| Hotline: 0983.970.780

Cây tràm lá dài sống khỏe trên vùng hồ thủy điện

Thứ Tư 06/12/2023 , 14:30 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Cây tràm lá dài cho thấy khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt trên vùng đất bán ngập của lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Tháng 4/2023, dự án xây dựng mô hình trồng cây tràm lá dài (Melaleuca leucadendera L) trên đất bán ngập khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang được triển khai trồng thử nghiệm với diện tích 6ha, thuộc địa phận thôn Nà Noong, xã Năng Khả (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Theo các chuyên gia, vùng bán ngập trên hồ thủy điện Tuyên Quang có khả năng trồng cây tràm lá dài với tổng diện tích 210ha. Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang đã tiến hành các thủ tục mua cây giống, phân bón và triển khai trồng cây tràm lá dài.

Cây tràm lá dài đang phát triển tốt trên vùng đất bán ngập ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Cây tràm lá dài đang phát triển tốt trên vùng đất bán ngập ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Theo đó, tổng số cây giống đã cung ứng là hơn 43.900 cây, đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Cây cao trung bình 80 - 90cm, đường kính cổ rễ từ 0,3cm trở lên, cây khỏe mạnh, cứng cáp, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh gây hại, không đứt rễ.

Tham gia mô hình có 5 hộ dân tại địa phương nhận hợp đồng giao khoán trồng và chăm sóc; mật độ trồng 6.660 cây/ha, trồng từ cos nước 115m trở lên.

Gia đình ông Phúc Xuân Ánh, thôn Nà Noong, xã Năng Khả (huyện Na Hang) là một trong 5 hộ gia đình thực hiện nhận hợp đồng trồng, chăm sóc cây tràm lá dài với diện tích 1,2ha. Ông Ánh cho biết, tham gia mô hình, ông nhận hơn 7.400 cây giống để trồng trên vùng bán ngập lòng hồ. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, toàn bộ diện tích cây đều phát triển khá tốt. Hiện mực nước trên hồ thủy điện Tuyên Quang đang khá cao, cos nước đạt mức 120m khiến nhiều diện tích cây bị ngập, nhưng ông Ánh kiểm tra thấy cây vẫn xanh và phát triển tốt.

Qua theo dõi sinh trưởng và nghiệm thu nội bộ, Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang bước đầu đánh giá cây tràm lá dài trong mô hình có khả năng chịu khô hạn tốt, tỷ lệ sống rất cao, trung bình đạt 98% (lô có tỷ lệ sống thấp nhất đạt 93,75%, nhiều lô đạt 100%), cây sinh trưởng tốt. Sau một thời gian trồng, hiện chiều cao của cây trung bình đạt 138cm (có những cây cao 1,9m), đường kính gốc trung bình đạt 1,5cm (có những cây đường kính gốc đạt 3cm).

Cây tràm lá dài được trồng thử nghiệm tại huyện Na Hang với diện tích 6ha. Ảnh: Đào Thanh.

Cây tràm lá dài được trồng thử nghiệm tại huyện Na Hang với diện tích 6ha. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy nhiên, trong diện tích trồng cũng có những phát sinh nhất định. Đặc biệt tại một số vị trí có xuất hiện mối cắn gốc. Trước thực trạng này, chủ nhiệm dự án đã khẩn trương mua thuốc bảo vệ thực vật, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xử lý kịp thời. Tại một số điểm có xuất hiện châu chấu gặm vỏ cây và cắn phá đỉnh sinh trưởng. Tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đến khi có mưa lớn, mật độ châu chấu giảm mạnh, hiện không thiệt hại lớn cho mô hình.

Ông Tề Minh Giáp, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang, Chủ nhiệm dự án cho biết, đến nay, đơn vị đã tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nội dung công việc của dự án theo tiến độ đã phê duyệt và hợp đồng đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nguồn nhân lực đều có trình độ chuyên môn về lâm nghiệp, đã tham gia nhiều chương trình, dự án điều tra quy hoạch rừng, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Vì vậy các nội dung đều được thực hiện theo quy định, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo về tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Cán bộ chuyên môn cũng bám sát, đồng hành cùng các hộ hợp đồng giao khoán thực hiện chăm sóc, phát bỏ cây cỏ xâm lấn, thu dọn đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi rừng để phòng chống cháy rừng; theo dõi, đánh giá sinh trưởng của cây trong mô hình 3 tháng/lần.

Tràm lá dài có nhiều ưu điểm như thích nghi và phát triển tốt ở vùng đất bán ngập, do đó giúp chống xói mòn đất, hạn chế rửa trôi ở khu vực có mực nước thường xuyên lên xuống. Giống cây này có thể cho thu hoạch tinh dầu tràm, đến mùa hoa có thể kết hợp nuôi ong lấy mật dưới tán rừng… Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện tổng kết mô hình và sẽ đưa ra những đánh giá thích hợp để xem xét nhân rộng diện tích trồng loài cây này trên vùng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất