| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ

Thứ Hai 30/05/2022 , 14:10 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Người dân trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tăng gia sản xuất, chăn nuôi để chủ động nguồn cung lương thực phẩm.

Đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ là hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu, Đồ Sơn khoảng 110 km. Ảnh: Đinh Mười.

Đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ là hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu, Đồ Sơn khoảng 110 km. Ảnh: Đinh Mười.

Thiếu đủ thứ

Vợ chồng anh Đỗ Văn Hồng là thanh niên xung phong ra Bạch Long Vỹ đã nhiều năm theo tiếng gọi thiêng liêng của trái tim để xây dựng và phát triển hòn đảo xa đất liền nhất Vịnh Bắc Bộ. Từ cơ duyên trong một chuyến thăm và tặng con giống vịt biển Đại Xuyên của Đoàn Thanh niên Bộ NN-PTNT mà gia đình anh trở thành hộ chăn nuôi gia cầm ‘chuyên nghiệp’ duy nhất trên đảo.

Ngoài phục vụ cho những bếp ăn tập thể của những đơn vị đứng chân trên đảo, vợ chồng anh Hồng con cung cấp thịt gia cầm cho ngư dân và các đoàn khách ra thăm Bạch Long Vỹ. Có những ngày lượng ngư dân vào tránh trú bão lớn, anh Hồng mổ gà, mổ vịt đến mỏi nhừ cả cánh tay, chuồng trại sạch bách cũng không đáp ứng được hết nhu cầu của bà con ngư dân.

Nhớ lại ngày mới làm quen với con gà, con vịt, anh Hồng cho biết, do khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt lại thiếu thốn đủ bề nên việc chăn nuôi của vợ chồng anh Hồng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí năm đầu tiên dịch bệnh xảy ra khiến cho sự kỳ vọng vào phát triển chăn nuôi bài bản đầu tiên trên đảo Bạch Long Vỹ ngày ấy tưởng chừng như đi vào ngõ cụt.

“Chăn nuôi trên đảo không hề đơn giản và chi phí lớn hơn trong đất liền do không có phương tiện để ấp và thiếu thốn thuốc men nên phải mua con giống từ trong đất liền đã tiêm vacxin đầy đủ thì mới có thể nuôi được”, anh Hồng chia sẻ.

Anh Hồng đã hết sạch đàn vịt biển Đại Xuyên thương phẩm và đang nuôi lứa mới. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Hồng đã hết sạch đàn vịt biển Đại Xuyên thương phẩm và đang nuôi lứa mới. Ảnh: Đinh Mười.

Để khắc phục và tránh hư hao, anh Hồng thường phải mua giống gia cầm từ Hà Nội khi mới 1 ngày tuổi, sau đó gửi ô tô về Hải Phòng rồi tiếp tục gửi tàu hàng ra đảo Bạch Long Vỹ. Hành trình dài dằng dặc này đã nâng giá con giống gia cầm lên cao hơn so với bình thường từ 2.000 - 3.000 đồng/con, chưa kể nếu gặp biển động sẽ xảy ra tình trạng con giống bị chết.

“Khó khăn lắm chú a, phải đi hết chặng này, đoạn kia mới ra đến đảo, chúng tôi hoàn toàn không chủ động được con giống còn cám thì phải cõng thêm giá vận chuyển với giá 1 triệu đồng/tấn”, anh Hồng bộc bạch.

Dù vậy, nhưng theo anh Hồng, chăn nuôi trên đảo cũng có những thuận lợi nhất định. Sau lứa đầu tiên bị dịch bệnh, việc tiêm vacxin cho gia cầm đã được chú ý hơn, dịch bệnh được khống chế và về sau gần như không còn xuất hiện.

Ngoài thức ăn công nghiệp được cho ăn những tháng đầu sau khi đưa con giống ra đảo, lượng đầu cá khổng lồ của ngư dân vứt bỏ được anh Hồng tận tận thu để chế biến thức ăn cho gia cầm. Nhờ chăm sóc tốt, nguồn thức ăn dồi dào và phù hợp nên đàn vịt biển, đàn gà, đàn ngan,... cứ thế lớn cho đến ngày xuất bán.

Người ra vào mua vịt biển Đại Xuyên của vợ chồng anh Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

Người ra vào mua vịt biển Đại Xuyên của vợ chồng anh Hồng. Ảnh: Đinh Mười.

“Chúng tôi bị dịch có năm đầu tiên, về sau một phần do chú ý hơn về thuốc men nên gần như không bị nữa. Nguồn thức ăn từ đầu cá thì rất nhiều, đàn gà, đàn vịt cứ thế lớn thôi”, anh Hồng niềm nở.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, anh Hồng đang chăn nuôi hơn 1.000 gà, vịt biển và ngan. Trung bình mỗi ngày xuất bán cho thị trường trên đảo chỉ được khoảng 20-30 con, mỗi năm vợ chồng anh Hồng có thể thu về hơn 200 triệu sau khi đã trừ mọi chi phí.

Có thể phát triển sản xuất để tự cung tự cấp

Ngư dân trên đảo Bạch Long Vỹ chia sẻ, trong các công việc ở trên đảo, làm nghề cá là phất nhất, ngoài ra hoàn toàn có thể nuôi lợn, trồng rau, nuôi gia cầm, hoặc nấu rượu, cung cấp đồ cho người làm nghề cá,…

Ngoài vợ chồng anh Hồng và hàng chục hộ dân khác, hoạt động chăn nuôi, trồng rau còn tập trung tại các doanh trại quân đội nhằm chủ động hơn nguồn cung lương thực thực phẩm cho đơn vị. Tại khu vực chợ trên đảo, người dân bày bán gần như đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, mắm, muối,… với mức giá xấp xỉ như trong đất liền.

Trồng rau tăng gia sản xuất của một đơn vị bộ đội trên đảo Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng rau tăng gia sản xuất của một đơn vị bộ đội trên đảo Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ cho biết, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên việc phát triển nông nghiệp nói chung trên đảo gặp nhiều khá khó khăn. Người dân chỉ trồng được một số loại rau, nuôi gà, vịt, ngan,… để phục vụ đời sống hằng ngày, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được một phần, còn lại vẫn phải đưa ra từ đất liền.

Với việc chăn nuôi, chủ yếu tập trung tại các đơn vị bộ đội và một số ít hộ dân, do điều kiện xa xôi, đi lại khó khăn nên thuốc thang, vắc xin còn thiếu, vận chuyển con giống ra đảo đắt đỏ nên người dân cũng ngại.

Nếu chỉ để phục vụ người dân trên đảo thì các hộ dân hoàn toàn có thể tự cung tự cấp nhưng để phục vụ lượng lớn ngư dân ra vào giao thương, tránh trú bão gió thì phải nhập thêm từ đất liền. Về lâu dài khó có thể phát triển nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi đủ quy mô để phục vụ nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.

Có thể phát triển sản xuất nông nghiệp đủ quy mô, giúp người dân trên đảo Bạch Long Vỹ tự đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Ảnh: Đinh Mười.

Có thể phát triển sản xuất nông nghiệp đủ quy mô, giúp người dân trên đảo Bạch Long Vỹ tự đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy nhiên, trên đảo hoàn toàn có thể tự chủ được nguồn thức ăn, nếu được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về giống rau, gà, vịt, ngan,… do giá cả vận chuyển đắt đỏ, lại xa xôi, người dân lại thiếu thông tin, có người cả năm mới vào bờ 1 lần.

“Trên đảo thiệt thòi đủ thứ, khí hậu lại khắc nghiệt, những người bám đảo phải hy sinh nhiều thứ, về lĩnh vực nông nghiệp, nếu được quan tâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật tôi nghĩ người dân sẽ đỡ vất vả hơn nhiều và an tâm bám biển”, ông Tường chia sẻ.

Bạch Long Vỹ là hòn đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng khoảng 110km. Đảo có diện tích phần nổi chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam khoảng 3km và chiều rộng chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là 1,5km.

Do nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu đại dương, đồng thời chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt, trước đây thường thiếu nước ngọt. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà trong sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với bình thường.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Người trồng chuối Tết ở Hải Phòng trắng tay

HẢI PHÒNG Dù đã đến thời điểm buôn bán chuối phục vụ Tết Nguyên Đán nhưng năm nay tại Hải Phòng không khí lại ảm đạm, vắng vẻ do hậu quả thiên tai.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất