| Hotline: 0983.970.780

Cây trồng biến đổi gen nhiều triển vọng phát triển ở Kenya và Bangladesh

Thứ Hai 20/07/2020 , 10:32 (GMT+7)

Cây trồng biến đổi gen (BĐG) đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi và đầy triển vọng tại Kenya và Bangladesh. Đó là những thông tin mới nhất từ CropLife Việt Nam.

Cà tím biến đổi gen được thu hoạch ở Bangladesh. Ảnh: Next Big Future.

Cà tím biến đổi gen được thu hoạch ở Bangladesh. Ảnh: Next Big Future.

Bông biến đổi gen bắt đầu được trồng ở Kenya

Một tấn hạt giống bông Bt (bông biến đổi gen) vừa được Bộ Nông nghiệp Kenya phân phối vào đầu tháng 4/2020, để trồng tại các khu vực trình diễn thí điểm với diện tích 10.000 ha. Đồng thời cơ quan này tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức về các giống bông biến đổi gen cho nông dân Kenya. Bông biến đổi gen chính là cây trồng biến đổi gen đầu tiên được phép canh tác tại nước này.

Ông Darlington Mutetwa, một chuyên gia từ Mahyco Seeds (nhà phân phối hạt giống bông biến đổi gen tại Kenya), chia sẻ "Chúng tôi có 720 khu vực trình diễn tại các hạt Kisumu, Baringo và Kwale để trồng thí điểm và cho phép nông dân trải nghiệm cây trồng biến đổi gen. Với thành công này, chúng tôi hy vọng sẽ tăng diện tích canh tác bông Bt lên 20.000 ha vào năm tới".

Trong khi đó, giống sắn biến đổi gen cũng đang chờ cấp phép từ các cơ quan chức năng để trở thành cây trồng thực phẩm biến đổi gen đầu tiên được sản xuất tại Kenya.

Giống sắn biến đổi gen, được cho là có khả năng kháng bệnh sọc nâu ở cây sắn (CBSD) được phát triển qua dự án Sắn kháng virus cho Châu Phi (VIRCA plus). Dự án này là sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu Kenya, Uganda, Nigeria và Hoa Kỳ.

Giáo sư Douglas Miano, nhà nghiên cứu đứng đầu dự án VIRCA plus tại Kenya, cho biết, sắn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi 2 căn bệnh nguy hiểm là bệnh khảm lá sắn ảnh hưởng tới lá, từ đó làm giảm mạnh năng suất cây trồng và bệnh sọc nâu gây ảnh hưởng tới rễ khiến cho củ sắn không phù hợp để tiêu thụ cho người và vật nuôi.

Cũng theo Giáo sư Douglas Miano, nông dân địa phương bị mất tới 7,5 tỷ Shilling (tương đương với khoảng 70 triệu đô la Mỹ) hay 70% sản lượng sắn mỗi năm chỉ riêng bởi căn bệnh sọc nâu.

Trước tình hình đó, Tổ chức Nghiên cứu Chăn nuôi và Nông nghiệp Kenya (Kalro) đã đề nghị Cơ quan An toàn sinh học Quốc gia Kenya tìm cách mở rộng canh tác thực địa đối với các giống sắn biến đổi gen, từ đó cho phép chọn tạo và nhân giống loại sắn này trước khi nó giúp ích cho người nông dân.

Cà tím biến đổi gen mang hiệu quả cao hơn cho nông dân 

Thông tin từ CropLife Việt Nam, cho hay, năm 2019, Đại học Cornell đã tiến hành khảo sát đối với các nông dân tại Bangladesh đang canh tác cà tím giống biến đổi gen và không biến đổi gen. Khảo sát được thực hiện tại 5 quận sản xuất cà tím quan trọng nhất tại Bangladesh: Rangpur, Bogra, Rajshahi, Jessore and Tangail, với dữ liệu được thu nhận qua phỏng vấn trực tiếp với 195 nông dân trồng cà tím biến đổi gen và 196 nông dân trồng cà tím không biến đổi gen. Đây là những nông dân tự lựa chọn giống cây trồng để canh tác.

Cà tím biến đổi gen được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh (BARI) liên kết với Mahyco (một công ty nông nghiệp có trụ sở tại Ấn Độ), Đại học Cornell và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những tổn thất gây ra bởi sâu đục thân và sâu đục quả cà tím (EFSB) ấu trùng sâu bướm, đồng thời giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Kết quả khảo sát cho thấy năng suất và doanh thu của giống cà tím biến đổi gen cao hơn nhiều so với giống không biến đổi gen. Tính trung bình trên bốn giống cà tím biến đổi gen sản lượng thu hoạch được cao hơn 19,6% và thu nhập tăng thêm khoảng 21,7% so với các giống cà tím thường. Đây là các số liệu được công bố theo nghiên cứu phát hành vào ngày 25/5/2020 trên Tạp chí Lĩnh vực Kỹ thuật sinh học và Công nghệ Sinh học.

Nhờ năng suất, sản lượng cao hơn, doanh thu tăng thêm trên 1 ha tương đương với khoảng 664 đô la, một số tiền đáng kể đối với những người nông dân nghèo tại Bangladesh.

Trong số các nông dân trồng cà tím biến đổi gen được khảo sát, 83% hài lòng với năng suất đạt được và 80% hài lòng với chất lượng cây trồng; 59% nông dân trồng cà tím không biến đổi gen hài lòng với sản lượng của họ. Khoảng 28% nông dân trồng cà tím không biến đổi gen cũng chỉ ra rằng một lượng lớn quả cà bị phá hoại bởi ấu trùng sâu đục thân và sâu đục quả. Đây không phải là một mối lo ngại đối với giống cà tím biến đổi gen, bởi nó cung cấp khả năng kháng bệnh sẵn có trong gen di truyền.

Do sản lượng cao hơn, doanh thu cùng chất lượng cà tím tăng, khoảng 3/4 nông dân trồng cà tím biến đổi gen nói rằng họ có kế hoạch tiếp tục trồng giống biến đổi gen vào mùa vụ tới. Là loại rau quả quan trọng thứ hai được trồng tại Bangladesh, cà tím đang được canh tác bởi khoảng 150.000 nông hộ nhỏ trên diện tích 50.955 ha. Đây cũng là một trong các thành phần thức ăn quan trọng được người dân Bangladesh tiêu dùng hàng ngày.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.