Thế giới quan tâm từ rất sớm
PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, nhận thức được đầy đủ tác hại của việc làm dụng kháng sinh, nhiều quốc gia đã thực hiện lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hoặc ban hành qui định chặt chẽ về chủng loại cũng như liều lượng kháng sinh được phép sử dụng từ rất sớm.
PGS.TS Phạm Kim Đăng rất vui mừng vì Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm khá sớm đến vấn đề kháng sinh trong chăn nuôi so với các quốc gia trong Asean |
Trong đó, Thụy Điển là nước đầu tiên cấm sử dụng kháng sinh từ những năm 1980, Đan Mạch cấm sử dụng từ năm 1998. Sau đó, các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU) đã thực hiện lộ trình cấm và cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh làm chất kích sinh trưởng từ năm 2006.
Với nước Mỹ, bắt đầu bằng việc có lộ trình giảm dần số loại thuốc kháng sinh rồi tiến tới cấm toàn bộ. Hiện Mỹ chỉ còn cho phép sử dụng các loại kháng sinh không thuộc nhóm kháng sinh con người sử dụng và cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ năm 2016.
Một kết quả một nghiên cứu của WHO tại Đan Mạch cho thấy, nếu dừng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng sẽ giảm nguy cơ vi sinh vật kháng thuốc. Đặc biệt, Mỹ công bố phát hiện một loại vi khuẩn trên người kháng Colistin, là một trong những kháng sinh được cho là mạnh nhất hiện nay. Do đó, Ngày Sức khỏe thế giới năm 2011 WHO đã chọn hẳn một chủ đề liên quan đến việc dùng kháng sinh.
PGS.TS Phạm Kim Đăng cho biết thêm, trước khi cấm các danh mục kháng sinh dùng chung cho cả vật nuôi và con người, các cơ quan chức năng của châu Âu có lộ trình cảnh báo cũng như đưa ra một số định hướng thay thế kháng sinh để các doanh nghiệp và người chăn nuôi không rơi vào thế bị động. Nói cách khác cấm hoặc hạn chế cần theo lộ trình, chứ không cấm đột ngột.
“Xu hướng chung của các nước trên thế giới là cấm sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn nhằm kích thích sinh trưởng. Hạn chế sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh. Danh mục kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi hạn chế tối đa kháng sinh đang sử dụng trong nhân y. Việc sử dụng phòng và trị bệnh đều bắt buộc có chỉ định của Bác sỹ thú y và được giám sát chặt chẽ”, PGS.TS Phạm Kim Đăng chia sẻ.
Theo GS Jeroen Dewulf, thành viên Ủy ban Khoa học Cơ quan Thực phẩm Liên bang Bỉ, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Chuyên môn về tiêu thụ kháng sinh và đề kháng kháng sinh ở động vật Bỉ, Chủ tịch Trường Cao đẳng Thú y Cộng đồng Châu Âu, người đã xuất bản cuốn sách 8 lầm tưởng về kháng sinh trên thế giới hiện nay chia sẻ, vấn đề kháng sinh không chỉ là một mối đe dọa mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng và làm bền vững hệ thống chăn nuôi của Việt Nam.
GS Jeroen Dewulf cho rằng chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả nhất để loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi |
Trong Quyết định 2625 về “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp, nội dung thực hiện, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh cũng như nguy cơ hình thành kháng kháng sinh, giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và tồn dư kháng sinh trong thực phẩm với chủ trương sẽ dần hạn chế sử dụng, tiến tới cấm sử dụng kháng sinh cho mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi trong thời gian tới. |
“Ăn thịt, trứng hay uống sữa chỉ là một trong những con đường có thể lây truyền đề kháng kháng sinh. Tuy nhiên, thực ra đó không phải là đường truyền có tác động mạnh nhất hay hiệu quả nhất mà viêc tiếp xúc trực tiếp với thú cưng hay vật nuôi nông nghiệp dễ lây truyền sự đề kháng nhiều hơn.
Do đó, dù ngừng sử dụng thuốc kháng sinh trên vật nuôi bao lâu đi nữa chỉ giúp hết lượng kháng sinh tồn dư trong thịt, trứng, sữa chứ vi khuẩn đề kháng thuốc có thể tồn tại trong thời gian rất dài nên chăn nuôi an toàn sinh học mới là giải pháp tối ưu nhất để dần loại bỏ hẳn kháng sinh ra khỏi chăn nuôi”, GS Jeroen Dewulf.
Lộ trình cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm các nước để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, Việt Nam cần phải có lộ trình rất cụ thể và rõ ràng. Trước hết để đảm bảo năng suất, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và sức khỏe cộng đồng.
Tiếp đến, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp thay thế kháng sinh để kích thích sinh trưởng, cải thiện tiêu hóa, môi trường như sử dụng thảo dược, probiotic, prebiotic, ezyme, axit hữu cơ… kết hợp các giải pháp qui hoạch chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, điều kiện cách ly, tăng cường công tác phòng bệnh nâng cao đề kháng cho vật nuôi bằng vacxin và vệ sinh thú y.
Sau đó lên lộ trình rà soát danh mục kháng sinh được phép và danh mục kháng sinh cấm sản xuất và kinh doanh làm thuốc thú y. Loại bỏ dần những kháng sinh đang được sử dụng có hiệu quả trong nhân y. Tăng cường kiểm soát từ đầu và đến sản phẩm cuối cùng.
Bổ sung thêm kinh nghiệm cho chăn nuôi Việt Nam, TS Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, để hạn chế việc làm dụng kháng sinh, phải bắt đầu từ người chăn nuôi, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết cho họ về mặt lợi của kháng sinh và mặt hại của việc dùng kháng sinh không đúng loại, liều lượng, thời gian.
Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm soát được việc mua bán kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, phải thanh tra nghiêm ngặt, thường xuyên, tạo sự công bằng trong chăn nuôi và có chế tài đủ sức răn đe, nhất là các quy định trong Luật Chăn nuôi mới được Quốc hội thông qua.
Việt Nam cần có lộ trình rất cụ thể trong việc loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi |
Thường xuyên duy trì đường dây nóng động viên, khen thưởng kịp thời người phát hiện ra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Đồng thời, đầu tư thiết bị, kỹ năng cho các phòng thí nghiệm để phát hiện nhanh, chính xác những mẫu tồn dư kháng sinh. Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ để phòng, chống dịch bệnh.
Có chương trình và kế hoạch hành động thay thế kháng sinh bằng thảo dược hay chế phẩm từ những vi khuẩn có lợi để giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đặc biệt, nếu có thể, tiến hành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho các sản phẩm thịt chăn nuôi an toàn sinh học không kháng sinh để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, việc quản lí kháng sinh tại Việt Nam cũng quan trọng không kém gì quản lí chất cấm. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm chăn nuôi nước ta trong tương lai. Bởi một trong những điều kiện vô cùng quan trọng nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi sang các nước phát triển nhất thiết phải quản lí, kiểm soát được dịch bệnh, các chất kháng sinh. Chính vì vậy, Nghị định 39 của Chính phủ đã cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ năm 2018 và Luật Chăn nuôi mới được ban hành cũng quy định rất rõ nội dung này. |