏ thường chỉ được trồng như một loại cây “phòng hờ”, để cung cấp nguồn lương thực ngắn hạn khi vụ mùa của các loại cây trồng khác bị thất bát. Tuy nhiên, ngộ độc từ Lathyrus sativus vẫn xảy ra tại Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Ethiopia và Algeria.
Nhưng giờ đây, một nhóm các nhà khoa học Vương quốc Anh nghiên cứu về đậu cỏ đã tiết lộ bí mật về cách loài cây sản xuất chất độc. Trong tương lai gần, họ hy vọng sẽ tạo ra các phiên bản đậu cỏ không có tác dụng phụ độc hại.
Tiến sĩ Anne Edwards, nhà khoa học tham gia dự án, thuộc Trung tâm John Innes, Norfolk, cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm có thể tạo ra các phiên bản an toàn của đậu cỏ và cung cấp cho hành tinh quá nóng, quá thiếu dinh dưỡng của chúng ta một loại cây trồng giá trị”.
Các bước sinh hóa quan trọng mà chất độc của đậu cỏ được tạo ra đã hé lộ khi các nhà khoa học giải mã bộ gen phức tạp của loài Lathyrus sativus. Họ đã phát hiện ra chi tiết về các con đường dẫn đến việc sản xuất chất độc từ đậu, và họ sẵn sàng sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen hoặc nhân giống tiêu chuẩn để tạo ra các phiên bản không có chất độc hoặc cực kỳ ít chất độc.
Theo các nhà nghiên cứu, đậu cỏ an toàn nếu chỉ ăn một lượng nhỏ như một phần của chế độ ăn uống cân bằng. Mặt khác, việc tiêu thụ đậu cỏ quá nhiều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, điển hình là chứng ngộ độc đậu liên lý (lathyrism).
Tuy nhiên, một khi đã loại bỏ các tác động độc hại của nó, đậu cỏ có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khí hậu cực đoan. Tiến sĩ Edwards nói: “Chúng ta không nên đánh giá thấp tiềm năng của đậu cỏ. Đó là một loại cây họ đậu có bộ rễ bám sâu xuống lòng đất, và vi khuẩn trong rễ tạo ra phân bón bằng cách chuyển đổi nitơ trong không khí thành các hợp chất amoni. Phân bón này sẽ được phân tán dưới lòng đất, cải thiện chất lượng đất”.
Tiến sĩ Peter Emmrich từ Viện Phát triển bền vững Norwich, một trong những nhà khoa học đang phát triển các giống đậu cỏ an toàn, cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, chúng ta sẽ cần những loại cây trồng có thể đối phó với hạn hán, ngập lụt hoặc ngập mặn. Đậu cỏ là một ứng cử viên đầu hứa hẹn nhờ khả năng sinh tồn của cây trong các điều kiện khắc nghiệt”.