| Hotline: 0983.970.780

'Cây hạnh phúc' của người Trấn Yên

Thứ Ba 11/10/2022 , 07:46 (GMT+7)

YÊN BÁI Để cây tre Bát Độ mang ấm no cho bà con ngày nay, có những giọt mồ hôi của nhiều thế hệ cán bộ, nông dân tiên phong, đặc biệt là cán bộ khuyến nông.

Ngày nay, cây tre Bát Độ đã trở thành cây mang lại ấm no cho người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái). Nhưng ít ai biết rằng, để có được thảnh quả này, đã có những giọt mồ hôi của nhiều thế hệ cán bộ, nông dân tiên phong, đặc biệt là cán bộ khuyến nông. 

Gian nan bén rễ...

2 thập kỷ trước, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) từng là địa phương nghèo khó, đời sống người dân còn vô vàn khó khăn. Đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đói lên đến 50 – 70%. Cũng thời điểm đó, cây tre Bát Độ đã tìm đến mảnh đất này. Sau bao nhiêu gian truân bén rễ và phát triển, hôm nay, huyện Trấn Yên trở thành huyện có có diện tích vùng tre măng Bát Độ hàng hóa lớn nhất Việt Nam, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân.

Ảnh 1. Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm vùng tre Bát Độ xã Kiên Thành

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm vùng tre Bát Độ xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên, Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

 

Năm 2002, dự án trồng tre Bát Độ bắt đầu được manh nha ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Thời điểm này, một số nơi như ở Lạng Sơn, Hà Giang hay Hải Dương đã phát triển loại cây trồng này. Cây tre Bát Độ là loại cây dễ trồng, có thể trồng bằng củ hoặc cành. Một số tỉnh khác như Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai cũng có dự án quy mô lớn. Cây trồng này rất phù hợp với đồng bào vùng cao vì có nhiều đất rừng và không đòi hòi trình độ canh tác cao.

Trấn Yên cũng là huyện có nhiều diện tích đất rừng, khí hậu mưa nhiều, phù hợp với cây tre măng Bát Độ, vì vậy Huyện ủy Trấn Yên đã quyết định lựa chọn cây này để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Ông Lê Văn Tạo, nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên kể lại: Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh, năm 2002 UBND, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn 2 huyện Trấn Yên và Yên Bình để thực hiện dự án phát triển cây tre măng Bát Độ.

Ảnh 2. Các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm cùng tre Bát Độ xã Hồng Ca

Nguyên lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm cùng tre Bát Độ xã Hồng Ca. Ảnh: Thanh Tiến.

Được sự chấp thuận của tỉnh, huyện Trấn Yên sau này đã thành lập Ban quản lý dự án tre măng Bát Độ, trong đó giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Quốc Toản, khi đó là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm Trưởng ban, Phòng NN-PTNT huyện làm Phó trưởng Ban quản lý, thành viên là một số cơ quan, đơn vị và địa phương trong vùng quy hoạch trồng tre Bát Độ. Phương thức triển khai là chú trọng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân để từng bước tạo dựng lòng tin, lấy hiệu quả thực tế làm minh chứng để người dân yên tâm mở rộng diện tích.

Ông Nguyễn Quốc Toản, hiện là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Trấn Yên (nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm - Trưởng Ban quản lý dự án tre Bát Độ) cho biết: Trước đó, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã đưa mô hình thử nghiệm một số ít củ tre Bát Độ về trồng nhỏ lẻ ở một số hộ dân trên địa bàn, chủ yếu để lấy măng ăn chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2003, huyện Trấn Yên bắt đầu triển khai trồng 60ha tre Bát Độ ở một số xã gồm Kiên Thành, Y Can, Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành. Mật độ trồng là 830 cây/ha. Giá củ giống thời điểm này là 11.000 đồng/củ, trong đó người dân bỏ tiền mua 5.000 đồng/cây, còn lại được hỗ trợ. Như vậy, mỗi ha tre sẽ phải đầu tư gần 10 triệu đồng tiền củ giống, trong đó người dân sẽ phải đầu tư hơn 4 triệu đồng, đây cũng là số tiền lớn đối với các hộ dân ở vùng đặc biệt khó khăn thời điểm đó.

Trong năm đầu tiên trồng tre, tỉ lệ sống chỉ đạt trên 50% (cứ trồng 10 củ thì 4 - 5 củ chết khô, không nảy mầm) bởi thời vụ trồng muộn nên thời tiết ít mưa, chất lượng củ giống vận chuyển xa và để lâu, kỹ thuật đào hố trồng tre và kỹ thuật chăm sóc chưa đảm bảo.

Đi tìm củ giống

Năm 2004, sau khi dự án tre Bát Độ được giao cho huyện Trấn Yên là chủ đầu tư, để có nguồn củ giống đảm bảo chất lượng, Ban quản lý dự án tre Bát Độ huyện đã cử cán bộ sang huyện Điền Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để khảo sát, lựa chọn củ giống và học tập kỹ thuật trồng tre.

Ảnh 3. Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy cùng lãnh đạo 2 huyện Trấn Yên và Mù Cang Chải thăm vùng tre Bát Độ xã Hồng Ca

Lãnh đạo 2 huyện Trấn Yên và Mù Cang Chải thăm vùng tre Bát Độ xã Hồng Ca. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phạm Đức Trọng, nguyên Trưởng phòng NN-PTNN huyện Trấn Yên, người đầu tiên trực tiếp sang huyện Điền Lâm để thu mua củ giống tre chia sẻ: “Được sự phân công của huyện, tôi đã có 1 tháng ở huyện Điền Lâm, cách biên giới Việt Nam hơn 1.000km. Đây là vùng trồng tre Bát Độ tập trung đã từ lâu.

Lúc mới sang, số lượng củ giống người dân ở đây tập kết về chỉ chọn được khoảng 60%, nhiều củ không có mắt, không có tay tre, bị sâu thối phải loại bỏ. Khó khăn nhất là về ngôn ngữ, do không biết tiếng Trung Quốc nên các hoạt động, sinh hoạt chủ yếu giao tiếp bằng cử chỉ hành động. Cứ khoảng 1 tuần mới có phiên dịch đến làm việc để giúp tôi có thể trao đổi với người dân bán củ giống.

Số lượng củ giống lựa chọn đến đâu thì bốc lên xe và chở về nước ngay để đảm bảo chất lượng. Sau 1 tháng thì người dân ở đây cũng đã cung ứng được củ giống tốt hơn, số bị loại bỏ chỉ còn khoảng 10%. Nguồn củ giống sau khi được trở về huyện tới đâu, các xã huy động xe ô tô và nhân lực vận chuyển lên đồi trồng ngay đến đó, hạn chế va đập và để lâu làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm.”

"3 cùng" với người dân để trồng tre

Khi du nhập về địa phương, cây tre Bát Độ là loại cây còn rất xa lạ với người dân ở Trấn Yên, do đó bên cạnh việc ra soát diện tích đất quy hoạch vùng trồng tập trung, tìm nguồn củ giống thì câu chuyện vận động người dân trồng tre là gian nan nhất.

Ảnh 4. Đồng chí Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc trung tâm Dịch vụ hỗ trợ &PTNN huyện kiểm tra củ giống tre Bát Độ tại xã Kiên Thành

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên kiểm tra củ giống tre Bát Độ tại xã Kiên Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Trấn Yên: Những năm đầu, Ban quản lý dự án tre Bát Độ tập trung phát triển vùng tre Bát Độ ở xã Kiên Thành, những diện tích tre đầu tiên được giao cho cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản; cán bộ, công chức và những người có uy tín trong cộng đồng trồng trước để người dân học tập làm theo. Bên cạnh đó, thành lập tổ trồng tre Bát Độ để trồng mẫu diện tích 10ha tập trung ở thôn Khe Tối, diện tích này được cán bộ kiểm lâm hỗ trợ trồng. Sau khi hoàn thành thì giao cho xã quản lý, chăm sóc.

Để công tác trồng tre nhanh, hiệu quả và đúng khung lịch thời vụ, đảm bảo đạt tỷ lệ sống cao, Ban quản lý dự án tre Bát Độ của huyện đặc biệt chú trọng tới việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho bà con.

UBND huyện đã huy động toàn bộ lực lượng khuyến nông, kiểm lâm để thành lập các tổ hướng dẫn kỹ thuật trồng tre cho người dân trong vùng quy hoạch. Các thành viên trong tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất trống bỏ hoang, đất trồng chè, trồng sắn, cây tạp kém hiệu quả sang trồng tre.

Hàng năm, cứ đến dịp trước Tết Nguyên đán là cán bộ khuyến nông và cán bộ kiểm lâm phối hợp với cán bộ ở xã và các thôn, bản triển khai xuống cơ sở để rà soát, chuẩn bị quỹ đất, cho các hộ dân đăng ký diện tích trồng mới trong vụ xuân. Từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, các tổ hướng dẫn kỹ thuật sẽ xuống tận thôn thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nông dân. 

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên trồng tre Bát Độ cùng người dân xã Lương Thịnh.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên trồng tre Bát Độ cùng người dân xã Lương Thịnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên (nguyên Trưởng trạm Khuyến nông huyện) chia sẻ: “Đầu xuân là thời điểm mưa nhiều, những con đường đến các xã vùng trồng tre như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh lầy lội, trơn trượt, nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi nhất cho củ măng bén rễ, nảy mầm.

Không quản mưa, nắng, thứ bảy, chủ nhật, đội ngũ cán bộ khuyến nông lại trèo đèo lội suối cùng bà con, người khênh, người vác củ tre giống lên rừng để trồng. Những bữa cơm quá giờ trưa trên đồi tre cùng người dân là thường nhật, có người cả tuần, thậm chí cả tháng mới được về nhà. Vất vả rất nhiều nhưng anh, chị, em luôn cố gắng vì nhiệm vụ và đáp lại những tình cảm của người dân dành cho mình.

Ông Hà Đức Vịnh ở thôn Cát Tường (xã Kiên Thành) nhớ lại: “Ngày đó, nhà tôi có một tổ cán bộ khuyến nông về ở để hướng dẫn bà con trồng tre, anh chị em toàn là cán bộ, đảng viên trẻ có tinh thần hăng hái nhiệt tình, cả 3 tháng trời ở đây giúp người dân vác củ giống lên nương, hướng dẫn kỹ thuật đào hố trồng tre hết hộ này đến hộ khác.

Xe máy thì cứ để ở ủy ban xã, rồi đi bộ đến các thôn Cát Tường, Đồng Song, Khe Rộng, Khe Tối hướng dẫn kỹ thuật. Đến buổi tối về vẫn trò truyện để tuyên truyền các hộ có đất nhưng chưa chuyển đổi sang trồng tre".

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.