| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Thứ Ba 07/05/2024 , 08:30 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Khô hạn kéo dài cùng với giá bán giảm đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PC.

Khô hạn kéo dài cùng với giá bán giảm đã làm cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: PC.

Ảnh hưởng của El Nino, mùa khô năm nay ở Đắk Lắk kéo dài, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Dù xuất hiện mưa chuyển mùa ở một số địa phương nhưng lượng mưa không đáng kể, chưa giải được cơn khát.

Theo các hộ chăn nuôi tại xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tình trạng nắng nóng kéo dài thời gian qua khiến diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp, cho đàn gia súc bị thiếu thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.

Ông Lường Văn Sung, thôn Giang Châu, xã Ea Dăh cho biết, đang nuôi 6 con bò nhưng do thời tiết khô hạn làm cho nguồn thức ăn ngày càng hạn hẹp dẫn đến việc chăn thả gặp khó khăn. “Thời tiết năm nay so với năm trước rất khắc nghiệt, nguồn nước ngầm suy giảm nghiêm trọng, các ao, suối cạn trơ đáy, nhiều rẫy cà phê của người dân địa phương bị chết do thiếu nước tưới”, ông Sung cho hay.

Do thiếu nguồn thức ăn nên đàn bò của một số hộ dân ở Đắk Lắk suy dinh dưỡng. Ảnh: PC.

Do thiếu nguồn thức ăn nên đàn bò của một số hộ dân ở Đắk Lắk suy dinh dưỡng. Ảnh: PC.

Tương tự, ông Ma Đình Túc ở thôn Giang Châu, xã Ea Dăh cũng đang gặp khó khăn khi đàn bò 21 con của gia đình đang bị suy dinh dưỡng do thiếu thức ăn. Nguyên nhân bởi thời tiết khô hạn kéo dài làm cỏ bị khô héo, trong khi 2 sào cỏ voi ông trồng không đủ cung cấp cho đàn bò.

Không chỉ nguồn thức ăn ngày càng hạn hẹp, giá bò giảm mạnh cũng đẩy các hộ chăn nuôi tới khó khăn hơn.

Theo ông Lường Văn Sung, so với những năm trước đây, giá bò năm nay giảm rất mạnh. Nếu như trước đây 1 con bò thịt 400kg ông bán giá hơn 30 triệu đồng nay chỉ còn 20 triệu đồng.

“Giá bò năm nay quá rẻ trong khi giá thịt ngoài chợ vẫn cao. So với cùng kỳ 2023, giá bò hơi được thương lái thu mua khoảng 75.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg”, ông Sung chia sẻ.

Còn ông Ma Đình Tài đầu năm nay bán 8 con bò thịtbò giống nhưng cũng lãi thấp do giá bán giảm cả chục triệu đồng mỗi con. So với các lần bán trước mỗi con bò thịt ông bán với giá 35 - 40 triệu đồng/con, nay chỉ còn 25 -30 triệu đồng/con, tương tự bò giống cũng giảm từ 3-4 triệu đồng/con.

Nhờ chủ động trước nguồn thức ăn nên mùa khô năm nay anh Nguyễn Văn Nguyên không lo thiếu thức ăn cho đàn bò. Ảnh: PC. 

Nhờ chủ động trước nguồn thức ăn nên mùa khô năm nay anh Nguyễn Văn Nguyên không lo thiếu thức ăn cho đàn bò. Ảnh: PC. 

Để bảo vệ đàn gia súc của gia đình trước tình hình khô hạn kéo dài, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Ea Dăh đã chủ động tích trữ nguồn thức ăn từ rơm, rạ và trồng cỏ. Ngoài ra, bổ sung thêm thức ăn tinh kết hợp nuôi nhốt để đàn gia súc vượt qua mùa khô hạn.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, thôn Xuân Hà 1, xã Ea Dăh cho biết, nhận thấy những năm gần đây thời tiết khô hạn diễn ra liên tục nên anh đã chuyển sang nuôi nhốt hoàn toàn thay vì chăn thả. Bên cạnh đó, anh cũng trồng hơn 4 sào cỏ voi và tích trữ thêm rơm khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò trong mùa khô hạn.

“Hiện, gia đình tôi đang nuôi 11 con bò thịt, do chủ động trước nguồn thức ăn nên mùa khô năm nay đàn bò của gia đình không lo thiếu thức ăn. Bên cạnh đó, tôi bổ sung thêm thức ăn tinh để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò. Do giá đang giảm nên tôi tiếp tục nuôi chờ khi giá lên mới xuất bán để gia tăng thêm lợi nhuận”, anh Nguyên cho hay.

Ông Ma Đình Tài cho bò uống thêm bột bắp xay nhuyễn pha với nước nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng sau mỗi ngày chăn thả. Ảnh: PC.

Ông Ma Đình Tài cho bò uống thêm bột bắp xay nhuyễn pha với nước nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng sau mỗi ngày chăn thả. Ảnh: PC.

Tương tự, ông Lường Văn Sung cũng trồng 3 sào cỏ voi và đã tích trữ thêm rơm khô nên ông yên tâm về nguồn thức ăn cho đàn bò ở mùa khô năm nay. Hàng ngày, ông cho bò ăn cỏ tươi kết hợp với rơm khô để đảm bảo duy trì đều đặn 2 loại thức ăn này.

“Để vượt qua thời điểm khó khăn này tôi sẽ không gia tăng số lượng đàn bò để đảm bảo nguồn thức ăn, khi trời bắt đầu mưa lại, nguồn thức ăn dồi dào tôi mới tăng thêm tổng đàn”, ông Sung cho biết.

Mỗi ngày, sau khi đàn bò được chăn thả, ông Ma Đình Tài cho bò uống thêm bột bắp xay nhuyễn pha với nước nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bò. Thời điểm này ông chỉ mong sớm có mưa để cỏ mọc trở lại, đàn bò của ông không còn lo thiếu nguồn thức ăn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.