| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, đặc sản

Thứ Bảy 27/05/2023 , 19:54 (GMT+7)

Ngày 27/5, tỉnh Nghệ An tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền.

Đây là dịp tốt để các bên có cái nhìn tổng quan, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án nhằm phát huy giá trị của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư, lại sở hữu tài nguyên rừng, biển phong phú, Nghệ An hội tụ các yếu tố cần thiết để đẩy mạnh quá trình sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng, qua đó cung cấp nguồn hàng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đại biểu đánh giá cao các mặt hàng nông sản đặc trưng của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đại biểu đánh giá cao các mặt hàng nông sản đặc trưng của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tính đến nay, toàn ngành chế biến nông, lâm, thủy sản của Nghệ An ghi nhận gần 15.000 cơ sở hoạt động, trực tiếp giải quyết nhu cầu việc làm thường xuyên cho 30.000 - 50.000 lao động.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến đường đang hoạt động với tổng công suất 14.000 tấn mía/ngày, sản lượng đường năm 2022 đạt 140 ngàn tấn. Toàn tỉnh cũng có 35 nhà máy, cơ sở chế biến chè với sản lượng chế biến các loại đạt 12.560 tấn.

Chế biến quả cũng là lĩnh vực được Nghệ An tập trung khai phá thời gian gần đây, dù khá mới mẻ nhưng tình hình chung tương đối khả quan. Hiện nhà máy chế biến nước dứa cô đặc của Công ty Cổ phần Thực phẩm Nafoods với công suất 200 tấn dứa quả/ngày (tương đương 35.000 tấn dứa quả/năm), chế biến được 8.750 tấn nước dứa cô đặc/năm. Đáng nói, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Ngoài ra còn có Nhà máy Núi Tiên của Tập đoàn TH chuyên sản xuất dòng sản phẩm nước tinh khiết, nước quả, nước thảo dược. Nhà máy đảm bảo công suất 360.000 chai/giờ, tương lai gần sẽ hướng tới thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao quy hoạch vùng trồng, xây dựng nhà máy chế biến nước quả có công suất 40.000 - 60.000 tấn quả tươi/năm, hiện Sở NN-PTNT đang phát triển vùng nguyên liệu.

Để nâng tầm sản phẩm nông sản, đẩy nhanh quá trình kết nối, tiêu thụ đòi hỏi Nghệ An phải sớm tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại. Ảnh: Quốc Toản.

Để nâng tầm sản phẩm nông sản, đẩy nhanh quá trình kết nối, tiêu thụ đòi hỏi Nghệ An phải sớm tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại. Ảnh: Quốc Toản.

Về lĩnh vực lâm sản, tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp có quy mô đã nhập cuộc và sẵn sàng đầu tư lớn. Trong công tác chế biến gỗ phải kể đến Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng 5 với công suất 130.000m3 ván MDF/năm, 6.000m3 ván ghép thanh/năm; Công ty Cổ phần Ván nhân tạo Tân Việt Trung công suất 60.000 m3/năm; Công ty Cổ phần Chế biến và Kinh doanh lâm sản Phihico chế biến ván ghép thanh công suất 3.000 m3/năm. Hay như Công ty Cổ phần gỗ Hoàng Thông Nghệ An được biết đến là đơn vị liên doanh giữa tỉnh Bình Dương với doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An, đơn vị này đầu tư nhà máy chế biến ván ghép thanh dây chuyền tự động, công suất 20.000m3 ván ghép/năm...

Ở khía cạnh sản xuất viên nén tổng hợp, điểm sáng có Công ty Biomass Fuel, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương có công suất 160.000 tấn sản phẩm/năm, Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thành Phát...

Nhằm phát triển thị trường, giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu biểu, hàng năm, Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tỉnh và các sở, ngành liên quan cũng tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm do Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các địa phương khác tổ chức…

Nghệ An phải chú trọng nâng tầm cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao. Ảnh: Quốc Toản.

Nghệ An phải chú trọng nâng tầm cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao. Ảnh: Quốc Toản.

Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Nghệ An trong năm 2022 đạt trên 538 triệu USD, chiếm trên 20% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, kế hoạch nâng tầm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Nghệ An vẫn tồn tại không ít rào cản, vướng mắc. Điều này xuất phát từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quá trình tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung chuyên canh gặp nhiều khó khăn, chưa tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn để cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế thị trường.

Nhiều doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Nghệ An cơ bản hạn chế về năng lực sản xuất, thể hiện qua chỉ tiêu về vốn, công nghệ, thiết bị lẫn kinh nghiệm quản lý, kinh doanh.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền là dịp tốt để các doanh nghiệp, địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của Nghệ An và các tỉnh tới các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, tiêu thụ nông sản khắp cả nước. Từ đó hình thành, xây dựng chuỗi liên kết bền chặt giữa các bên, đảm bảo theo nhu cầu vận động, phát triển không ngừng của xã hội.

Dịp này cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở NN-PTNT Nghệ An và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ tổng hợp WinCommerce về hợp tác, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và nâng cao hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm nông sản của Nghệ An tiêu thụ trên hệ thống bản lẻ của WinCommerce.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.