Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam, hết tháng 6/2024, đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 385.000 con; gia cầm gần 9 triệu con; trâu, bò hơn 37.000 con. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giống, cùng với việc nông dân được tiếp cận, tập huấn giải pháp kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án khuyến nông đã giúp ngành chăn nuôi của tỉnh có những chuyển biến rõ rệt, năng suất và hiệu quả chăn nuôi được nâng lên.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô trang trại còn chậm, chuỗi liên kết chăn nuôi lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi tại một số địa phương chưa được xử lý triệt để, hiệu quả. Đa phần hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại theo kinh nghiệm nên chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật, gây khó khăn trong khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Về con giống, vẫn còn một bộ phận nhỏ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua giống thông qua thương lái, không được kiểm dịch và cách ly khi mới nhập về. Đây là một trong những nguy cơ rất lớn làm lây lan, bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Về thức ăn, hầu hết các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho các đối tượng vật nuôi. Tuy nhiên, việc bảo quản thức ăn chưa đảm bảo, đa phần không bố trí kho thức ăn riêng biệt hoặc có kho chứa thức ăn nhưng chưa có kệ, giá kê; để lẫn thức ăn với dụng cụ dọn dẹp vệ sinh, thuốc thú y; không có biện pháp ngăn chặn chuột và côn trùng xâm nhập. Một số hộ tự phối trộn thức ăn nhưng không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng các loại ngũ cốc nguyên liệu đầu vào như ngô, cám gạo, đậu tương…
Trước thực tế đó, để phát triển chăn nuôi bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học trên nhiều đối tượng vật nuôi khác nhau để cán bộ chuyên môn cũng như người chăn nuôi có thể học hỏi, áp dụng.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chăn nuôi như công nghệ chuồng kín; công nghệ sinh học; tự động hóa trong chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh... Áp dụng rộng rãi công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản và lợn; tiếp tục chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm. Đồng thời, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.
Ngoài ra, chú trọng đưa công nghệ vào chăn nuôi, tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định để kích thích sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu giống vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào sản xuất.