| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai khởi nghiệp với ốc nhồi

Chủ Nhật 08/05/2022 , 17:02 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Nuôi cua đồng thất bại, anh Hội chuyển sang học hỏi nuôi ốc nhồi. Sau một số thất bại ban đầu, anh đã nuôi thành công, cho thu nhập ổn định.

Trước khi nuôi ốc nhồi, anh Huỳnh Ngọc Hội (sinh năm 1989) ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nuôi cua đồng. Tuy nhiên, nuôi cua đồng chi phí khá tốn kém, đầu ra không ổn định, giá cả lại thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Anh Hội tìm hiểu, nhận thấy nguồn ốc nhồi có giá trị dinh dưỡng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cả lại khá cao nên anh quyết định chuyển sang nuôi ốc nhồi.

Anh Hội kiểm tra ao nuôi ốc nhồi của gia đình. Ảnh: Quốc An.

Anh Hội kiểm tra ao nuôi ốc nhồi của gia đình. Ảnh: Quốc An.

Anh Hội xuống các tỉnh miền Tây tham quan, học hỏi kỹ thuật, đồng thời tìm hiểu thêm trên internet để phát triển mô hình này. Năm 2018, anh mua khoảng 20.000 ốc giống về nuôi trên diện tích có sẵn 350m2 mà trước đây anh sử dụng nuôi cua. Gần nửa năm sau, anh đã thu hoạch lứa ốc đầu tiên. Tuy nhiên, do lần đầu nuôi ốc chưa có kinh nghiệm nên ốc bị bệnh chết nhiều. Ốc nhồi hay mắc các bệnh như mòn vỏ, sưng vòi, bệnh đường ruột. Sau những lần thất bại, anh rút ra những kinh nghiệm cần thiết khi nuôi ốc.

“Nuôi ốc nhồi đòi hỏi lượng nước nuôi bảo đảm vừa đủ, hàng tháng phải thay nước cho ao nuôi, làm sạch bèo, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao; chú ý đến nguồn thức ăn không để thừa làm ô nhiễm môi trường sống của ốc… Ốc con, ốc bố mẹ ăn các loại thực vật thân mềm, bầu bí, mướp, lá môn, lá mì. Mỗi ngày cho ăn một lần, tránh tình trạng để dư hoặc thiếu thức ăn.

Thức ăn xanh đối với ốc bố mẹ để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn. Ốc nuôi tầm 6 tháng là sinh sản, sau đó gom trứng cho vào thùng xốp tự ấp 15 ngày là nở, 15 ngày sau có thể bán giống cho khách”, anh Hội chia sẻ.

Nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện Buôn Đôn đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi ốc nhồi của anh Hội. Ảnh: Quốc An.

Nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện Buôn Đôn đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi ốc nhồi của anh Hội. Ảnh: Quốc An.

Cũng theo anh Hội, ốc nhồi cũng có thể nuôi trong các bể bằng xi măng, bể bằng bạt nhưng với những loại bể này người nuôi cần bổ sung thêm các chất canxi, khoáng và trồng thêm các loài thực vật như rau rút, bông súng, rong tảo để tăng độ mát cho ao cũng như tạo nhiều chỗ bám cho ốc. Ngoài ra, phía trên ao cần che bằng lưới đen nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp xuống ao nuôi.

Sau hơn 3 năm nuôi ốc nhồi, đến nay anh Hội đã mở rộng diện tích nuôi ốc lên 1.500m2 và đang dự kiến mở rộng thêm diện tích đồng thời triển khai thêm các dịch vụ đi kèm với ốc nhồi. Hiện trong ao của gia đình anh lúc nào cũng có khoảng 1 tấn ốc thương phẩm; 30 đến 40 vạn ốc giống. Mỗi tháng gia đình anh Hội cung cấp ra thị trường 10 vạn ốc giống với giá 300 đồng/con. Cứ 4 tháng bán ra thị trường 1 tấn ốc thương phẩm, với giá 60 - 70 nghìn đồng/kg; trứng ốc dao động khoảng 1 triệu đồng/kg.

Trên diện tích nuôi ốc khoảng 1.000m2, sau khi trừ chi phí, anh Hội có thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm. Ốc của anh Hội thu hoạch tới đâu được mua đến đấy. Ngoài bán trong tỉnh, anh Hội còn gửi ốc bán đến các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Nông, Phú Yên, TP. HCM…

Nhận thấy hiệu quả của mô hình ông nhồi, đã có gần 20 thanh niên, nông dân trên địa bàn huyện Buôn Đôn mua giống và học hỏi nuôi kinh kinh nghiệm nuôi ốc nhồi của anh Hội để nuôi ốc. Những hộ mới chăn nuôi ốc đều được anh tư vấn, hướng dẫn một cách nhiệt tình.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.