Năm nay là mùa thứ 2 gia đình anh Vàng Mí Chơ ở thôn Há Đề B, xã Tả Lủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) trồng cây sâm khoai trên diện tích 2ha tại khu vực xung quanh vườn của gia đình. Nhờ có kinh nghiệm trồng từ những năm trước nên cây sâm khoai nhà anh Chơ phát triển rất tốt, củ sâm khoai to đều, hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi bước vào vụ thu hoạch, vườn sâm khoai của gia đình đã được khách hàng đặt mua hết ngay tại vườn. Với giá bán bình quân đầu vụ dao động từ 17 đến 20 nghìn/kg, gia đình anh Chơ thu trên 120 triệu đồng.
Anh Vàng Mí Chơ cho biết, diện tích trồng sâm khoai trước đây gia đình anh trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau vụ đầu trồng thử nghiệm, anh thấy loài cây này khá dễ trồng và dễ chăm sóc. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch người dân chỉ cần chăm bón từ 1 đến 2 lần. Ngoài ra, cây sâm khoai lại rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại xã Tả Lủng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với những cây trồng khác.
Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội mà cây sâm khoai mang lại, năm 2023, xã Tả Lủng đã nhân rộng mô hình lên diện tích 10ha tại các thôn Đề Đay, Há Súng, Há Đề A, Há Đề B. Mặc dù đầu năm bị hạn hán song cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất của cây trồng này. Với giá bán trên thị trường ổn định, người dân nơi đây đều rất phấn khởi khi cây sâm khoai được mùa, được giá.
Theo đông y, củ sâm khoai có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm đau và sưng viêm khớp. Dân gian thường lấy củ ngâm rượu uống hoặc ăn sống, hay nấu chín giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan.
Gia đình anh Ly Sính Mua, thôn Há Đề, xã Tả Lủng trồng trên 2,5ha cây sâm khoai. Anh Mua cho biết, năm nay cây sâm khoai phát triển tốt và được giá nên gia đình có thu nhập ổn định. Bản thân anh thấy trồng cây sâm khoai mang lại thu nhập cao hơn so với trồng cây ngô và những cây trồng khác. Sang năm, gia đình anh Mua sẽ tiếp tục trồng thêm khoảng 0,5ha, hi vọng tăng thu nhập để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi đám trẻ ăn học đến nơi đến chốn.
Cây sâm khoai là loài cây có gốc mọc nhiều thân, cao hơn đầu người, mỗi gốc mọc ra nhiều củ giống như cây sắn. Củ sâm khoai có lớp vỏ nhẵn, lõi màu vàng nhạt, thường được sử dụng để ăn sống, nấu canh và chế biến thành các món ăn.
Sâm khoai là cây dễ trồng, ít có sâu bệnh hại. Để cây sai củ, cho củ to và đồng đều, khi trồng cần giữ khoảng cách giữa các cây từ 70 đến 80cm, hàng cách hàng từ 80 đến 100cm, tạo rãnh thoát nước không để ngập úng, chọn củ giống khỏe, không bị dập nát.
Ông Dương Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết, năm 2021, xã trồng thử nghiệm 0,2ha cây sâm khoai với 8 hộ tham gia ở các thôn Đề Đay, Há Súng, Há Đề A, Há Đề B. Sau một thời gian chăm sóc, cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng tốt. Năm 2022, xã tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lên 5,3ha và năm 2023 diện tích được mở rộng tới 10ha. Sau 10 tháng, mỗi gốc sâm khoai cho thu hoạch khoảng 10 đến 15kg củ, trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 100 đến 110 triệu đồng/ha.
Dù là cây trồng mới nhưng cây sâm khoai đang dần khẳng định được giá trị và vị thế tại xã vùng cao biên giới Tả Lùng. Loài cây này được mở rộng diện tích cũng mang theo hi vọng xóa đói, giảm nghèo cho các gia đình người Mông nơi đây. Thế nhưng việc kết nối thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định gắn với xây dựng thương hiệu sẽ là vấn đề đặt ra trong tương lai khi cây trồng này được mở rộng diện tích và sản lượng tăng lên.