Mô hình đã mang lại lợi nhuận cho anh Nguyễn Văn Đua ở xã Đức Xương, huyện Gia Lộc, Hải Dương hơn 600 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Đua bộc bạch: Cuộc đời em chỉ được “sang trang” kể từ khi về quê khởi nghề chăn bò sinh sản, kết hợp nuôi trùn quế theo hướng lợi nhuận tuần hoàn khép kín. Trước đó em có 2 năm làm thợ lái máy xúc trên khắp các công trường xây dựng trong nước, rồi lại đi lao động ở Đài Loan 9 năm, nhưng cảnh làm thợ xa nhà, cơm đường cháo chợ, nên cứ ráo mồ hôi là hết tiền...
Kể về bí quyết chăn nuôi được lãi cao, anh Đua tiết lộ: "Tôi thường xuyên nuôi 20 con bò lai Sind sinh sản, phối giống bằng tinh cọng rạ và chăn thả cho ăn tận dụng rơm, cỏ trên đồng, nguồn lợi mấy năm đầu cơ bản vẫn là số bê lai BBB sinh ra từ đàn bò mẹ. Từ năm 2015, thấy lượng phân bò và bê thải ra quá nhiều, bón cho các cây ăn trái vườn nhà không xuể, bán thì quá rẻ, chỉ được 300 đồng/kg khô, đôi khi còn gọi cho không ai muốn lấy. Vì phân bò tươi vận chuyển khá nặng, chất lượng lại không bằng phân phân lợn, phân gà.
Tôi đã quyết định chuyển toàn bộ số phân sang nuôi trùn quế. Nhưng sau nuôi giun quế lại phát sinh khó khăn! Sản phẩm bán cho ai, ở đâu, làm gì? Tìm kiếm nhiều lần trên mạng, không thấy cơ sở nào thu mua giun quế! Tôi đành để cho ngan, gà ăn và chào hàng vài khu vui chơi câu cá giải trí.
Không ngờ chỉ sau 1 năm, lượng giun sản xuất từ trang trại nhà tôi không đáp ứng đủ nhu cầu thương lái đặt mua cho các dịch vụ câu cá thư giãn và người dùng trong chăn nuôi lươn, ba ba. Vào thời kỳ cao điểm, riêng bán cho người mua câu cá cũng được 30kg giun quế mỗi ngày, tương ứng lợi nhuận thu về 3 triệu đồng/ngày, ngoài ra chưa kể bán sinh khối cho các hộ phát triển chăn nuôi giun trong khu vực.
Đặc biệt chất thải sau nuôi giun quế (phân bò và mùn bã hữu cơ) rất có giá, được tới 3.000 đồng/kg, giá trị tăng cao gấp 10 lần bán phân bò nguyên khô, hầu hết những người mua phân này để trồng rau sạch và hoa cây cảnh. Có như thu được lợi nhuận tuần hoàn khép kín "4 trong 1" – Chăn bò lãi bê, lãi giun quế, lãi sinh khối trùn quế, và lãi phân hữu cơ sinh học thải loại từ nuôi giun quế.
Hiện nay có khá nhiều nhà nông xã Đức Xương và phụ cận đã học và làm theo mô hình chăn nuôi lợi nhuận 4 trong 1 của anh Đua. Nhưng mỗi năm anh Đua vẫn được lãi đều đặn từ xuất bán 20 bê lai BBB trị giá 300 triệu đồng, 40 tấn phân hữu cơ trùn quế sinh học 120 triệu đồng, 250kg giun quế 200 triệu đồng và khoảng 50 triệu đồng từ bán (7- 10 tấn) sinh khối trùn quế cho các hộ mở nghề chăn nuôi loại đặc sản này. Như vậy, tổng lợi nhuận thu được của anh Đua đã vượt 620 triệu đồng/năm. Có nghĩa anh Đua vẫn còn khiêm tốn với các nguồn lợi có được.
Để đảm bảo chăn nuôi luôn cho lãi cao, vào cuối vụ thu hoạch xuân, mùa hàng năm, anh Đua lại thuê người đi thu gom hoặc mua lại rơm rạ của nông dân bỏ lại trên đồng, mang về xếp đống trong vườn nhà cho mục, rồi dùng dần cho nuôi trùn quế. Đồng thời nhượng lại 0,5ha ruộng (khoán 10) của các hộ không có nhu cầu canh tác, để trồng cỏ voi cho nuôi bò...