Lấp lánh giá trị nhân văn
Những người tham dự lễ trao giải cuộc thi “Cha và con gái” đều bày tỏ sự xúc động. Ai cũng rưng rưng nước mắt sau từng câu chuyện được nhắc đến trong mỗi tác phẩm.
Có những người cha ngoài đời xù xì, gai góc, chưa từng nói tiếng yêu con nhưng đi vào trang viết thì ấm áp, bao dung lạ thường.
Có những người con gái hằng ngày bướng bỉnh, vô tâm nhưng khi đặt bút viết về cha thì tình yêu chảy tràn trên từng nét chữ.
Có những người cha oằn mình đạp xích lô chở giấc mơ con nhưng cũng có những người cha đã bỏ con gái nhỏ bé của mình để chạy theo những ảo vọng. Có những người con ngoan ngoãn, hiếu thảo nhưng cũng có những người con vấp ngã, sai lầm. Tất cả đều được viết, được kể bằng một thái độ bao dung, tha thứ, lấp lánh những giá trị nhân văn.
Đúng là điều kỳ diệu đến từ một cuộc thi kỳ diệu!
Tôi hỏi, ông Hồ Minh Chiến, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải về ý tưởng cuộc thi này, ông cho hay, tháng 3/2023, trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với nhà văn Nguyễn Một, nhà văn đã nêu ý tưởng về việc tổ chức một cuộc thi viết chủ đề: “Cha và con gái” trên Tạp chí Gia đình Việt Nam.
“Ban đầu, chúng tôi có chút băn khoăn: tại sao lại là Cha và con gái mà không phải là Mẹ và con gái, Cha và con trai hay Mẹ chồng và con dâu? Bởi tất cả những mối quan hệ ấy trong gia đình Việt đều quan trọng, thiêng liêng. Nhưng rồi, bằng quan sát và trải nghiệm, sau khi bàn bạc, nghiên cứu, Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tiếp thu ý tưởng của nhà văn Nguyễn Một, quyết định xây dựng quy chế, thể lệ và tổ chức phát động cuộc thi viết này”, ông Chiến chia sẻ.
Người Việt Nam ảnh hưởng bởi văn hóa Nho giáo, một số người thường có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Nhiều ông bố xem việc không có con trai nối dõi tông đường là một sự thiếu khuyết, thậm chí một nỗi bất hạnh trong cuộc đời. Con gái vì thế, có những lúc phải chịu nhiều thiệt thòi ngay trong chính gia đình mình. Đó là những quan niệm lạc hậu, sai lầm, đi ngược với xu hướng xây dựng gia đình hạnh phúc dựa trên sự bình đẳng giữa các thành viên.
Việc chọn chủ đề “Cha và con gái” có lẽ BTC muốn những “hao khuyết” ấy được “tròn đầy” thông qua những trang viết. Thật là một điều đáng trân trọng!
Hai tháng phát động cuộc thi, hơn 800 bài viết gửi đến là chừng ấy câu chuyện xúc động, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Mỗi bài viết như có một ngọn lửa ấm đang nhen lên trong mỗi gia đình, sưởi ấm những số phận, những cuộc đời; hàn gắn những vết thương, tha thứ những lỗi lầm và lan tỏa những nụ cười hạnh phúc.
Cuối giờ chiều ngày 19/6, ngày cuối nhận bài dự thi viết "Cha và con gái", khi cả tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam đang bận rộn với những bài thi cuối thì bất ngờ được đón một vị khách đặc biệt.
Bà Trần Thị Thiển, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vừa xuống chuyến xe bus chiều, còn mặc nguyên cả áo chống nắng đã kịp có mặt tại tòa soạn Gia đình Việt Nam nộp bài dự thi cho cháu nội Ngô Ngọc Bảo.
Theo nhà báo Phan An, Tổng Thư ký tòa soạn, Phó trưởng BTC cuộc thi thì cháu Bảo năm nay học lớp 4 là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái. Tuy còn nhỏ nhưng cháu là người sâu sắc nhất trong việc sẻ chia với bố từng không ít lần phiền lòng về chuyện không có đối thủ trong giải thưởng đẹp trai nhất nhà.
Vì thế khi biết được cuộc thi viết "Cha và con gái" vào những ngày cuối của cuộc thi cháu đã cặm cụi, mày mò kể lại câu chuyện của mình vào nhiều trang giấy kẻ ô ly và nhờ bà nội mang đến tận tòa soạn để nộp bài.
Kể lại câu chuyện của cháu Bảo, bà Thiển đã không ít lần rơi nước mắt.
Câu chuyện của cháu Bảo đã khiến các thành viên trong Ban tổ chức xúc động. Và trong buổi lễ trao giải hôm nay, cháu được vinh danh là tác giả nhỏ tuổi nhất. Nhận phần thưởng và hoa của BTC cùng cháu Bảo tại buổi lễ còn có bà và mẹ cùng chị gái. Bảo chia sẻ, bà và mẹ con cháu luôn trân trọng và dành tình cảm lớn lao cho bố. Bố cũng vậy, luôn yêu thương bà và bốn mẹ con cháu.
Bố có lỗi lầm gì tôi cũng chọn tha thứ
Lương Diễn là đồng nghiệp của chúng tôi tại một cơ quan báo chí thường trú ở Thanh Hóa. Diễn xinh xắn và mạnh mẽ, sống hòa đồng nhưng phải khi đọc được bài viết của bạn ấy trong cuộc thi này, chúng tôi mới thực sự thấu cảm tình thân mà Diễn dành cho bố. Nói như nhà báo Quang Duy, bạn ấy viết mà như không viết gì, chữ cứ thế tràn lên bàn phím. Đôi lúc nét chữ nhoè đi vì nước mắt. Nhưng cuối cùng là sự tha thứ. Câu chuyện thật nhân văn về tình cha con.
Bài dự thi của Diễn có tựa “Bố có lỗi lầm gì tôi cũng chọn tha thứ”. Diễn viết, nhiều người hỏi rằng, tôi có hận bố, có ghét bố không, vì ông không đoái hoài đến tôi suốt chừng ấy năm. Nhưng dù bố có lỗi lầm gì, tôi cũng chọn tha thứ cho ông. Quá khứ đã qua rồi, giờ là lúc chúng tôi hàn gắn vết thương để hướng về phía trước.
Năm Diễn 2 tuổi, gia đình gặp biến cố. Mẹ đau ốm triền miên. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, bố bôn ba đi làm ăn, theo bạn bè vào Nam, rồi gia đình bặt tin ông từ đó.
Suốt nhiều năm, người bác của Diễn dò la tin tức khắp nơi. Có người nói bố Diễn đã chết, cũng có người nói còn sống nhưng không biết địa chỉ. Cứ thế ông bặt vô âm tín suốt hơn 20 năm. Trong hồ sơ của Diễn những năm đi học, mục về bố luôn để trống...
Năm lớp 11, có một ngày khi đang ở ký túc xá của trường, các anh đến thăm, cùng với đó là một người đàn ông lạ mặt.
“Bố em đấy, ra chào bố đi”, anh tôi nói - Diễn nhớ lại. Tôi bất ngờ và hoang mang, trong lòng chỉ muốn chạy đi, tôi chẳng nói được lời chào. Có lẽ bố cũng khó xử khi đứng trước cô con gái đã xa cách hơn 20 năm.
“Chào con!”, nói rồi ông tiến lại gần cầm tay tôi, tôi chưa biết làm sao để đón nhận ông. Cuộc gặp chóng vánh, sau buổi trưa ấy ông lại ra đi. Dù vậy, từ đó tôi biết là mình vẫn còn có bố”, Diễn tự sự.
Người phương Tây nói, cha là mối tình đầu của con gái. Người phương Đông thâm sâu hơn, họ nói con gái chính là người yêu kiếp trước của cha.
Anh Nguyễn Tuấn trên trang cá nhân viết về cuộc thi này có chia sẻ rằng, thật ra tình cảm giữa Cha và con gái nó là thứ thiêng liêng hơn rất nhiều lần như thế. Người yêu có thể rời xa ta, từng người tình cũng sẽ bỏ ta mà đi trong một buổi sáng đẹp trời nào đó…Nhưng người Cha sẽ đi suốt cuộc đời của con gái vô điều kiện.
Miệt mài và yêu thương! Tất cả những người con gái trên cõi đời này đều trở thành những nàng công chúa bé nhỏ, họ không cần lớn lên, vì họ đã có những người cha vĩ đại phía sau mình. Và chỉ với cha, họ mới trở thành “công chúa” vĩnh viễn!
Cha là bầu trời, con là tất cả
Tôi theo dõi cuộc thi này ngay từ đầu và buổi lễ tổng kết, trao giải đúng vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tôi cũng đến sớm hơn nhiều người. Chứng kiến phần trao giải, nghe câu chuyện về một người Cha có con gái bị tự kỷ viết tôi và nhiều người xúc động, ai cũng rưng rưng nước mắt. Hành trình chữa bệnh cùng con, anh không gọi đó là hy sinh mà là tình yêu.
Nhận giải Nhì cuộc thi, anh về chỗ ngồi, tôi lân la lại cạnh anh. Cái bắt tay thật chặt giữa hai người đàn ông lần đầu gặp nhau ấy ngay lập tức nhận về nhau sự thấu cảm. Chúng tôi không nói chuyện chúc mừng, về giải thưởng hay sự chia sẻ nào lúc này. Chúng tôi làm quen và riêng tôi dành cho anh sự trân trọng về đức hy sinh cao cả ấy. Tôi vẫn hay nghĩ, tình người là thứ thiêng liêng. Với anh và con gái còn bao la hơn thế.
Anh kể, trước 30 tuổi, tôi là cậu trai vô lo vô nghĩ, học Đại học Hàng hải ra làm sĩ quan máy trên tàu Hàn Quốc chu du năm châu bốn biển, cưới mối tình đầu yêu 12 năm. Mọi thứ nhìn chung an ổn, như ý. Cho đến khi cô ấy xuất hiện...
Cô ấy có đôi mắt to đen láy, hàng mi rợp bóng, đôi môi dày đỏ mọng đầy dỗi hờn. Ai nhìn cô ấy lần đầu tiên cũng bảo, cô ấy giống cha, sau này giàu ba họ. Tôi nghe sướng lắm, vì cô ấy chính là công chúa của tôi. “Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Tôi đặt cho cô ấy cái tên thân mật là Kiến.
Tôi chiều chuộng cô ấy lắm, đến mức vợ tôi than thở: Tình yêu không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ mẹ sang con gái. Nhưng Kiến không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Cô ấy khá ngoan, thích chơi một mình, lớn nhanh, ít bệnh có điều mãi vẫn chưa biết nói. Hai vợ chồng sốt ruột đưa con ra viện Nhi khám. Bác sĩ bảo: Em bé bị tự kỷ!
Gần chục năm qua, thay vì những tháng ngày lênh đênh trên biển, sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, thời gian còn lại chúi mặt trong buồng máy, tay toàn dầu mỡ, tai bịt bông tránh tiếng ồn, rảnh lên khoang câu mực, câu cá mập con, ngắm cá heo nhảy múa, giờ tôi miệt mài trên con xe Air blade cũ, đón đưa con đi học, đi tiêm phòng, đi viện.
Ở những nơi Kiến học, tôi chủ yếu gặp những người mẹ mệt mỏi, gương mặt nặng trĩu suy tư. Có người kể: "Mẹ chồng em không cho phép em nói với hàng xóm vì sợ hàng xóm chê cười". Có người nước mắt ngắn dài bảo, chồng bắt ly hôn, đi lấy vợ khác vì bảo mẹ con họ là cục nợ. Họ còn hỏi tôi, có phải nhà tôi cũng thế không, vì luôn chỉ có hai bố con tha nhau đi, chưa bao giờ thấy mẹ.
Vợ tôi chẳng sung sướng hơn gì. Vợ tôi vốn là con út, từ nhỏ quen được chiều chuộng, có chút vụng về, chỉ biết thơ văn, chưa từng nhọc lòng vì tiền, giờ đầu tắt mặt tối lo gánh nặng kinh tế. Ban ngày tất tả, buổi tối về chưa chắc chúng tôi đã được giấc ngủ ngon, vì Kiến rối loạn giấc ngủ, 365 đêm có khi hơn 200 đêm thức hò hét tới gần sáng. Tôi bỗng mắc chứng rụng tóc từng mảng lớn, phải cạo trọc đầu. Đi khám bác sĩ bảo do stress.
Trước lúc chào ra về, tôi chia sẻ với anh Hồ Minh Chiến rằng, em theo dõi cuộc thi này ngay từ đầu. Đồng nghiệp Quang Duy đưa lên trang cá nhân, từ đó em đọc khá nhiều bài viết trên Chuyên mục Cha và con gái của Tạp chí Gia đình Việt Nam. Cuộc thi thực sự xúc động khi mỗi người đã viết và nói những điều bấy lâu nay ấp ủ trong lòng.
“Nói ra những tình cảm canh cánh trong lòng cũng là một sự dũng cảm, một nhu cầu để giải tỏa những ẩn ức, để đứng lên, bước tiếp và yêu thương. Một số tác giả dự thi nói rằng, họ không vì mục tiêu đoạt giải. Với họ, điều quan trọng nhất là những trang viết đầy ắp tình cảm ấy được lan tỏa, chia sẻ đến cộng đồng, để yêu thương, nhân ái, vị tha trở thành những sứ giả của hạnh phúc”, anh Chiến nói và gửi lời cảm ơn tất cả các tác giả, bạn đọc và chúc cho mọi người luôn yêu thương nhau, sẻ chia và hạnh phúc.
“Một đề tài mà ngay lập tức nó có thể làm lung linh những ý tưởng, những câu chuyện từ đời thường của chính người viết. Liệu ý tưởng của cuộc thi này có phải là một phiên bản đã từng có ở đâu đó trên thế giới. Nhưng để tổ chức một cuộc thi viết với chủ đề nhân văn, sâu sắc mà lại linh hoạt với nhiều biến thể như thế thì rõ ràng Tạp chí Gia đình Việt Nam đã thành công một nửa ngay từ lúc bắt đầu”, bạn đọc Hồ Huy nhận xét về cuộc thi.