| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 2] 'Cả đời tích góp về số không'

Thứ Sáu 20/09/2024 , 13:55 (GMT+7)

QUẢNG NINH Trang trại vịt thiệt hại nặng nề do bão số 3, ông Đồng Quang Cường (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ sự lạc quan và sẵn sàng tài đàn sản xuất.

Ông Đồng Quang Cường xót xa trước cảnh chuồng trại tan hoang, đổ nát do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Đồng Quang Cường xót xa trước cảnh chuồng trại tan hoang, đổ nát do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chuồng vịt hiện đại tan hoang sau bão

Một tuần sau cơn bão số 3, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vẫn bộn bề công việc. “Từ sáng sớm đến tối mịt, tôi cùng mấy anh em làm đủ các việc, từ thu dọn các mảnh tôn cho đến sửa chữa chuồng trại bị bão gió quần nát”, ông Cường nói.

Nhiều ngày mất ăn mất ngủ, gương mặt ông Cường tỏ rõ vẻ phờ phạc. “Mấy chục năm sinh sống ở nơi đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào khủng khiếp như cơn bão vừa rồi. Chuồng trại tan hoang hết cả”.

Thuở còn thanh niên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Cường phải lăn lộn, trải qua nhiều công việc khác nhau, từ đi làm ruộng, đi biển, kinh doanh cây cảnh, cho đến bây giờ là chăn nuôi vịt.

Ông Cường kể: “Trước tôi đi biển cũng gặp vô vàn chông gai. Bốn lần chìm tàu, thiệt hại vài trăm triệu mà còn suýt mất mạng, tôi lên bờ bán cây cảnh nhưng cũng không có khách. Đến giờ nuôi vịt lại bị bão gió càn quét, quật cho tơi tả. Làm nhiều nghề, thất bại cũng nhiều, nhưng có lẽ lần này tôi bị thiệt hại nặng nề nhất”.

“Bão gió làm mất điện, tủ ấp không hoạt động nên 8 vạn trứng vịt của tôi bị hỏng. Với giá 4.000 đồng/quả, tôi đã mất trắng hơn 300 triệu. Chưa kể hơn 7.000 vịt siêu trứng đang chết dần vì ảnh hưởng của bão”, ông Cường ngậm ngùi kể.

Đàn vịt trứng 7.000 con bị ảnh hưởng do bão nên chết dần. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đàn vịt trứng 7.000 con bị ảnh hưởng do bão nên chết dần. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cầm trên tay con vịt gầy gò, hốc hác, ông Cường chỉ xuống phần bụng dưới bị phình to như người bị mắc khối u ác tính. “Vịt có trứng ở bên trong, khi gió bão đến khiến lũ vịt xô đẩy, vỗ cánh rồi va vào nhau nên trứng trong bụng bị vỡ. Vì vịt không có cơ chế đào thải nên phần trứng vỡ vẫn nằm nguyên bên trong, vịt vẫn ăn uống nhưng sẽ chết dần mà bất lực không làm sao được”, ông Cường chua xót nói.

“Đàn vịt nuôi sống mình, giúp mình có cơ ngơi như ngày hôm nay. Biết là vịt sẽ chết nhưng tôi không đành lòng bỏ đói chúng. Ngày nào tôi cũng chi tầm 4-5 triệu tiền thức ăn. Từ lúc bão xong đến hiện tại, đàn vịt trứng 7.000 con giờ chỉ còn gần 1 nửa. Con nào chết tôi lại mang cho cá ăn”.

Được biết, từ hộ chăn nuôi vịt manh mún, nhỏ lẻ, ông Cường đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển mô hình nuôi vịt khép kín hiện đại và quy mô nhất tại thị xã Quảng Yên.

Ông Cường chia sẻ: “Nhận thấy phương thức nuôi thả truyền thống không còn thích hợp, gia đình tôi đã tìm tòi, học hỏi, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Với kinh nghiệm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi, năm 2019, tôi đã đầu tư 2 chuồng chăn nuôi khép kín rộng 2.000m² phát triển chăn nuôi vịt. Năm 2022, tôi đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 2 hệ thống chuồng khép kín. Thế nhưng cơn bão số 3 cuốn phăng tất cả”.

Nhiều lần làm ăn thất bại đã hình thành trong con người ông Cường sự già dặn, tỉnh táo trước hiểm nguy. “Qua thông tin báo đài, nhận thấy bão lần này sẽ rất mạnh nên trước khi bão vào, tôi đã nhanh chóng bán hơn 1 vạn con vịt thịt, tổng là hơn 40 tấn.

Phải hạ đi 10 giá, còn 28.000đ/kg, tính ra mất khoảng 400 triệu, chứ không thiệt hại còn nặng nề hơn. Chưa kể số vịt đấy mà chết sẽ ô nhiễm môi trường vì không biết chôn chỗ nào”, ông Cường tâm sự.

Dẫn phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đi một vòng chuồng trại sau bão, ông Cường xót ruột nói: “Xưởng sập, kho để cám rồi nhà ở cho công nhân cũng hư hỏng hoàn toàn”. Nhẩm tính thiệt hại sau bão số 3, gia đình ông Cường mất hơn 3 tỷ đồng.

Vực dậy sau cơn bão

Vừa qua, gia đình ông Cường đã được các cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên. “Gia đình tôi bằng mọi giá sẽ khắc phục thiệt hại, cố gắng đưa vào sản xuất từng phần một. Hiện tôi đã khắc phục tương đối được chuồng vịt thịt, trong tuần tới, tôi sẽ nhập giống vịt về để sản xuất”, ông Cường nói, ánh lên hi vọng.

Theo ông Cường, hiện khu vực miền Bắc giống vịt trứng không có, ông phải đặt trong miền Nam chở ra khoảng 5.000 - 6.000 con.

Ông Cường hi vọng sẽ nhanh chóng được hỗ trợ để tái đàn sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Cường hi vọng sẽ nhanh chóng được hỗ trợ để tái đàn sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Mất cũng mất rồi, cả cuộc đời tích góp về con số không, nhưng không vì thế mà tôi buông xuôi. Cơn bão vừa rồi gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tôi nhận thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người nông dân khác khi vẫn còn khỏe mạnh, chỉ thiệt hại về kinh tế. Còn người là còn của, tôi đã liên hệ ngân hàng vay thêm 2 tỷ đồng để tái sản xuất”.

“Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang rất quan tâm đến người bị ảnh hưởng do bão số 3. Tôi mong muốn có chính sách làm sao khoanh nợ, giãn nợ, cho vay thêm để khôi phục sản xuất. Nếu không được vay thêm người dân không còn tư liệu sản xuất. Thiên tai là điều không ai mong muốn nên tôi mong sao Nhà nước chia sẻ với người dân và người dân cũng phải chia sẻ với Nhà nước, để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Cầm trên tay bức ảnh khu đất (nay là trang trại vịt) chụp từ hơn 30 năm trước, khi ấy vẫn chỉ toàn cỏ dại, ông Cường nở nụ cười lạc quan: “Từ nơi đồng không mông quạnh, tôi đã gây dựng lên chuồng trại như bây giờ. Nếu tôi gục ngã vì cơn bão số 3, bao nhiêu công sức bấy lâu nay đổ sông đổ biển. Vì vậy, tôi quyết tâm không đầu hàng, bằng mọi cách phải làm lại bằng được”.

Cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 7.600ha lúa, màu bị ngập úng; khoảng 350.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.