| Hotline: 0983.970.780

"Cha đẻ" của giống gà có một không hai

Thứ Năm 29/01/2015 , 09:41 (GMT+7)

Gần đây, nhắc đến những nông sản nổi tiếng của vùng đất Tiền Giang, người tiêu dùng thường tấm tắc khen giống gà ta Gò Công, đặc sản của miền quê biển thị xã Gò Công.

Đây là giống gà lai có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống gà khác đặc biệt là thịt thơm ngon, được thị trường phía Nam hết sức ưa chuộng.

"Cha đẻ" của giống gà có một không hai này là kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt, người nhiều năm gắn bó với sự nghiệp phát triển chăn nuôi gia cầm, luôn mong muốn giúp nhân dân vùng đất Gò Công quanh năm đối mặt với nhiều thách thức vượt khó, thoát nghèo và làm giàu nhờ nuôi gà ta.

KS Nguyễn Quốc Kiệt sinh năm 1952 tại thị xã Gò Công, vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương bà Từ Dũ Thái Hậu và cũng là nơi anh hùng dân tộc Trương Định dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp trong những ngày đầu tiên đem quân xâm lược nước ta giữa thế kỷ XIX.

Năm 1977, Nguyễn Quốc Kiệt tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp IV, TP.HCM chuyên ngành Kỹ sư chăn nuôi thú y. Những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, là trí thức có nhiều tâm huyết đem kiến thức khoa học về phụng sự quê hương, ông Kiệt đã nhiều đêm trăn trở, suy tư trước thực tế nghề chăn nuôi gia cầm địa phương gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chất lượng đàn gia cầm không đồng đều, kiến thức chăn nuôi của người dân còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chăn nuôi không cao. Thậm chí nhiều hộ chăn nuôi trắng tay, tán gia bại sản sau những trận dịch cúm gia cầm hoành hành trên địa bàn...

Để khắc phục tình trạng trên, KS Nguyễn Quốc Kiệt hướng đến việc tổ chức lại chăn nuôi gia cầm một cách bài bản thông qua hình thức hợp tác làm ăn theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đó là lý do vào năm 2007, khi thời cơ đã chín muồi ông đứng ra thành lập HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công.

HTX hình thành và đi vào hoạt động cũng là lúc KS Nguyễn Quốc Kiệt thực hiện bước tiếp theo về ấp ủ lâu nay của mình. Đó là lai tạo giống gà mới chất lượng thịt ngon, có sức chống chịu bệnh tật tốt, phù hợp với điều kiện đặc thù vùng đất nhiễm mặn Gò Công.

Thời đó, tại thị xã Gò Công có hai giống gà được nông dân nuôi phổ biến: Gà ta lông vàng và gà chọi (còn gọi là gà nòi). Với kiến thức về chăn nuôi - thú y được đào tạo bài bản từ trường đại học, thông qua phương pháp gieo tinh nhân tạo, ông tiến hành lai giữa hai giống gà ta lông vàng và gà chọi để cho ra một giống gà lai mới.

Giống gà lai mới này lại được KS Nguyễn Quốc Kiệt tiếp tục cho lai giống với giống gà ngoại Rode Island Red để tạo ra dòng gà mới hơn mang ưu điểm về mọi mặt mà ông đặt tên là gà ta Gò Công.

Nói đơn giản nhưng KS Nguyễn Quốc Kiệt phải mất hai năm trời ròng rã (2007 - 2008) với bao nhiêu lao tâm khổ tứ để tuyển chọn những cá thể tốt, có ưu điểm vượt trội tiếp tục nhân giống để cho ra đời được giống gà ta Gò Công mà thị trường nhanh chóng chấp nhận nhờ chất lượng vượt trội của nó.

Giống gà này nuôi theo quy trình thả vườn an toàn sinh học đạt trọng lượng bình quân 1,5 kg/con trở lên sau 100 ngày tuổi và cho phẩm chất thịt ngon.

Giải pháp “Gà ta Gò Công” do KS Nguyễn Quốc Kiệt làm chủ đề tài nghiên cứu đã vinh dự đoạt giải C tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007 - 2008). Đồng thời, ngày 31/3/2011, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền giống gà ta Gò Công với thời hạn 10 năm.

Có được con giống tốt, được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền đã mang lại niềm vui lớn cho KS Nguyễn Quốc Kiệt. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, niềm vui của ông như được nhân đôi khi nhìn thấy giống gà ta Gò Công do mình trực tiếp lai tạo được 100% hộ xã viên trong HTX chăn nuôi thành công, hiệu quả kinh tế lớn, thiết thực góp phần giúp xã viên vượt khó, thoát nghèo và làm giàu.


KS. Nguyễn Quốc Kiệt phát biểu tại hội thảo “Liên kết SX và thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm” do Cục Chăn nuôi tổ chức tại Tiền Giang ngày 14/11/2014

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công cung cấp cho thị trường chăn nuôi gia cầm, chủ yếu đáp ứng nhu cầu nuôi cho xã viên khoảng 100.000 con gà ta Gò Công giống. Theo bà con xã viên, nông hộ nuôi qui mô 1.000 con gà ta Gò Công sau 4 tháng thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Một năm có thể nuôi được 2,5 lứa (tương đương quay 2,5 vòng) bà con lãi ròng 50 triệu đồng.

Điển hình vượt khó thoát nghèo nhờ nuôi gà ta Gò Công thương phẩm có anh Trần Văn Thái, cư ngụ tại xã Bình Xuân, thị xã Gò Công. Anh Thái cho biết, giai đoạn 2003 - 2004, khi đại dịch cúm gia cầm hoành hành, bản thân anh bị thiệt hại 4.200 con gia cầm và mắc nợ đến 84 triệu đồng, chẳng những trắng tay mà còn bị nợ nần vây bủa không lối thoát. Món nợ ấy kéo dài phải trả dần qua nhiều năm vẫn chưa khắc phục được. Đến năm 2010, cơ may đưa đến khi anh gặp KS Nguyễn Quốc Kiệt.

Ông Kiệt hướng dẫn tận tình quy trình nuôi và cung cấp con giống gà ta Gò Công. Trong năm 2010, anh Thái nuôi 2 lứa theo quy trình được hướng dẫn lãi gần 30 triệu đồng, đủ trả dứt nợ vay còn thiếu từ đại dịch cúm gia cầm hơn 5 năm trước. Thừa thắng xông lên, mỗi năm anh đều nuôi khoảng 2,5 lứa gà ta Gò Công, qui mô nuôi khoảng 1.000 con/lứa, thu lãi từ 45 triệu đến 50 triệu đồng/năm.

Cuộc sống do vậy ngày một ổn định, có tích lũy và ăn nên làm ra. Gia đình anh hết sức phấn khởi. Anh bày tỏ niềm vui: "Tôi có được cơ ngơi ngày hôm nay cũng nhờ giống gà ta Gò Công của KS Nguyễn Quốc Kiệt".

KS Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, lai tạo được giống gà ta Gò Công mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân miền đất nhiễm mặn ven biển Gò Công có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình là niềm tự hào của người trí thức trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Hiện nay, để tiếp tục phát huy hơn nữa lợi thế cạnh tranh của giống gà ta Gò Công trên thị trường, ông Kiệt cùng HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công tiếp tục triển khai Đề tài nghiên cứu “Chăn nuôi gà ta Gò Công an toàn sinh học theo chuỗi giá trị”, trong đó nòng cốt là liên kết 4 nhà để giải quyết hợp lý đầu vào, đầu ra sản phẩm, vừa khẳng định lợi ích thiết thực của con đường làm ăn tập thể giai đoạn mới vừa giúp xã viên phát triển nghề chăn nuôi gà ta Gò Công đạt ngưỡng hiệu quả kinh tế bền vững.

Đề tài này KS Nguyễn Quốc Kiệt sẽ hoàn thiện để đưa ra tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2015.

Ông tâm nguyện, sẽ đóng góp công sức của mình để phát triển SX hàng hóa chất lượng cao, góp phần giúp địa phương có thêm cơ sở thực tiễn để tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung một cách phù hợp, đúng định hướng, tạo động lực để nông nghiệp, nông thôn ngày một đổi mới, thịnh vượng hẳn lên trên cơ sở phát huy các tiềm lực về đất đai, lao động của mình.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm