| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài cuối] Vùng chăn nuôi tập trung là cách tiếp cận không sai

Thứ Sáu 28/06/2024 , 09:05 (GMT+7)

‘Nhiều địa phương đang hiểu sai giữa vùng chăn nuôi tập trung và khu chăn nuôi tập trung’, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói.

Vùng chăn nuôi tập trung khác với khu chăn nuôi tập trung

Nhiều địa phương đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung nhưng đang vướng nhiều khó khăn như giá đất trong các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung không theo giá của nhà nước mà theo giá thị trường hay lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh, quan điểm của ông về vấn đề này?

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vùng chăn nuôi tập trung khác với khu chăn nuôi tập trung. Vùng chăn nuôi tập trung có thể là một huyện, một xã hoặc là liên huyện, liên xã, nơi đó có điều kiện để phát triển được chăn nuôi. Điều này không hề mâu thuẫn.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: 'Chúng ta cần hiểu rõ vùng chăn nuôi tập trung khác với khu chăn nuôi tập trung'. Ảnh: Hồng Thắm.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: "Chúng ta cần hiểu rõ vùng chăn nuôi tập trung khác với khu chăn nuôi tập trung". Ảnh: Hồng Thắm.

Chỉ sợ nhất, mâu thuẫn nhất khi là gọi đó là khu chăn nuôi tập trung như khu công nghiệp, làm hàng rào, làm hạ tầng… rồi đưa ra đó chăn nuôi. Đã có một số nơi làm như vậy, tuy nhiên cách làm này là không đúng.

Việc phát triển vùng chăn nuôi tập trung là cách tiếp cận không sai bởi vì nó liên quan đến vùng chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh… Trong một quốc gia, chúng ta phải chỉ ra được tỉnh nào, khu vực nào có thể phát triển chăn nuôi được. Rồi trong tỉnh ấy sẽ chỉ ra được vùng nào còn quỹ đất, không gian để đảm bảo được môi trường mới tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi ở đó. Cách tiếp cận vừa phải như vậy là không sai.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể khắc phục được những băn khoăn về giá đất, an toàn dịch bệnh như một số ý kiến đã đưa ra, thưa ông?

Luật Chăn nuôi đã quy định khoảng cách tối thiểu của các trang trại với trang trại, khoảng cách tối thiểu giữa các trang trại với khu dân cư… Chẳng hạn, quy định khoảng cách tối thiểu giữa trại quy mô lớn với dân cư, bệnh viện, trường học, chợ búa, nguồn nước sinh hoạt là 450 - 500m; trại quy mô vừa 100 - 200m; trại quy mô nhỏ trên 100m; nông hộ thì đương nhiên rất khó quy định. Luật đã có quy định thì phải thực thi để tránh được những băn khoăn như chúng ta nói ở trên.

Những nỗi lo đó chỉ là một phần thôi. Nhưng nếu chúng ta không có vùng chăn nuôi tập trung thì chắc chắn không thể có vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta không thể xây dựng cả Việt Nam là một nước an toàn dịch bệnh được.

Vùng chăn nuôi tập trung ở đây phải hiểu rằng là một vùng tự nhiên chứ không phải là khu chăn nuôi tập trung. Khu thì nó rất nhỏ, như là khu công nghiệp. Trước kia đã có một số địa phương tiếp cận theo hướng xây dựng khu chăn nuôi tập trung, ví dụ như Bình Định hay Thái Bình đã xây dựng 8 - 10 khu, mỗi khu mấy trăm ha nhưng không thành công. Đấy mới gọi là dồn chăn nuôi vào một chỗ. Dồn vào đấy thì tất nhiên sẽ dẫn đến áp lực về môi trường, dịch bệnh…Còn đây là vùng chăn nuôi tập trung, đấy là nó một vùng tự nhiên có thể là một huyện hoặc có thể là liên huyện. Ví dụ, Nghệ An tôi nói là vùng Tây Nghệ An hay vùng Nam Nghệ An được phát triển chăn nuôi chứ không thể chỉ ra xã A hay xã B.

Chúng ta nên hiểu vùng chăn nuôi tập trung là như vậy để các địa phương quy hoạch nhằm tạo điều kiện về đất đai. Khi đã đưa các trang trại lên những vùng này để chăn nuôi thì phải cấp đất cho người ta. Đất đai ở đây phải là đất nông nghiệp dành cho chăn nuôi, chứ mua đất làm công nghiệp, đất làm đô thị để làm trại chăn nuôi thì không bao giờ cạnh tranh nổi, không thể làm được.  

Luật Chăn nuôi đã đưa ra điều kiện khoảng cách chăn nuôi. Luật Đất đai sửa đổi đã đưa ra danh mục đất dành cho chăn nuôi tập trung thì chúng ta phải dành quỹ đất cho chăn nuôi. Nếu không có quỹ đất cho chăn nuôi thì tôi nghĩ sẽ gặp nhiều bất cập.

Đất chật, người đông, khó mong chăn nuôi biệt lập

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi đến các vùng khuyến khích chăn nuôi là yêu cầu của cả thực tiễn và xu thế, thế nhưng thực tế triển khai đang gặp nhiều vướng mắc, theo ông cần giải “bài toán khó” này như thế nào cho phù hợp?

Những trang trại chăn nuôi đang tồn tại mà đảm bảo được các điều kiện về an toàn dịch bệnh, về môi trường, với cộng đồng dân cư thì vẫn để họ tiếp tục ở đó. Những cơ sở sản xuất kinh doanh chăn nuôi hàng hóa, gọi là trang trại phải thực thi Luật Chăn nuôi. Những cơ sở thuộc diện phải di dời thì đương nhiên phải di dời từ ngày 1/1/2025 vì Nhà nước đã cho 5 năm rồi.

Còn những cơ sở mới đương nhiên phải hướng đến vùng khuyến khích chăn nuôi mà Nhà nước, địa phương hướng tới. Đấy là thực thi cho phát triển bền vững. Để giải quyết được cả thực tiễn và cả xu thế phải theo hướng tiếp cận như vậy.

Những trang trại chăn nuôi đang tồn tại mà đảm bảo được các điều kiện về an toàn dịch bệnh, về môi trường, với cộng đồng dân cư thì vẫn để họ tiếp tục ở đó. Ảnh: Hồng Thắm.

Những trang trại chăn nuôi đang tồn tại mà đảm bảo được các điều kiện về an toàn dịch bệnh, về môi trường, với cộng đồng dân cư thì vẫn để họ tiếp tục ở đó. Ảnh: Hồng Thắm.

Đầu tư chăn nuôi rất tốn kém, bây giờ chăn nuôi đang rất khó khăn. Việc di dời buộc chúng ta phải tính toán rất kỹ. Không gian chăn nuôi của Việt Nam rất hẹp so với thế giới bởi vì mật độ dân số và mật độ vật nuôi của chúng ta đang cao nhất thế giới. Hiện mật độ dân số của nước ta khoảng 315 - 320 người/km2, còn mật độ vật nuôi là từ 0,8 - 1 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp. Vì vậy, chúng ta khó có thể mong chăn nuôi ở riêng một khu vực, một vùng biệt lập được. Việc xen canh trong chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung là không thể tránh khỏi. 

Tuy nhiên để giảm bớt những khó khăn, phát triển lâu dài trước bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp thì quy mô chăn nuôi buộc phải lớn hơn, mà muốn quy mô chăn nuôi lớn hơn, tập trung hơn thì phải xây dựng vùng khuyến khích chăn nuôi để đưa các trang trại lên đó.

Việc này không thể giải quyết được một sớm một chiều. Chúng ta vẫn phải chấp nhận là xen kẽ giữa chăn nuôi với dân cư vẫn còn, nhưng giảm dần để hướng đến những vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi.

Như ông chia sẻ, mật độ dân số và mật độ vật nuôi của chúng ta hiện đang cao nhất thế giới, vậy còn đâu không gian để phát triển vùng khuyến khích chăn nuôi?

Tôi nghĩ tùy từng địa phương. Tôi đang hình dung ra trung tâm chăn nuôi sẽ chuyển dịch dần từ đồng bằng về các tỉnh miền núi Trung du, các tỉnh Tây Nguyên, nơi đó không gian đất đai còn rộng rãi. Vùng duyên hải miền Trung, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc cũng còn không gian đất đai để có thể mở những trại quy mô lớn ở đây. Còn ở đồng bằng chắc chắn khó. Đồng bằng sông Hồng bây giờ bão hòa rồi, đã có đến gần 2 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất khó khăn bởi diện tích đất đai cũng ít. Đông Nam bộ thì mật độ chăn nuôi cũng quá lớn rồi.

Hướng tới xây dựng các vùng khuyến khích chăn nuôi vẫn là con đường tất yếu để hình thành vùng hàng hóa phải vậy không, thưa ông?

Các vùng khuyến khích chăn nuôi trước hết phải đủ điều kiện về khí hậu, đất đai, không gian để gia súc, gia cầm phát triển tốt nhất. Đương nhiên đấy là một lợi thế.

Trong Luật Chăn nuôi đã thiết kế để Việt Nam hình thành 3 vùng, gồm: Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Trong Luật Chăn nuôi đã thiết kế để Việt Nam hình thành 3 vùng, gồm: Vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Thuận lợi thứ hai là chúng ta sẽ có những chính sách để tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta không thể xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cả nước, cả tỉnh được, rải rác quá cũng không làm được, chỉ có thể làm trong vùng lớn, như vậy mới có thể tập trung các chính sách về thú y, các biện pháp về thú y. Nhà nước cũng hỗ trợ, doanh nghiệp cũng hỗ trợ, người chăn nuôi cũng có ý thức để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh thì chúng ta mới hình thành vùng hàng hóa được.

Rõ ràng như vậy việc phát triển vùng khuyến khích chăn nuôi không hề mâu thuẫn nếu chúng ta nhận thức đúng, làm đúng. Đấy mới là một định hướng tích cực chứ bây giờ cứ trải ra, chỗ nào cũng nuôi, chỗ nào cũng dịch, chỗ nào cũng xây dựng vùng an toàn dịch thì không làm nổi.

Phải hình thành vùng chăn nuôi tập trung, như vậy mới có vùng hàng hóa, vùng an toàn dịch bệnh. Nhất định phải làm như vậy. Còn quy mô vùng bao nhiêu, như thế nào thì các địa phương có quyền lựa chọn theo điều kiện đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương và chính sách phát triển là có khuyến khích phát triển chăn nuôi không hay ưu tiên cho các ngành khác.

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: “Nếu chúng ta không có vùng chăn nuôi tập trung thì chắc chắn không thể có vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta không thể xây dựng cả Việt Nam là một nước an toàn dịch bệnh được”.

(thực hiện)

Xem thêm
Nức tiếng vịt suối Tân Sơn

Tôi gốc Vân Đình, từ nhỏ đã biết chế biến các món từ vịt cỏ, lớn lên đi khắp nơi, ăn nhiều loại vịt nhưng vịt suối Tân Sơn vẫn ở một đẳng cấp khác.

Phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất mô hình tôm lúa bền vững

KIÊN GIANG Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong mô hình tôm - lúa giúp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, giảm chi phí.

Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin

Đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ TT-TT tại hội nghị triển khai 'Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025'

Bình luận mới nhất