| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết chăn nuôi an toàn sinh học của anh nông dân giỏi ở Hà Tĩnh

Thứ Sáu 11/11/2022 , 10:50 (GMT+7)

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học khép kín, mỗi năm anh Lê Ngọc Dân, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thu về lợi nhuận ngót 1 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của anh Lê Ngọc Dân mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ảnh: T.Nga.

Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của anh Lê Ngọc Dân mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ảnh: T.Nga.

Thời điểm này, thời tiết ở Hà Tĩnh đang giao mùa, đêm và sáng trời rét, ngày hửng nắng. Với nền nhiệt độ thay đổi liên tục này, sức đề kháng của đàn lợn giảm đi rất nhiều, trong khi đó các dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, ngoài việc đốc thúc người chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc xin theo đúng thời gian, liều lượng, Chi cục khuyến khích bà con áp dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế mầm bệnh phát sinh, gây bệnh cho đàn vật nuôi.

Gương nông dân tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi từ trồng trọt kém hiệu quả sang chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thu bạc tỷ mỗi năm chính là anh Lê Ngọc Dân ở thôn Vinh Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên.

Chủ trại đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm phòng vắc xin, phòng trừ dịch bệnh nên đàn lợn phát triển mạnh khoẻ. Ảnh: Tâm Phùng.

Chủ trại đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm phòng vắc xin, phòng trừ dịch bệnh nên đàn lợn phát triển mạnh khoẻ. Ảnh: Tâm Phùng.

Năm 2001, theo chính sách Nhà nước, anh Dân cùng với gia đình lên mảnh đất bán sơn địa của xã Cẩm Sơn xây dựng vùng kinh tế mới. Từ năm 2001 - 2008, trên diện tích gần 5ha, gia đình anh chủ yếu trồng keo, lạc, sắn... để có thu nhập. Tuy nhiên, hướng kinh tế này mang lại hiệu quả không cao, gia đình vẫn không thoát khỏi nghèo khó.

Đến khoảng giữa năm 2008, nhận thấy quỹ đất của gia đình phù hợp phát triển chăn nuôi nên anh Dân vay ngân hàng gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 200m2, thả nuôi 15 con lợn nái và 80 con lợn thịt/lứa.

Đến năm 2013, khi việc chăn nuôi thuận lợi, gia đình quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hai dãy chuồng chăn nuôi lợn hiện đại, có hệ thống bể biogas khép kín, với diện tích rộng hơn 1.500m2, quy mô thả nuôi 800 con/lứa.

“Tôi đặc biệt chú trọng tới chất lượng con giống, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Tất cả nguồn giống đều được mua từ công ty uy tín trên địa bàn tỉnh. Lợn giống mua về được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cơ quan thú y khuyến cáo. Lợn được nuôi theo hướng hữu cơ, xử lý chất thải bằng vi sinh nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh”, anh Lê Ngọc Dân chia sẻ.

Trong tương lai anh Dân dự kiến mở rộng thêm dãy chuồng nuôi thêm lợn thịt và lợn nái an toàn sinh học. Ảnh: Tâm Phùng.

Trong tương lai anh Dân dự kiến mở rộng thêm dãy chuồng nuôi thêm lợn thịt và lợn nái an toàn sinh học. Ảnh: Tâm Phùng.

Mạnh dạn trong phát triển kinh tế đã giúp gia đình anh Dân từ hộ khó khăn vươn lên trở thành hộ khá của địa phương. Hiện tại, trang trại của anh Dân đang duy trì 800 con lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Ngoài ra, gia đình còn nuôi 40 con lợn nái để giảm chi phí mua con giống.

Theo anh, để có được trang trại như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của hai vợ chồng. Anh chị đã đi tới nhiều trang trại, nhiều mô hình hay trên địa bàn tỉnh để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh… Nhờ đó, mô hình ngày càng phát triển, đến nay, doanh thu từ nuôi lợn đạt khoảng 9 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí gia đình lãi gần 1 tỷ đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, anh Dân nhấn mạnh: Dù nuôi con vật nào cũng phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt sức khỏe của từng loại, hiểu được đặc tính của con vật đó. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nước, thức ăn sạch, cần phải đặc biệt quan tâm tới việc tiêm vắc xin phòng các loại bệnh cho đàn lợn.

Trong quá trình nuôi phải chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần và thời gian ăn mới đảm bảo được tỷ lệ nạc và trọng lượng khi xuất bán. Đặc biệt, khâu vệ sinh chuồng trại cũng nên thực hiện đều đặn 2 lần/ngày, giúp chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ.

Đồng thời tận dụng lợi thế đất đồi chăn nuôi thêm gà thả vườn nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ảnh: T. Nga.

Đồng thời tận dụng lợi thế đất đồi chăn nuôi thêm gà thả vườn nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ảnh: T. Nga.

"Trang trại của tôi xây dựng hàng rào biệt lập với môi trường sống bên ngoài. Vận hành theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước khi công nhân vào trại phải cách ly 2 - 3 ngày ở khu vực cách ly, phun tiêu độc khử trùng thưởng xuyên, liên tục nên giúp trang trại của gia đình tôi đến nay may mắ vẫn an toàn trước dịch tả lợn Châu Phi”, anh Dân nói thêm.

Ngoài chăn nuôi lợn, tận dụng lợi thế vườn đồi, mỗi năm gia đình anh Dân còn thả nuôi hơn 1.000 con gà, mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Trong tương lai, anh Lê Ngọc Dân lên ý tưởng xây thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi cả lợn và gà. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ con giống giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện, xã cùng nhau vượt khó, làm giàu.

Với sự kiên trì, nỗ lực của bản thân, tháng 10/2022, anh Lê Ngọc Dân vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh vinh danh hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.