Học cách làm nông nghiệp hữu cơ của người Nhật
Phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi khép kín, kết hợp bán sản phẩm tại các cửa hàng nông sản và các kênh bán hàng trên mạng xã hội là hướng đi hiệu quả, thân thiện với môi trường mà anh Nguyễn Đăng Vương (sinh năm 1983) ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã làm được.
Năm 2015 - 2016 anh Vương từng sang làm việc tại Nhật Bản, có cơ hội tham quan, học hỏi được các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vi sinh, anh đã tìm hiểu phương pháp sản xuất phân bón, thức ăn vi sinh, tiếp cận cách chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Từ đây, tình yêu làm nông nghiệp sạch của anh Vương được nung nấu thêm. Sau khi trở về quê nhà, anh nghiên cứu, tìm hiểu thêm nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2019, anh quyết định xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ cho riêng mình.
Trên 4ha đất nông nghiệp của gia đình, anh Vương mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng các khu vực chuồng trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ khép kín từ chăn nuôi, chế biến thức ăn, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và tới tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian đầu, tuy đã học hỏi kiến thức, kinh nghiệm nhưng khi triển khai trên thực tế anh Vương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần ủ men vi sinh thất bại. Anh phải nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm các công thức, tỷ lệ phối trộn thức ăn để phù hợp với đặc thù khí hậu và điều kiện tại trang trại của mình.
Năm 2021, anh Vương đã thành lập HTX Nông nghiệp sạch Vương Tây Sơn với 7 hội viên tham gia. Anh cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho bà con, xây dựng chuỗi thực phẩm từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến chế biến, đóng gói sản phẩm đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Đến nay, anh Vương đã chủ động cung cấp đủ nguồn thức ăn hữu cơ cho đàn vật nuôi cho trang trại của mình cũng như các thành viên của HTX. Trang trại tổng hợp của anh mỗi năm nuôi từ 1.000 đến 3.000 con gà; 700 đến 1.000 con vịt và 35 đến 40 con lợn nái, mỗi năm sinh sản 600 lợn giống, anh xuất bán 300 lợn giống cho các thành viên trong HTX và để nuôi 300 con lợn thịt hữu cơ.
Anh Vương cho biết: "Mô hình tôi phát triển là đưa vi sinh vào nông nghiệp ở tất cả các khâu. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi để ủ thành thức ăn chăn nuôi có chất lượng cao, với chi phí thấp như các loại hoa quả, rau hỏng, đầu cá, đầu ếch nhái từ các chợ, thức ăn dư thừa ở các hộ dân sinh, các bếp ăn tập thể...
Các phụ phẩm được thu gom về xay nhuyễn, thêm ngô, lúa... rồi ủ theo phương pháp lên men vi sinh. Trang trại chăn nuôi của tôi chỉ sử dụng thức ăn do chính tôi làm ra từ các thực phẩm hữu cơ chứ tuyệt đối không sử dụng các chất tăng trọng, kháng sinh hay thức ăn chăn nuôi bên ngoài. Nhờ vậy, giá thành chăn nuôi thấp hơn rất nhiều so với sử dụng thức ăn công nghiệp".
Giảm nhiều chi phí sản xuất
Cũng theo anh Vương, vật nuôi ăn thức ăn vi sinh có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Trang trại của anh cũng chủ động con giống, chủ động đầu ra sản phẩm, không qua thương lái trung gian. Các quy trình sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến, đóng gói sản phẩm được anh quay trực tiếp để tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng.
Nhằm tạo đầu ra lâu dài và bền vững cho sản phẩm, anh Vương đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và kênh Youtube để quảng bá và bán hàng. “Trang trại sản xuất ra gà, vịt, heo, lúa... tôi đều bán trực tiếp tại hệ thống cửa hàng thực phẩm, hiện tôi có 2 cửa hàng tại TP Đông Hà và kết nối tiêu thụ với 2 cửa hàng tại Đà Nẵng, 2 cửa hàng tại Hà Nội. Tôi cũng bán hàng qua các kênh online, kênh youtube. Thông qua các kênh này, tôi đã đăng tải hàng trăm video chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ cũng như quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng", anh Vương cho hay.
Anh Vương cho biết đang suy nghĩ phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ trên đàn bò, dự kiến sẽ bắt tay thực hiện trong năm 2025. Hiện anh đang phát triển sản xuất thức ăn vi sinh hỗn hợp và dự định thời gian đến sẽ đưa ra thị trường để cung cấp cho nông dân phát triển chăn nuôi thân thiện với môi trường.
Ông Lê Đức Quang Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) cho biết, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền cho các hội viên nông dân phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng vi sinh, chăn nuôi hữu cơ của Anh Vương.
Hiện trên địa bàn xã cũng đã nhân rộng được 3 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, vi sinh. Các mô hình này sẽ từng bước giúp chăn nuôi của địa phương chuyển dịch mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang tập trung theo mô hình trang trại bán công nghiệp, áp dụng quy trình an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường...
Đến nay, các sản phẩm của trang trại anh Vương đã dần có chỗ đứng trên thị trường, mỗi anh có lợi nhuận khoảng trên 300 triệu đồng. Trại của anh Vương còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra anh còn chuyển giao kỹ thuật cho bà con, nhất là các bạn trẻ muốn học làm nông nghiệp hữu cơ tại trang trại của anh để nhân rộng mô hình.