| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học: Một mũi tên trúng nhiều đích

Thứ Ba 15/11/2022 , 22:11 (GMT+7)

Những năm qua, người chăn nuôi tại Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trở nên cấp thiết.

Chăn nuôi an toàn sinh học trở thành cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Ảnh: Võ Dũng.

Chăn nuôi an toàn sinh học trở thành cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2021, bà Đào Thị Thắm ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học.

Toàn bộ chất thải của lợn được vi sinh vật có lợi phân hủy, không thải ra môi trường bên ngoài như nuôi theo cách truyền thống.

Phân lợn trộn lẫn trong đệm lót sinh học được một số đơn vị và cả người nông dân thu mua.

Trong quá trình nuôi, bà Thắm sử dụng thức ăn được phối trộn từ các phụ phẩm nông nghiệp như bột ngô, cám gạo, khô dầu đậu tương, bột cá… và ủ lên men trong 36-48 giờ. Nguồn thức ăn này vừa có giá thành thấp vừa đảm bảo dinh dưỡng và tăng khả năng tiêu hóa cho đàn lợn.

Bài liên quan

Bà Thắm còn bổ sung các loại cây thảo dược tự nhiên ủ men vi sinh như xuyến chi, cam thảo đất, lá ổi, lá cây khuynh diệp, an xoa…; định kỳ cho uống dịch tỏi lên men để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho đàn lợn.

Qua so sánh, cùng thời gian nuôi, chi phí thức ăn giảm khoảng 1/3 so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp mà trọng lượng lợn không hề thua kém. Đặc biệt, mùi hôi do chất thải của lợn được giảm đến 80 - 90%.

“Chỉ cần 2 - 3 ngày lại đảo đệm lót sinh học một lần là toàn bộ chất thải của lợn đều được vi sinh phân hủy”, bà Thắm cho hay.

Còn anh Vũ Văn Bắc tại thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro. Chuồng trại của gia đình anh được xây dựng khép kín, cách xa khu dân cư.

Người và phương tiện ra vào chuồng trại được sát khuẩn để loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào. Nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học nên mùi hôi từ chất thải được giảm tối đa.

Đàn gà được tiêm vắc xin định kỳ; máng ăn uống được vệ sinh và sát trùng mỗi ngày. Nhờ đó, trang trại của gia đình anh Bắc hạn chế được dịch bệnh.

Trước khi xuất bán 1 tháng đàn gà được sử dụng thức ăn phối trộn từ bột ngô, cám gạo… ủ lên men, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp.

Anh Bắc cho biết, nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, tỉ lệ gà nuôi sống đạt trên 98%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, an toàn trước dịch bệnh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng lên.

Hiện nay, gia đình anh đang nuôi thử nghiệm 500 con gà trên đệm lót sinh học và thời gian tới sẽ tiếp tục tăng quy mô đàn.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Quảng Trị cho hay, tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp khiến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trở thành giải pháp quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Đây là mô hình mang lại “lợi ích kép”, vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là tất yếu, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ đang chiếm tỷ lệ lớn như tại tỉnh Quảng Trị.

“Theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỉ lệ dịch bệnh nhờ những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường… Từ đó hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, giúp đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”, ông Hậu cho hay.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Vũ Văn Bắc được nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Võ Dũng.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Vũ Văn Bắc được nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất hạn chế. Trong khi các trang trại lớn chủ yếu chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao, tổng đàn lớn thì phương pháp xử lý chất thải chủ yếu là bằng bioga.

Còn người dân vẫn rất ngại khi phải tìm con giống được chứng nhận nguồn gốc, không sử dụng kháng sinh hay phải đầu tư vốn lớn cho đệm lót sinh học.

Vì vậy, ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Trị cũng chưa đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho việc nâng cao tỷ lệ chăn nuôi an toàn sinh học.

“Thời gian tới, Chi cục CN&TY sẽ tiếp tục khuyến cáo người dân đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học. Mục tiêu của ngành chăn nuôi là xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm an toàn, bền vững” – ông Hậu cho biết thêm.

Chăn nuôi an toàn sinh học lại ít chịu ảnh hưởng dịch bệnh

Năm 2021, Quảng Trị có hơn 2.800 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục; dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở 847 hộ tại 201 thôn, 70 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số bị bệnh, chết buộc chôn hủy hơn 5,5 nghìn con lợn. Bệnh cúm gia cầm xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Hải Lăng với tổng số gia cầm bệnh, chết, tiêu hủy gần 10,8 nghìn con. Tuy nhiên, những trang trại, gia trại, nông hộ bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học lại ít chịu ảnh hưởng trước dịch bệnh.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất