| Hotline: 0983.970.780

CEO TH True Milk: Cần thúc đẩy chính sách khuyến khích 'Net Zero’ tại doanh nghiệp

Thứ Ba 27/06/2023 , 18:00 (GMT+7)

'Để tiếp nối hành trình 'Net Zero', đòn bẩy từ chính sách là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn cho mọi hành động'.

Đó là phát biểu của ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH tại tại hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội người dẫn đầu” diễn ra sáng 27/6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo về Net Zero.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo về Net Zero.

Chính phủ nỗ lực thúc đẩy “Net Zero”

Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư vào tăng trưởng xanh. Trong đó, dễ thấy nhất là hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường, thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách.

Một là, các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường…

Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu. Có thể kể tới những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… cho doanh nghiệp có dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Về chi ngân sách Nhà nước, bình quân 5 năm trở lại đây, ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh nguồn lực công, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô-la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế.

“Phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn TH đã liên tiếp đưa ra những sáng kiến để cắt giảm khí thải.

Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn TH đã liên tiếp đưa ra những sáng kiến để cắt giảm khí thải.

Doanh nghiệp tiên phong với cam kết “Net Zero”

Đánh giá cao những nỗ lực từ chính phủ, ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH tin rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 như kế hoạch đề ra.

“Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã đặt ra những kế hoạch hành động rất quyết liệt, nhanh chóng triển khai nhiều nội dung về mặt chính sách để các doanh nghiệp có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.

Việc những quyết định về kế hoạch hành động nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn sắp sửa được ban hành, thực sự khiến doanh nghiệp cam kết phát triển hài hòa với tự nhiên, trân quý Mẹ Thiên nhiên như TH càng ngày càng tin tưởng để hiện thực hóa tôn chỉ của mình”, ông Mandal chia sẻ.

Vị CEO của Công ty Cổ phần Sữa TH cũng nhấn mạnh, TH luôn đồng hành cùng các cam kết của Chính phủ về biến đổi khí hậu và Net Zero tại COP26. Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn TH đã liên tiếp đưa ra những sáng kiến để cắt giảm khí thải.

Kể từ năm 2018, Tập đoàn đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm ở phạm vi phát thải khí nhà kính trực tiếp. Đồng thời, tổng phạm vi phát thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp trên một đơn vị sản phẩm tại nhà máy, trang trại TH giảm trung bình 15%/năm.

Điện mặt trời trên mái trang trại bò sữa TH.

Điện mặt trời trên mái trang trại bò sữa TH.

Kết quả, với rất nhiều giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt, năm 2022, hệ thống trang trại của TH đã giảm trung bình hơn 20% khí thải/đơn vị sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, tại Công ty Cổ phần Sữa TH (THM) trong 2 năm liên tiếp 2019 - 2020 đã đạt bình quân phát thải 0,168kg CO2/lít sữa (Phạm vi 1&2). Năm 2022 giảm mạnh xuống còn 0,103kg CO2/đơn vị sản phẩm, mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngoài ra, trong năm 2022 Tập đoàn TH đã giảm xăng dầu tiêu thụ tại nhà máy nhờ chuyển đổi từ dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) sang nhiên liệu sinh khối (đốt gỗ dăm phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến gỗ). Bằng việc thay đổi này, toàn bộ hệ thống nhà máy của Tập đoàn giảm được hơn 85% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 2021.

Toàn bộ đèn chiếu sáng trong trang trại, nhà máy của TH đều đã được chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang đèn led giúp tiết kiệm được 5 triệu Kwh điện, tương đương giảm xấp xỉ 4.000 tấn CO2.

Trong bối cảnh ngành điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm nguồn cung ứng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà như TH đang thực hiện, được xem là giải pháp quan trọng góp phần đa dạng hóa nguồn cung điện, cắt giảm khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tập đoàn TH chung tay 'vá rừng' tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tháng 5/2023.

Tập đoàn TH chung tay “vá rừng” tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tháng 5/2023.

Hiện tại, đã có 6 trang trại của TH triển khai sử dụng năng lượng mặt trời với lượng điện năng tương đương 1/8 nhu cầu (vào mùa hè khả năng cung cấp sẽ chiếm 1/5 nhu cầu tổng thể). Hệ thống điện mặt trời mái nhà sau khi đi vào hoạt động giúp Tập đoàn tiết kiệm 29.000 kWh/tháng, góp phần giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường.

Riêng năm 2022, trang trại TH đã hòa lưới điện xấp xỉ 7 triệu Kwh (đáp ứng gần 10% lượng điện tiêu dùng tại đơn vị trang trại), tương đương giảm/thu hồi hơn 4.500 tấn CO2/năm.

Khi cắt giảm và chuyển đổi được thực hành đến mức tối đa thì "hấp thụ" là bước quan trọng để hướng tới mục tiêu cân bằng lượng carbon. Diện tích các mảng xanh xung quanh trang trại và nhà máy của TH luôn được phủ dày qua mỗi năm. TH cam kết đến năm 2025 trồng và chăm sóc tốt 10.000 cây xanh/năm.

Mô hình nổi bật đóng góp mạnh mẽ vào quá trình hướng tới “Net Zero” ở TH có thể kể đến “hàng rào sinh học” dài 2,8 km tại trang trại Dalatmilk ở Lâm Đồng liên tục được duy trì chăm sóc và phát triển.

“Về bản chất, tôn chỉ "trân quý Mẹ Thiên nhiên" ngay từ ngày đầu thành lập này của TH thực tế rất phù hợp, đúng hướng với hành trình tiến tới “Net Zero” ngay từ đầu. Chúng tôi có định hướng giảm phát thải toàn diện cho tất cả các khâu trong quy trình sản xuất khép kín, từ sản xuất tới tiêu dùng, từ đồng cỏ tới bàn ăn.

Vì vậy, trong bối cảnh mà "chuyển đổi xanh" đã trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay thì đó là việc mà TH đã thực thi từ rất lâu. Nếu hỏi tôi đâu là cơ hội của người dẫn đầu, thực ra TH không chỉ là người tiên phong, mà TH chính là người "đón đầu" xu hướng phát triển xanh, bền vững này”, ông Arghya Mandal cho biết.

Một trang trại bò sữa của TH True Milk tại Nghệ An.

Một trang trại bò sữa của TH True Milk tại Nghệ An.

Kỳ vọng vào đòn bẩy chính sách

Để các doanh nghiệp tiếp nối trên hành trình “Net Zero”, đòn bẩy từ chính sách là yếu tố rất quan trọng, vừa là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có căn cứ và các tiêu chuẩn cho mọi hành động cụ thể. Đồng thời, đây cũng chính là tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang có những hành động cụ thể và quyết liệt tham gia nhiều hơn vào cuộc đua hướng tới “Net Zero”.

Để thúc đẩy các chính sách khuyến khích “Net Zero" tại doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH đưa ra 3 điểm chính. Đầu tiên, đó là đảm bảo minh bạch thông tin, chia sẻ thông tin. Các doanh nghiệp muốn đồng hành với Chính phủ trên hành trình “Net Zero” sẽ cần một hành lang thông tin minh bạch, chính sách, cũng như cần được chia sẻ kinh nghiệm từ những doanh nghiệp tiên phong.

Thứ hai, đó là một lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn cắt giảm khí thải. Tập đoàn TH mong muốn chính phủ sẽ sớm ban hành chiến lược tổng thể và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.

Các chính sách liên quan đến “Net Zero” nên bao gồm cả việc nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi giữa các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến “Net Zero”. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể được ưu đãi miễn giảm thuế khi tham gia hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trồng rừng…

“Những nỗ lực của Chính phủ khiến chúng tôi lại càng có thêm động lực để tham gia một cách tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đầu tư bài bản và lâu dài hơn nữa cho quá trình chuyển đổi xanh. Và từ câu chuyện có thật của mình trên hành trình tiến đến “Net Zero”, Tập đoàn TH kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cũng như động lực để cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam kiên định “cam kết đi đôi với hành động” trong bảo vệ môi trường”, ông Arghya Mandal chia sẻ. 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.