| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa mưa bão: [Bài 1] Mùa dịch chồng dịch

Thứ Hai 15/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mùa mưa bão, môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột khiến thủy sản bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh, cần quản lý nguồn nước nhằm tăng hiệu quả nuôi trồng.

Mùa mưa, người nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Mùa mưa, người nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Thời điểm nhạy cảm

Diện tích mặt nước rộng, tự nhiên thuận lợi đem đến cho Bà Rịa - Vũng Tàu đủ các điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.700ha mặt nước đang nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm 3.648ha.

Thời điểm này, việc nuôi trồng thủy sản của bà con đang gặp khó khăn do thời tiết thay đổi. Nắng nóng đan xen mưa chuyển mùa khiến nhiệt độ nước thay đổi, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loại thủy sản, từ đó làm giảm hiệu quả nuôi trồng.

Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, vào thời điểm mùa mưa bão, thủy sản dễ nhiễm các bệnh như: Bệnh gan thận mủ, xuất huyết, các bệnh ngoài da… Thậm chí, có những vùng thủy sản "bệnh chồng bệnh". Vì vậy, người nuôi trồng cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của tôm, cá.

Nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa) cho biết, đây là thời điểm cần quan tâm đặc biệt đến môi trường nước. Mưa lớn kéo dài khiến môi trường dễ bị biến động độ mặn, pH, độ kiềm…

“Màu nước trong các ao nuôi cũng dễ bị biến động do các loại tảo lợi bị suy tàn và tảo hại như tảo lam phát triển rất mạnh. Từ đó, chúng có thể gây ra mầm bệnh trong ao nuôi, đặc biệt là bệnh phân trắng, hoại tử, gan tụy và vi bào tử trùng…”, ông Chuyên cho hay.

Với những người nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng hệ thống bạt che, đây là vấn đề nghiêm trọng, thường xuyên gặp phải mỗi khi vào mùa mưa bão. Nhiều hộ nuôi tôm buộc phải nuôi thưa hoặc treo ao trong khoảng thời gian này.

Ông Chuyên cho biết thêm, trong thời điểm mưa nắng đan xen, oxy vận chuyển xuống đáy ao rất thấp. Trong khi đó, con tôm lại thích hợp với nhiệt độ ở dưới đáy ao mà chất hữu cơ lại lắng xuống khiến tôm dễ bị nhiễm bệnh.

Còn với người nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, (TP Vũng Tàu), đây là thời điểm mưa nắng thất thường khiến nhiệt độ và độ pH trong nước thay đổi đột ngột, thủy sản không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh.

Thời tiết cực đoan làm môi trường nước ngoài tự nhiên bị biến động, là nguyên nhân chính khiến vật nuôi thủy sản dễ mắc bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Thời tiết cực đoan làm môi trường nước ngoài tự nhiên bị biến động, là nguyên nhân chính khiến vật nuôi thủy sản dễ mắc bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Tại sông Chà Và, một số loài đang được nuôi lồng bè quanh năm và cho giá trị kinh tế cao như: hàu, cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá lăng... Tuy nhiên, vào giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, cá nuôi lồng bè thường bị chết hoặc nhiễm bệnh. Lồng bè nếu neo đậu không kỹ sẽ dễ bị cuốn trôi gây thiệt hại cho người nuôi.

Ông Nguyễn Công Biên (tiểu khu 3, xã Long Sơn) cho biết, những cơn mưa đầu mùa khiến chất bẩn, cặn trên bờ trôi thẳng xuống sông. Vì vậy, cá nuôi lồng bè bỏ ăn, giảm ăn, cá ốm, trong khi trời mưa nước sẽ đứng không trôi nên lượng oxy trong nước rất thấp. Trong khoảng thời gian này, tỉ lệ đậu cá và sinh trưởng tốt cũng chỉ ở khoảng 50 - 65%.

“Chúng tôi phải vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá. Đồng thời, mật độ nuôi cá cũng chỉ còn từ 60 - 70% so với mùa khô. Điều quan trọng là mình phải thường xuyên thăm lồng và đo chỉ số độ pH, oxy, độ mặn của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường”, ông Biên chia sẻ.

Tuân thủ nguyên tắc chung

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang nuôi trồng thủy sản trên ba vùng sinh thái là nước ngọt, mặn lợ và nuôi trên biển, ven biển. Nuôi nước ngọt chủ yếu là nuôi cá bản địa như mè, trắm, trôi, chép, rô phi. Nuôi nước mặn cá, tôm, cua nhưng tập trung chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Còn đối với nuôi lồng bè trên sông, trên biển chủ yếu là cá, hàu và tôm.

Các loại tảo, rong rêu phát triển mạnh trong mùa mưa bão là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Lê Bình.

Các loại tảo, rong rêu phát triển mạnh trong mùa mưa bão là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Lê Bình.

Kỹ sư Đoàn Văn Nam, Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hàng năm, Chi cục tham mưu Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương và cơ quan chuyên môn xây dựng khung lịch mùa vụ cho tỉnh. 

“Những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, phát tán, mầm bệnh vì thế có nhiều cơ hội để gây bệnh. Do đó, cần phải tiến hành các biện pháp quản lý ao, chăm sóc tốt cho động vật thủy sản”, ông Đoàn Văn Nam chia sẻ.

Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khuyến cáo người nuôi cần thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu hoặc bỏ ăn cần xác định nguyên nhân do đâu.

Nếu là do thiếu oxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột với liều lượng 30kg/1000m3 nước để làm cho nước trong sạch.

Đối với nuôi cá trên sông, cần sử dụng hoá chất treo trong lồng bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác.

“Cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột”, bà Đào Thị Thanh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo.

San thưa cá, tôm thương phẩm để giảm mật độ đàn, tránh thất thoát và ảnh hưởng môi trường sống khi điều kiện thời tiết bất lợi. Ảnh: Lê Bình.

San thưa cá, tôm thương phẩm để giảm mật độ đàn, tránh thất thoát và ảnh hưởng môi trường sống khi điều kiện thời tiết bất lợi. Ảnh: Lê Bình.

Theo kinh nghiệm của anh Lê Minh Châu (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), để sống khỏe khi nuôi tôm trong giai đoạn thời tiết này, người nuôi tôm cần phải áp dụng tổng hòa các biện pháp. Giống tốt là điều tiên quyết, sau đó đến môi trường sạch và thức ăn tốt và đầy đủ sẽ đáp ứng điều kiện để hạn chế dịch bệnh.

“Chúng tôi đang tăng cường vệ sinh ao nuôi, đồng thời giảm mật độ nuôi từ khoảng 100 - 110 con/m2. Khẩu phần ăn của tôm cũng được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng”, anh Châu chia sẻ.

Trước những thách thức về thời tiết, dịch bệnh trên thủy sản trong mùa mưa, theo các cơ quan chuyên môn, điều quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi chỉ số độ pH, oxy, độ mặn của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường.

"Người nuôi trồng thủy sản cần chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đã đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thất thoát trong điều kiện bất lợi. Đồng thời, cần hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng", ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.