Các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng đang áp dụng nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát nguồn nước, giúp tôm khỏe mạnh trước thời điểm giao mùa.
Nuôi tôm ít dịch bệnh nhờ công nghệ sinh học kiểm soát nguồn nước
Các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng đang áp dụng nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát nguồn nước, giúp tôm khỏe mạnh trước thời điểm giao mùa.
Giai đoạn giao mùa nắng và mưa sẽ xuất hiện những cơn mưa đầu mùa bất thường sẽ gây ra sự biến đổi đột ngột trong môi trường ao nuôi tôm. Đây là thời điểm sẽ dễ làm giảm sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng và tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Những năm gần đây, Công ty Nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An tại huyện Đất Đỏ ứng dụng công nghệ sinh học Minh Phú BiO để kiểm soát nguồn nước, môi trường ao nuôi. Đây cũng là đơn vị có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 600 ao nuôi trong diện tích 300 ha.
Anh Lê Hồ Đại Lộc, Nhân viên Phòng vi sinh Bio, Công ty Nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An: Hiện tại Minh Phú có 2 dòng Bio. Dòng Rodo là để mình xử lý nước, đào thảo khí độc và tăng cường màu sắc cho tôm. Dòng thứ 2 là BiOzim, trộn vào thức ăn giúp tôm mau lớn, tiêu hóa tốt và tốt cho đường ruột.
Với công nghệ vi sinh này, người nuôi sẽ không phải xử lý nước nuôi bằng hóa chất và thay nước liên tục như trước đây. Mô hình nuôi hướng đến việc tạo ra một môi trường thuận lợi để các loại vi sinh có ích phát triển, làm giàu lượng thức ăn và dinh dưỡng cho tôm, đồng thời ngăn chặn hoặc kiềm chế sự phát triển của các loại vi sinh có hại. Từ đó tăng cường hệ miễn dịch, giúp tôm khoẻ và đạt tỷ lệ sống cao.
Chị Trần Thị Thanh Thanh Tâm, Trưởng phòng Tiêu chuẩn, Công ty Nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An: Khi sử dụng sản phẩm vi sinh này thì giúp tăng tỉ lệ sống cho tôm, nuôi tôm hiệu quả hơn, cũng như là nâng cao chất lượng màu sắc và vị của tôm hơn. Về mưa thì nó cũng giúp ổn định nhiệt độ môi trường và chỉ tiêu trong môi trường ao nuôi.
Minh Phú Lộc An còn đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước dài 4,5 km cách đất liền 1 hải lý để có được nguồn nước tốt với độ mặn lý tưởng. Điều này cũng cho phép trang trại nuôi tôm điều hòa được nguồn nước trước điều kiện nắng mưa thất thường.
Còn tại HTX Chợ Bến tại huyện Long Điền lại chọn phương thức kiểm soát chặt nguồn nước bằng các bể lắng có lót bạt đáy. HTX đang áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ 3 sạch của công ty CP Việt Nam, sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng nước, dịch bệnh. Nhờ đó, con tôm không chỉ được ngăn ngừa bệnh gây hại mà thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao.
Anh Bùi Thế Vương, Quản lý tại HTX Chợ Bến, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Khi áp dụng công nghệ cao này vào thì thành công nó nhiều lên, giảm rủi ro dịch bệnh rất nhiều. Từ đó, ta mới có thể nuôi tôm ổn định được và có sản lượng. Nếu nuôi tôm bằng ao đất thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Dịch bệnh bây giờ quá nhiều, bà con nuôi đã không còn thành công nữa. Còn nuôi tôm công nghệ cao thì thành công nó nhiều hơn, giảm rủi ro xuống còn mười mấy % nữa thôi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng hơn 429 ha. Môi trường nước ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường tốt. Do đó, các cơ sở nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm.