| Hotline: 0983.970.780

Đại gia dó bầu và tuyệt kỹ chế tác trầm hương xuất khẩu

Thứ Ba 18/07/2023 , 06:17 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Dù đang sở hữu 13ha cây dó thâm niên, đã cấy trầm nhưng ông Toàn không đụng tới, mà mua cây dó đứng cấy trầm để khai thác, chế tác sản phẩm xuất khẩu.

Kiếm tiền từ các vườn dó nhà người

Ông Nguyễn Hữu Toàn (65 tuổi) ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định) là người sớm có ý thức sẽ có một ngày cây dó trên rừng cạn kiệt, đồng nghĩa nguồn trầm hương trong tự nhiên sẽ không còn. Do đó, cách đây 27 năm, ông đã mua đất trồng cây dó bầu.

Hiện ông Toàn đang sở hữu 2ha cây dó đã được 26 năm tuổi, hơn 5ha đã được 19 năm tuổi và 6ha được 15 năm tuổi. Trầm được cấy trong những diện tích cây dó nói trên của ông Toàn rất thâm niên, đã có thể khai thác nhưng ông để dành. Bởi, theo giải thích của ông, cây dó sau khi cấy trầm để càng lâu trữ lượng trầm càng cao, chất lượng chẳng kém trầm khai thác trong tự nhiên nên có giá trị càng cao.

2ha cây dó ông Toàn trồng từ năm 1997 được cấy chế phẩm sinh học tạo trầm đã lâu nhưng anh để dành, chưa khai thác. Ảnh: V.Đ.T.

2ha cây dó ông Toàn trồng từ năm 1997 được cấy chế phẩm sinh học tạo trầm đã lâu nhưng anh để dành, chưa khai thác. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm 1996 tôi mua 2ha đất bên kia đường phía trước nhà, ươm cây dó giống, năm 1997 bắt đầu trồng. Sau này, nơi nào trên đất Hoài Ân bán đất rẫy là tôi mua để trồng dó, đến nay tôi đã sở hữu hơn 13ha cây dó với nhiều độ tuổi khác nhau. Toàn bộ cây dó của tôi đã được cấy trầm nhiều năm rồi, nhưng tôi không khai thác. Bởi, cây dó sau khi cấy chế phẩm sinh học vào để tạo trầm, để càng lâu trữ lượng trầm càng nhiều, chất lượng trầm càng cao” ông Toàn chia sẻ.

Để nắm được bí quyết cấy tạo trầm thành công, ông Toàn đã phải cất công rong ruổi khắp các xứ trầm hương trên cả nước để học hỏi kỹ thuật. Cây dó trên rừng dẫu cả trăm năm tuổi mà không bị lậy ăn, kiến đục, bị bão gió làm gãy hoặc bị mảnh bom, mảnh đạn tạo nên vết thương thì cũng không cho trầm. “Tất cả các loại cây khi bị tác động ngoại cảnh tạo nên vết thương thì tại vết thương ấy sẽ tạo mủ, mủ của các loại cây đều không có giá trị, riêng mủ của cây dó bầu tạo ra trầm nên có giá trị cao”, ông Toàn đúc kết.

Đối với cây dó tự trồng, muốn tạo trầm trước tiên phải khoan lỗ, sau đó cấy chế phẩm vào để tạo trầm. Thuở sơ khai, người tạo trầm thường cấy vào cây dó hóa chất để tạo trầm, hóa chất tạo trầm rất nhanh, nhưng chất lượng trầm kém. Bây giờ, chế phẩm sinh học được thay cho hóa chất, dù thời gian tạo trầm lâu hơn, nhưng chất lượng không kém trầm khai thác từ tự nhiên.

Một người thợ đang xỉa trầm từ những cây dó do ông Toàn khai thác. Ảnh: V.Đ.T.

Một người thợ đang xỉa trầm từ những cây dó do ông Toàn khai thác. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài hơn 13ha cây dó thâm niên đã được cấy trầm từ hàng chục năm trước nhưng ông Toàn chưa khai thác, thời gian qua, để có trầm nguyên liệu đưa vào chế tác sản phẩm tiêu thụ thị trường trong và ngoài nước, ông Toàn còn mua cây dó đứng của người dân trên cả nước trồng trên rẫy, trong vườn nhà, sau đó cấy trầm để tạo nguồn nguyên liệu.

“Năm nào tôi cũng mua khoảng 1.000 cây dó có đường kính từ 18cm trở lên để cấy trầm. Sau khi cấy chế phẩm sinh học, phải 2 năm sau mới khai thác được, thế nên năm nào tôi cũng phải bỏ ra vài tỷ đồng mua cây dó đứng để có thể khai thác trầm liên tục. Có như vậy cơ sở chế tác trầm hương của gia đình mới không bị đứt gãy nguồn nguyên liệu.

Với hơn 13ha cây dó gia đình tôi trồng đã được cấy chế phẩm sinh học, nếu để đến 30 năm sau mới khai thác thì khi ấy trầm đã đen tuyền. Đến lúc ấy trầm không còn là trầm mà là vàng, là kim cương, bởi giá trị của nó cao gấp trăm lần trầm khai thác bây giờ”, ông Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ.

Sản phẩm đều đều xuất ngoại, bất chấp suy thoái kinh tế

Thời gian đầu mới khởi nghiệp, sản phẩm trầm hương của ông Nguyễn Hữu Toàn khai thác được từ những diện tích cây dó mua đứng, cấy tạo nên trầm, được anh bán thô cho thương lái ở Khánh Hòa. Năm 2013, do khủng hoảng kinh tế, con trai ông Toàn - anh Nguyễn Hữu Trí đang làm kỹ sư cầu cảng tại Sài Gòn bị mất việc, phải về quê phụ giúp cha mẹ.

Anh Nguyễn Hữu Trí (áo vàng) - con trai ông Toàn đang diễn giải cách chế tác những sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương cho khách hàng Sri Lanka. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Hữu Trí (áo vàng) - con trai ông Toàn đang diễn giải cách chế tác những sản phẩm mỹ nghệ từ trầm hương cho khách hàng Sri Lanka. Ảnh: V.Đ.T.

Từ khi anh Trí về, cơ sở trầm hương của ông Toàn không còn bán thô như trước đây, mà được anh Trí chế biến thành những sản phẩm mỹ nghệ rất bắt mắt. Với kiến thức tiếng Anh dồi dào, anh Trí quảng cáo sản phẩm trầm hương của gia đình lên mạng xã hội. Không ngờ quảng cáo của anh thu hút được nhiều khách hàng trên toàn thế giới, sản phẩm trầm hương của ông Toàn bắt đầu xuất ngoại từ đó. Thế là anh Trí giã từ Sài Gòn, bám trụ tại quê hương để nối nghiệp gia đình.

Theo ông Toàn, hiện nay, sản phẩm được chế tác từ trầm hương của gia đình ông rất phong phú. Về nhang trầm thì có nhang cây, nhang vòng, nhang nụ, nhang không tăm. Sản phẩm trầm có trầm miếng, trầm cục và tinh dầu trầm. Sản phẩm mỹ nghệ có bút trầm, quạt trầm, vòng đeo tay, vòng đeo cổ, cây cảnh trầm…

Bên cạnh thị trường trong nước, hiện sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm của gia đình ông Toàn được xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, Đài Loan.

Một khách hàng Sri Lanka đang chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương được trưng bày tại Công ty Trầm hương Ba Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Một khách hàng Sri Lanka đang chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương được trưng bày tại Công ty Trầm hương Ba Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

“Sản phẩm trầm hương của gia đình tôi bắt đầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài từ năm 2015, càng ngày lượng hàng xuất ngoại càng lớn. Năm nào gia đình tôi cũng có mức doanh thu ít nhất 500 triệu đồng, năm nhiều được 1,5 tỷ đồng.

Hiện mặt hàng trầm miếng nhân tạo loại non tuổi có giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg, hàng cao cấp có giá từ 250 USD đến 2.000 USD/kg. Trầm càng già tuổi có giá càng cao. Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiếp tới bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên mặt hàng trầm hương xuất khẩu có giảm hơn so với trước đây, nhưng khách hàng của gia đình vẫn đều đều nhập hàng dù với số lượng ít hơn”, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai ông Toàn chia sẻ.

Cuối tháng 6 vừa qua, có dịp ghé lại Công ty Trầm hương Ba Toàn nằm trên địa bàn thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định), tình cờ chúng tôi gặp đoàn khách hàng từ Sri Lanka sang thăm cơ sở chế tác trầm hương của gia đình ông Toàn để tìm hiểu thị trường. Anh Nguyễn Hữu Trí đưa đoàn khách Sri Lanka tham quan những sản phẩm trầm miếng, trầm cục và những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương trưng bày tại công ty, sản phẩm nào cũng được đón những cặp mắt kinh ngạc và những lời ngợi khen của nhóm khách Sri Lanka.

Anh Nguyễn Hữu Trí, con trai ông Toàn bên những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Hữu Trí, con trai ông Toàn bên những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương. Ảnh: V.Đ.T.

Theo chia sẻ của ông Toàn, khách hàng nước ngoài của ông hầu hết đều đánh giá trầm hương của Việt Nam có hương thơm đặc biệt hơn so với trầm hương các nước trên thế giới. Do đó, nhiều nước có trồng nhiều diện tích cây dó nhưng vẫn sang mua hạt giống cây dó của ông Toàn để về trồng thử nghiệm.

Băn khoăn lớn nhất của ông Toàn là hiện nay, cây dó đã được tạo trầm mới chỉ được khai thác từ 10 - 20% tiềm năng vốn có, phần còn lại hầu như chỉ dùng làm chất đốt, rất phí. Ví như vỏ cây dó có chất liệu rất dẻo, nếu cây gió không nhờ lớp vỏ dẻo thì sẽ bị bão gió làm đổ ngã sạch. Xa xưa, vỏ cây dó được làm giấy, tài liệu của các triều đại phong kiến còn lưu giữ đến bây giờ đều được ghi trên giấy dó, bền bỉ với thời gian. Vậy mà bây giờ vỏ cây dó không biết dùng vào việc gì.

“Bức xúc nhất của việc chế tác sản phẩm trầm hương của chúng tôi hiện nay là địa điểm đặt cơ sở sản xuất. Trước kia, cơ sở sản xuất được đặt tại thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), sau này do hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, nên chúng tôi phải di dời xuống khu phố Diễn Khánh thuộc phường Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn).

Bây giờ khu phố Diễn Khánh còn thưa dân cư thì còn làm được, sau này nhà cửa mọc dày thì cơ sở sản xuất của tôi lại phải di dời. Vừa rồi UBND huyện Hoài Ân có hứa là sẽ bố trí cho chúng tôi mặt bằng trong một khu công nghiệp để ổn định sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Toàn bộc bạch.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.