Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo về sử dụng kháng sinh được Viện Sức khoẻ môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) phối hợp cùng Mạng lưới "một sức khoẻ" các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) tổ chức.
Sự kiện gồm: Vấn đề sử dụng kháng sinh trong ngành y dược; sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp; sử dụng kháng sinh tại các công ty sản xuất thức ăn theo mô hình 3F: Chăn Nuôi-trang trại-thực phẩm.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cập nhật các cơ chế chính sách, hiện trạng sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Với sự tham dự và đóng góp ý kiến của hơn 60 đại biểu đến từ Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản, các trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực nông lâm, công ty thức ăn chăn nuôi… hội thảo sẽ đóng góp những giải pháp có tính khả thi, giúp các cơ quan chức năng có cơ sở vững chắc để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật hiệu quả.
Trên tinh thần đó, tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan tới tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030; xem xét, đánh giá các dự thảo hướng dẫn ban đầu cũng như các văn bản, thông tư và hướng dẫn hiện hành liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật…
T.S. Phạm Đức Phúc, Viện trưởng Viện Sức khoẻ môi trường và Phát triển bền vững chia sẻ: “Một sức khỏe” (One Health) hiện đang là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp, hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường.
Tại Việt Nam, kế hoạch hành động quốc gia về “một sức khỏe” đã có sự tham gia của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ như: Thiếu nguồn lực về con người, tài chính, cơ chế chia sẻ thông tin
Do đó, trước yêu cầu phải nhìn nhận “một sức khỏe” theo hướng đa chiều, đa ngành, cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn trong sự phối hợp giữa 3 bộ để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể hơn.
Theo ông Phúc, trong nông nghiệp, nếu sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm sẽ giúp phát triển chăn nuôi, thủy sản bền vững. Ngược lại, nếu lạm dụng, sử dụng sai cách thì hệ lụy sẽ rất lớn, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới giống nòi con người, suy kiệt giống vật nuôi.
Một nút thắt hiện nay là chăn nuôi, thủy sản mang lại giá trị kinh tế lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, sinh kế của doanh nghiệp, trang trại, người dân. Vì vậy, nhiều người chăn nuôi đã biết đến những quy định, nhưng vẫn làm sai.
Để giải bài toán này, phải phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, đi từng bước chắc chắn. Trong đó, trước hết, cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức cho cán bộ quản lý, chuyên môn các cấp; tăng cường thông tin, tuyên truyền để đưa các quy định, hướng dẫn tới từng người người chăn nuôi.
T.S. Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôithông tin: Hiện nay, ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ như: Phòng chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao; sản lượng thực phẩm mất cân đối cung cầu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng sinh kế của người chăn nuôi; quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao (trên 80% số cơ sở và 40% sản lượng), việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong nông hộ và các trang trại quy mô nhỏ còn hạn chế; dữ liệu thống kê tổng đàn, sản lượng, quy mô chăn nuôi chưa sát thực tế dẫn đến khó dự báo, cảnh báo về thị trường…
Trong thời gian tới, nghành chăn nuôi định hướng phát triển theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, kết nối sản xuất và thị trường, tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Do đó, việc quản lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Kháng sinh được sử dụng phổ biến trong ngành chăn nuôi giúp duy trì sức khoẻ vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần bảo vệ nguồn sinh kế và sự bền vững của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý, thiếu trách nhiệm, đã mang đến nhiều rủi ro như tạo vi khuẩn nhờn thuốc, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng...
Do đó, cần kêu gọi, triển khai mạnh mẽ những hành động thiết thực nhằm đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững như: Tăng cường quản lý thị trường kháng sinh chovật nuôi; nâng cao nhận thức về vấn đề kháng kháng sinh cho người dân; khuyến khích áp dụng liệu pháp điều trị thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học,…