| Hotline: 0983.970.780

Trang trại bò sữa nổi tuần hoàn ở Hà Lan

Thứ Ba 13/12/2022 , 10:41 (GMT+7)

Trang trại bò sữa nổi ở thành phố cảng Rotterdam dùng năng lượng từ các tấm pin mặt trời, tự lấy nước mưa và tái chế phân, mỗi năm sản xuất khoảng 320.000 lít sữa.

Đây là mô hình chăn nuôi tuần hoàn, chống chịu biến đổi khí hậu và lũ lụt nguy cơ đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm, được ví là giải pháp bền vững, đồng thời cũng là trang trại nổi đầu tiên trên thế giới ở Hà Lan.

Mô hình được hình thành từ năm 2019 tại thành phố cảng Rotterdam, khi cặp vợ chồng anh Peter và Minke van Wingerden sáng lập, với ý tưởng có thể tạo ra một trang trại có thể chống chịu được những tác động của biến đổi khí hậu - cụ thể là nạn lũ lụt vốn rất phổ biến ở quốc gia nằm dưới mực nước biển và khan hiếm tài nguyên nhất thế giới.

Chủ nhân của trang trại bò sữa nổi, anh Peter- một kỹ sư từng trải qua hậu quả của cơn bão Sandy hồi năm 2012 ở New York (Mỹ), nơi anh lúc đó đang thực hiện một dự án nhà nổi. Cặp vợ chồng này cho biết, lúc đó đã chứng kiến hàng nghìn chiếc xe tải chở thực phẩm tươi sống đến thành phố New York hàng ngày nhưng không thể vào được thành phố vì nước lũ dâng cao, trong khi người dân New York đang cạn kiệt thực phẩm.

Sau đó, cặp đôi này bắt đầu nghiên cứu một giải pháp tự cung cấp thực phẩm cho các thành phố phụ thuộc vào chuỗi cung ứng thực phẩm và dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Và các trang trại nổi có thể là giải pháp duy trì nguồn cung cấp thực phẩm trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Câu trả lời là một trang trại bò sữa nổi có trụ sở tại quê nhà Rotterdam đã “mọc lên”, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, đồng thời sử dụng công nghệ mới để mang lại một nền nông nghiệp tự chủ, bền vững.

Rotterdam, một trong những thành phố của Hà Lan dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng cao đã được chọn làm nơi thí điểm mô hình này bằng một trang trại bò sữa nổi quy mô ba tầng gồm, tầng chuồng trại, tầng chứa phân và một tầng dành riêng để hứng nước mưa.

Trang trại bò sữa nổi này gần như hoàn toàn tự túc về năng lượng: nó tạo ra toàn bộ điện từ các tấm pin mặt trời và lấy nước ngọt từ hệ thống thu gom và lọc nước mưa tích hợp.

Toàn bộ 32 con bò sữa được cho ăn cỏ khai thác tận dụng từ các sân chơi và sân gôn ở thành phố Rotterdam, sau đó được bổ sung bằng các sản phẩm thức ăn dư thừa như vụn khoai tây bỏ đi và phân, nước tiểu của chúng được tái chế để sử dụng làm phân bón.

Sức khỏe của vật nuôi cũng là mối quan tâm của chủ trang trại. Mỗi con bò sữa đều có chuồng riêng trên trang trại nổi và chúng có thể tự do đi lại để đảm bảo quyền và phúc lợi động vật…

Trang trại bò sữa nổi này vẫn phát triển tốt ba năm qua và số lượng bò sữa ban đầu 32 con và hiện đã tăng lên khoảng 40 con (sức chứa tối đa của chuồng nổi). Điều đặc biệt nữa là trang trại bò sữa nổi này không cần bất kỳ nhân viên vắt sữa bò nào, bởi nhiệm vụ này đã được giao phó hoàn toàn cho các robot tự động.

Theo Beladon, công ty Hà Lan đã xây dựng trang trại, mỗi năm họ sản xuất khoảng 320.000 lít sữa tươi, được bán tại chỗ và trên toàn quốc. Một cửa hàng nhỏ trên đất liền cho phép người dân địa phương có thể mua sản phẩm trực tiếp ngay từ nguồn, trong khi du khách nước ngoài cũng thường xuyên đến tham quan trang trại theo nhóm, như một mô hình mẫu để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.

Các trang trại nổi cũng mang lại những lợi thế khác, bao gồm ít tác động đến các nguồn tài nguyên như đất nông nghiệp và môi trường. Điều này làm cho chúng trở thành một giải pháp hấp dẫn ở những nơi khan hiếm đất đai.

Hiện cặp vợ chồng Peter và Minke van Wingerden đang lên kế hoạch mở rộng dự án của họ sang một trang trại nổi thứ hai, chuyên nuôi gà và trồng rau.

(ERN)

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, ong mật dập dìu về làm tổ

BÌNH PHƯỚC Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn bưởi của HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp thu hút rất nhiều ong mật về làm tổ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.