Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, trong 2 năm (2012 - 2013), Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (Yên Bái) triển khai dự án "Ứng dụng TBKT nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ trên địa bàn”.
Dự án đã chọn 5 ha tre Bát Độ từ năm 2004 - 2005 với mật độ trồng 625 khóm/ha của 3 hộ dân ở xã Kiên Thành; trong đó bố trí 3 ha thực nghiệm (bón phân hữu cơ MV và phân NPK 5.10.3 vào tháng 3 và bón bổ sung phân NPK 12.5.10 vào tháng 6 sinh trưởng) và 2 ha đối chứng (chỉ bón 1 loại phân NPK 5-10-3 với lượng 1,0 kg/khóm 1 lần vào tháng 3).
Chăm sóc măng tre Bát Độ ở Trấn Yên
Kết quả theo dõi cho thấy: Tre ở lô thực nghiệm sinh trưởng phát triển khá tốt, số lứa và thời gian thu hoạch nhanh, măng mọc nhiều và mọc tập trung, trọng lượng măng, độ dày trung bình óng tươi của măng ở lô thực nghiệm đều cao hơn so với lô đối chứng.
Cụ thể là số ngọn măng của lô thực nghiệm đạt trung bình là 1,8 măng/khóm/lứa, trong khi đó ở lô đối chứng chỉ đạt trung bình 1,5 ngọn/khóm/lứa; Trọng lượng trung bình ngọn măng của lô thực nghiệm đạt 3,7 kg/ngọn, trong khi đó ở lô đối chứng chỉ đạt 2,6 kg/ngọn (trọng lượng măng ở lô thực nghiệm nặng hơn măng ở lô đối chứng là 1,1 kg/ngọn).
Năng suất măng vỏ tươi, sản lượng của măng ở lô thực nghiệm cao hơn lô đối chứng khoảng 50%. Tỷ lệ nhiễm bệnh đốm lá và bệnh thối măng ở lô đối chứng cao hơn lô thực nghiệm khoảng 30%.
Bà Hoàng Thị Đào ở thôn Khe Tối, xã Kiên Thành cho biết trong năm 2013 (tính đến tháng 8) nếu trừ chi phí về phân bón khoảng 4 triệu/ha thì 1 ha tre Bát Độ ở lô thực nghiệm bón bổ sung thêm 2 loại phân, mỗi năm có thể cho thu lãi cao hơn lô đối chứng từ 15 - 20 triệu đồng.