| Hotline: 0983.970.780

Chậm rà soát cơ sở không được phép chăn nuôi

Thứ Năm 13/06/2024 , 21:29 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Hiện, các địa phương vẫn chưa thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch của tỉnh Bình Thuận về quy định vùng nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi…

Hiện nay Bình Thuận có 212 cơ sơ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Ảnh: KS.

Hiện nay Bình Thuận có 212 cơ sơ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Ảnh: KS.

Chăn nuôi vẫn còn gây ô nhiễm môi trường

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có trên 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Trong đó 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn và gần 30.000 hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ (chăn nuôi nông hộ).

Bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, những năm gần đây chăn nuôi trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Chăn nuôi đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Bởi hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là nông dân và chủ yếu là tận dụng đất tại nơi ở để chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập.

Vì vậy, trong quá trình chăn nuôi chất thải trực tiếp ra môi trường còn chiếm tỷ lệ rất cao dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là các hộ dân xung quanh.

Còn đối với các dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Trong quá trình hoạt động, đa số các dư án trang trại thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cũng như thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và giảm thiểu mùi hôi...

Các án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi. Ảnh: KS.

Các án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo đúng quy hoạch chăn nuôi. Ảnh: KS.

Trong thời gian qua cũng có một số trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh xử lý mùi hôi từ nước thải chăn nuôi chưa hiệu quả nên gây mùi hôi ảnh hưởng đến cộng đồng cư dân xung quanh. Vì thế cử tri đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Điển hình như các Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Làng Việt Nam trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, người dân tại thôn 1, xã Hồng Sơn có phản ánh việc phát sinh mùi hôi khó chịu từ trang trại chăn nuôi này từ đầu tháng 5/2023 đến nay, nhất là lúc trời âm u, không có gió, với tần suất 1 lần/ngày. Còn vào buổi chiều tối từ 18 -20 giờ, mùi hôi phát sinh kéo dài khoảng 60 phút, diễn ra liên tục từ 3 đến 5 ngày.

Nhận được thông tin, UBND huyện đã liên hệ với Công ty TNHH Làng Việt Nam kiểm tra, yêu cầu có biện pháp xử lý, đến nay mùi hôi có giảm song chưa được triệt để.

Đối với Trang trại chăn nuôi heo giống và hậu bị Làng Việt 1 tại xã Hàm Đức của Công ty TNHH Làng Việt Nam thì đầu tháng 5/2024, một số người dân tại thôn 2, thôn 3 có phản ánh về mùi hôi phát sinh vào buổi tối làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước tình hình trên, mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án chăn nuôi heo của Công ty TNHH Làng Việt Nam.

Theo đó, ông yêu cầu công ty xử lý dứt điểm mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi heo trước ngày 31/01/2025 và phải có cam kết gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát. Nếu công ty không xử lý dứt điểm mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi, UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương rà soát cơ sở chăn nuôi

Đối với gây nuôi chim yến tại Bình Thuận, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này có xu hướng gia tăng. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến đa số phát triển một cách tự phát. Nhiều nhà yến xây dựng xen kẻ trong khu dân cư, đã làm phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.

Gây nuôi chim yến tại Bình Thuận có xu hướng gia tăng. Ảnh: KS.

Gây nuôi chim yến tại Bình Thuận có xu hướng gia tăng. Ảnh: KS.

Vào tháng 5/2023, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết 04 về quy định vùng nuôi chim yến. Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác. Chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với khu vực không được phép chăn nuôi gồm toàn bộ các phường thuộc TP Phan Thiết. Các phường thuộc thị xã La Gi như Phước Hội, Tân Thiện, Tân An và Bình Tân. Toàn bộ khu vực quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt tại thị trấn Liên Hương và thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong).

Thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc); thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam); thị trấn Lương Sơn và thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình); thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân); thị trấn Võ Xu, Đức Tài (huyện Đức Linh) và thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh).Tại huyện đảo Phú Quý gồm toàn bộ khu trung tâm huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các xã còn lại của các huyện, thị, thành phố bao gồm các khu vực xây dựng công trình công cộng, điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo quy định. Các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không được phép chăn nuôi.

Đối với quy định vùng nuôi chim yến từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành là vùng nằm ngoài khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân có nhà yến đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nằm trong khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết, nhưng tuân thủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ- CP của Chính phủ được phép tiếp tục duy trì hoạt động.

Theo bà Đỗ Thị Hương, trên cơ sở Nghị quyết trên, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1721 ngày 18/8/2023 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời Chi cục tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở NN-PTNT việc phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1721 ngày 18/8/2023 theo đúng kế hoạch được UBND ban hành.

Tuy nhiên, đến nay 9/10 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 04, nhưng việc rà soát, thống kê cơ sở, hộ chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, cơ sở nuôi chim yến (nhà yến) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác chưa thực hiện theo đúng tiến độ của kế hoạch.

Trước tình hình này, Chi cục đề nghị các địa phương thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi đăng ký, cam kết việc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi (không di dời) theo đúng thời gian quy định trước ngày 1/1/2025.

Xem thêm
Triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi

QUẢNG BÌNH Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

Xuống đồng chăm sóc lúa hè thu giữa nắng nóng gay gắt

HÀ TĨNH Những ngày này tại Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, tuy nhiên nông dân vẫn tích cực xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa hè thu...

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm