Tân chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Ảnh: Reuters. |
Ngày 19/4 đánh dấu một thời khắc trọng đại trong lịch sử Cuba khi quốc đảo này lần đầu tiên có chủ tịch không mang họ Castro sau gần 60 năm. Người thay thế cựu chủ tịch Raul Castro, em trai cố lãnh tụ Fidel Castro, là ông Miguel Diaz-Canel. Giờ đây, mọi ánh mắt đều dồn vào gương mặt mới này, người được cho là do ông Raul đích thân lựa chọn thay thế vị trí của mình, theo NBC News.
Trước khi tiếp nhận chức vụ phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba hồi năm 2013, ông Miguel Diaz-Canel là một nhân vật không quá nổi bật trên chính trường. Tuy nhiên, kể từ đó, ông luôn được biết tới như là “cánh tay phải” của chủ tịch Raul Castro. Ở tuổi 86, dù thôi chức chủ tịch, ông Raul vẫn là người đứng đầu đảng Cộng sản, được hiến pháp chỉ định là “lãnh đạo tối cao của lực lượng xã hội và nhà nước”, đồng thời “có quyền trong những quyết định quan trọng nhất” cho quốc gia.
Trong suốt 5 năm qua, Miguel Diaz-Canel đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cương vị mới. Nhưng thậm chí trước cả khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã có một sự nghiệp chính trị khá vững chắc.
Diaz-Canel sinh vào tháng 4/1960, hơn một năm sau khi ông Fidel Castro lần đầu tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Cuba. Ông học ngành kỹ sự điện và bắt đầu theo đuổi con đường chính trị từ lúc mới ngoài 20 tuổi với tư cách thành viên đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba ở Santa Clara, thành phố là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng trong cuộc cách mạng Cuba.
Quãng thời gian giảng dạy kỹ thuật tại trường đại học địa phương, Diaz-Canel đã từng bước khẳng định vị trí trong đoàn Thanh niên Cộng sản Santa Clara, trở thành bí thư thứ hai ở tuổi 33. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong hàng ngũ đảng Cộng sản tại tỉnh quê nhà Villa Clara.
Dù nỗ lực phấn đấu với công việc của mình ở cấp tỉnh, ông Diaz-Canel phải mất tới 10 năm mới có thể bước chân vào Bộ Chính trị. Năm 2009, ông được thăng chức làm bộ trưởng giáo dục đại học rồi sau đó lên giữ chức phó chủ tịch vào năm 2013.
Một số bạn bè từng có thời gian tiếp xúc hoặc làm việc với Diaz-Canel trong thời gian ông công tác tại Santa Clara mô tả ông là người “vô cùng thực tế” và “dễ gần”.
Guillermo Farinas từng là bạn thời niên thiếu với Diaz-Canel trong những năm 1970. Họ cùng chơi bóng rổ với nhau và bất chấp việc nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại thời điểm đó, ông Diaz-Canel không thể hiện bất kỳ thái độ thành kiến hay coi thường nào đối với bạn mình, ông Farinas, một người da màu.
Farinas nhận xét Diaz-Canel là chàng thiếu niên “tò mò, năng nổ, nhiệt tình, dũng cảm, táo bạo”, đồng thời cũng là một người bạn đích thực.
Ramon Silverio, người đã quen biết Diaz-Canel hàng chục năm, miêu tả ông là người “có suy nghĩ cấp tiến”.
Năm 1984, Silverio đã xây dựng một địa điểm ở Santa Clara với tên gọi El Mejunje nhằm làm nơi cư ngụ an toàn cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) cũng như các nghệ sĩ, ca sĩ nhạc Rock hay người Bohemian. Đây là một động thái táo bạo bởi xã hội Cuba khi ấy vẫn chưa chấp nhận những người này.
Silverio vẫn nhớ Diaz-Canel là một trong những lãnh đạo chính trị giúp ông duy trì hoạt động cơ sở của mình, thậm chí còn đưa con đến tham gia các sự kiện dành cho trẻ em diễn ra vào chủ nhật hàng tuần.
“Ông ấy là một trong những người tới rạp hát vì yêu thích nó, không phải vì những nhiệm vụ chính trị”, Silverio nói.
Vơi tư duy hiện đại, Diaz-Canel ủng hộ việc mở rộng Internet ở Cuba, coi đây là công cụ thực sự hữu ích đối với người dân.
Ông Diaz-Canel (phải) được cho là người do chính cựu chủ tịch Raul Castro đích thân lựa chọn thay thế vị trí của mình. Ảnh: BBC. |
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết năm 2015, chỉ 5,6% số hộ gia đình ở Cuba có khả năng tiếp cận với Internet. Trước mối lo ngại tồn tại trong chính quyền rằng việc để người dân tiếp cận đầy đủ với Internet sẽ làm giảm hiệu quả của truyền thông nhà nước, ông Diaz-Canel khẳng định nỗ lực kiềm chế phổ biến Internet là thất sách.
“Ngăn cấm Internet không hề có ý nghĩa”, ông tuyên bố trước các phóng viên ngay sau khi nhậm chức phó chủ tịch thứ nhất. Chính phủ Cuba giờ đây đã tăng cường tín hiệu wi-fi ở nơi công cộng, song không rõ tác động của ông Diaz-Canel tới quyết định này ở mức độ nào.
Giới phân tích nhận định trên cương vị mới, thách thức đầu tiên ông Diaz-Canel phải đối mặt có lẽ là vấn đề cải cách kinh tế. Nền kinh tế Cuba đang gặp khó khăn, xuất phát từ hệ thống tiền tệ kép mà cố lãnh tụ Fidel Castro áp dụng từ năm 1994 nhằm thu hút nguồn kiều hối của những người Cuba ở nước ngoài.
Chủ tịch Raul Castro từng tuyên bố việc thống nhất đồng tiền “không thể bị trì hoãn lâu hơn nữa”. Nhưng việc ghép hai đồng tiền vào làm một thực sự là công việc không đơn giản với những hệ lụy kinh tế khó đoán trước, theo Independent.