| Hotline: 0983.970.780

Cây ngô 'xô' cây lúa

Thứ Tư 08/04/2020 , 13:01 (GMT+7)

Bình Định đang chuyển mạnh diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn nhằm giảm nước tưới. Trong đó, cây ngô đã dần “xô” cây lúa ra khỏi những cánh đồng thiếu nước.

Trồng ngô thay trồng lúa lợi nhuận cao gấp đôi nên nông dân rất mê. Ảnh: Kim Sơ.

Trồng ngô thay trồng lúa lợi nhuận cao gấp đôi nên nông dân rất mê. Ảnh: Kim Sơ.

Vùng đất “mê” ngô

Với đặc điểm là vùng đất trung du miền núi, trong đó có 4 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, ấy vậy mà hệ thống thủy lợi ở huyện Hoài Ân (Bình Định) rất “nghèo nàn”.

Trong 22 hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn Hoài Ân có tổng dung tích thiết kế 40,64 triệu m3, chỉ có hồ Vạn Hội được xếp vào hạng to nhất do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý cũng chỉ có dung tích thiết kế trên 13 triệu m3.

Trong khi đó, tổng diện tích đất canh tác của Hoài Ân có gần 4.500ha đất trồng lúa, gần 1.700ha đất trồng màu và hơn 3.600ha đất trồng cây lâu năm. Nhu cầu về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp là rất cao, vì vậy “vốn liếng” nước tưới như đã kể trên là không bõ bèn, vào vụ hè thu hàng năm cây trồng thường khô quắt.

Trước thực tế trên, ngay từ năm 2013, chính quyền huyện Hoài Ân đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sự quyết tâm của Hoài Ân được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu mỗi năm Hoài Ân phải chuyển 1.200ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trịnh kinh tế cao.

Xã Ân Phong có lẽ là địa phương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sớm nhất ở huyện Hoài Ân. Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phong, từ năm 2011 chính quyền xã này đã có chủ trương chuyển một số diện tích đất sản xuất lúa sang trồng ngô và rau dưa các loại.

Đầu tiên nông dân không đồng thuận, nguyên nhân họ đưa ra là đã quen làm cây lúa ít tốn công chăm sóc, còn làm cây màu phải chăm sóc nhiều hơn. Khi ấy chính quyền xã cơ cấu lại sản xuất, đất nào làm lúa thì chuyển từ sản xuất 3 vụ/năm sang còn làm 2 vụ/năm.

Còn đất chuyển màu thì làm 2 vụ màu 1 vụ lúa theo công thức: Lúa đông xuân; rau, dưa các loại và bí đỏ vụ hè, ngô vụ thu đông và duy trì từ đó đến nay.

“Hiện nay, vào tháng 11 âm lịch bà con trồng rau dưa các loại, cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch năm sau xuống giống ngô. Khoảng gần 4 tháng sau thu hoạch ngô bà con tiếp tục trồng bí, cứ thế xoay vòng.

Trên chân lúa 1 vụ/năm bà con sạ sớm, trước 23/10 âm lịch để đầu tháng Giêng năm sau có thu hoạch. Sau đó họ trồng dưa gang (dưa bở), xong vụ dưa gang thì tiếp tục trồng ngô. Mô hình này bà con có mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/vụ. Ngô cho năng suất cao, đạt 70 tạ/ha, lãi gấp mấy lần làm lúa. Mấy năm nay dưa gang rất có giá, mỗi sào thu 5 triệu đồng/vụ là bình thường”, ông Huệ chia sẻ.

Nông dân nhiều địa phương ở Bình Định trồng ngô lấy cả thân lẫn trái nuôi bò, 3 – 4 tháng sau kiếm lãi 6 – 7 triệu đồng/con. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân nhiều địa phương ở Bình Định trồng ngô lấy cả thân lẫn trái nuôi bò, 3 – 4 tháng sau kiếm lãi 6 – 7 triệu đồng/con. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Huệ đưa ra những con số để chứng tỏ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của xã Ân Phong và chứng tỏ nông dân ở đây “mê” cây ngô đến dường nào.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Ân Phong đã chuyển được 1.053ha diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây màu. Trong đó có 733ha được chuyển sang trồng ngô, hơn 125ha chuyển sang trồng rau màu các loại và 195ha trồng cỏ nuôi bò.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần tiết kiệm được nguồn nước tưới trong điều kiện thời tiết liên tục xảy ra hạn hán, hạn chế được rủi ro, giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế rõ rệt”, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phong Nguyễn Văn Huệ, khẳng định.

Rộng đầu ra

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, từ năm 2013 đến nay, đều đặn năm nào huyện này cũng chuyển đổi gần 1.000ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn.

Riêng 2 – 3 năm gần đây công tác chuyển đổi được đẩy mạnh hơn, mỗi năm chuyển được 1.200ha, chuyển mạnh nhất là cây ngô. Riêng vụ ĐX 2019- 2020 bà con trồng được trên 660ha ngô, vụ hè thu này tiếp tục trồng 550ha và vụ mùa 230ha nữa.

Nông dân lấy thân cây ngô cho bò ăn. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân lấy thân cây ngô cho bò ăn. Ảnh: Kim Sơ.

“Năm nay chúng tôi còn chuyển mạnh cây ngô trên những diện tích trước đây bà con trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp giờ đã phá bỏ hết, hầu hết gần 200ha đó đã được đưa vào trồng ngô.

Chiếm 40% trong diện tích trồng ngô trên địa bàn là ngô sinh khối, bà trong trồng để cung ứng cho chăn nuôi bò, nhất là đàn bò sữa của Nhà máy sữa Vinamilk Bình Định.

Hiện nay ngô sinh khối có giá 700đ/kg cả cây lẫn lá lẫn trái, nông dân có lãi nhiều nên phong trào trồng ngô sinh khối phát triển mạnh”, ông Hòa cho hay.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, không chỉ riêng huyện Hoài Ân, việc chuyển trồng lúa sang trồng ngô sinh khối ở các huyện khác trong tỉnh cũng phát triển rất mạnh, nên diện tích trồng ngô trên địa bàn không ngừng tăng.

Về đầu ra của cây ngô, ông Hùng cho biết là đang rất rộng mở. Bởi, trên địa bàn tỉnh này hiện đã có đến 18 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có 13 nhà máy đã đi vào hoạt động, hiện các nhà máy này chủ yếu nhập ngô hạt từ nước ngoài về làm nguyên liệu.

Hiện ở Bình Định đã có 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) thu mua ngô hạt của nông dân nhập cho các nhà máy.

“Đặc biệt, ngô sinh khối của bà con nông dân trồng đều được Trang trại Bò sữa Bình Định thu mua hết. Trồng ngô sinh khối rất nhanh thu hoạch, nếu trồng ngô lấy hạt phải hơn 3 tháng thì ngô sinh khối chỉ 2 tháng là thu hoạch. Cây ngô sinh khối thu hoạch sớm hơn 1 tháng đồng nghĩa tiết kiệm được nước tưới trong 1 tháng.

Nếu làm lúa, năng suất đạt cao nhất là 400kg/sào, với giá lúa hiện nay là 6.000đ/kg thì 1 sào lúa nông dân thu được 2,4 triệu đồng/vụ. Còn trồng ngô sinh khối nông dân sẽ thu được 2,8 triệu đồng/vụ, trong khi chi phí đầu vào ít hơn nên nông dân có lãi nhiều hơn”, ông Hùng phân tích.

“Nông dân nhiều địa phương ở Bình Định còn trồng ngô lấy cả thân lẫn trái làm thức ăn để nuôi bò, khi bán bò thu tiền “1 cục”, chỉ 3 – 4 tháng là lãi được 7 – 8 triệu đồng/con. Chuyển từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây trồng cạn ngoài được tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, nông dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo chương trình khuyến nông”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.