| Hotline: 0983.970.780

Ốc nhồi dễ nuôi, tiêu thụ dễ, lãi cao

Thứ Bảy 29/05/2021 , 15:41 (GMT+7)

Ốc nhồi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu chỉ là bèo tấm, các loại rau xanh, ngũ cốc... Tuy nhiên, đây là sản phẩm đang có nhu cầu tiêu thụ lớn, lãi cao.

Ốc nhồi (còn gọi là ốc lồi) bản địa vùng đồng chiêm trũng Hà Trung (Thanh Hóa) đã đi vào đời sống dân gian: “Muốn ăn cua giốc ốc lồi/Đem con mà gả cho người đồng chiêm” lưu truyền tới bây giờ như một thông điệp về con ốc nhồi vốn là tiềm năng vùng đất Hà Trung trước đây, nay đang trở thành sản phẩm hàng hóa.

Ốc nhồi hiện là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc nhồi thương phẩm đang là hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ốc nhồi dễ nuôi, không tốn chi phí đầu tư nhưng cho hiệu quả rất cao. Ảnh: LNC.

Ốc nhồi dễ nuôi, không tốn chi phí đầu tư nhưng cho hiệu quả rất cao. Ảnh: LNC.

Hà Sơn hiện là một trong các xã có số người và số diện tích nuôi ốc thương phẩm nhiều nhất (với 9 hộ nuôi) cùng với nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) nay chuyển sang nuôi ốc nhồi thương phẩm, tiêu biểu như ông Nguyễn Xuân Bắc 5 sào, Phạm Hồng Hiền, Nguyễn Xuân Hải (mỗi hộ 3 sào), ông Trần Văn Bình 4 sào... Nhiều hộ dân ở xã Yến Sơn (huyện Hà Trung) cũng nuôi ốc nhồi vây lưới, đạt mức thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng/sào (trừ chi phí), lợi nhuận đem lại gấp 2 - 3 lần so với một số con thủy sản khác.

Vừa qua, UBND huyện Hà Trung đã triển khai mô hình liên kết nuôi ốc nhồi thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm ở xã Yên Dương. Mô hình đánh giá khả năng thích ứng, năng suất, thu nhập và hiệu quả kinh tế của giống ốc nhồi có nguồn gốc từ Công ty TNHH Giống thủy sản Tâm Phúc (huyện Yên Định), chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi ốc nhồi thương phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trước khi triển khai, 2 hộ nông dân được lựa chọn là ông Lê Văn Tuy và ông Lê Xuân Đấu (xã Yên Dương) đã ký cam kết tham gia thực hiện mô hình (cùng với 20 hộ khác trong xã) được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Hội Nông dân huyện tập huấn phổ biến kiến thức kỹ thuật nuôi ốc nhồi thương phẩm.

Theo đó, ông Tuy đã sử dụng 800 m2 đất trang trại làm ao nuôi, đồng thời tiếp nhận số lượng 80.000 con ốc giống; ông Đấu sử dụng 700 m2 đất trang trại để làm ao nuôi và tiếp nhận 70.000 con ốc giống.

Mỗi sào ốc nhồi trừ chi phí, có thể cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Ảnh: LNC.

Mỗi sào ốc nhồi trừ chi phí, có thể cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Ảnh: LNC.

Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ miễn phí về giống và kỹ thuật. Trước khi thả ốc giống, ao nuôi được nạo vét sạch, rải vôi bột để trung hòa lượng pH nhằm loại bỏ các loại cá chép, cá trắm, ba ba có thể ăn ốc.

Bờ ao được phát quang bụi rậm tránh chuột làm tổ và tiện lợi khi thu hoạch. Trong ao thả bèo, rau muống để làm tăng độ mát cho ao và tạo nhiểu chỗ bám cho ốc. Mực nước trong ao duy trì từ 0,8-1,5m. Độ pH đo được là 6,5 - 8; oxy hòa tan đạt ngưỡng cho phép, mật độ thả ốc giống 100 con/m2 ao, trọng lượng từ 0,4 - 0,6 gram/con.

Ốc giống được chọn đều khỏe mạnh, chất lượng tốt, vỏ không bị sứt, dập, đỉnh vỏ màu tươi sáng. Khi thả ốc giống, lấy nước trong ao nuôi đổ vào chậu, thả giá thể (bèo cái, lá sắn...) và bỏ ốc vào chậu ngâm từ 10 - 15 phút để cân bằng môi trường sống, khi thả cho nước vào chậu rồi từ từ thả ốc giống xuống ao nhẹ nhàng để tránh xây sát sứt vỏ hư hỏng ốc...

Thức ăn chủ yếu của ốc nhồi là bèo tấm, các loại rau xanh, ngũ cốc. Ốc có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và phân bố không đều trong ao nuôi, thường tập trung ở một số khu vực trong ao. Vì vậy, cần tạo địa hình, độ nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống cho ốc và dễ dàng theo dõi cũng như chăm sóc ốc.

Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đang hướng xây dựng nghề nuôi ốc nhồi thành sản xuất hàng hóa, gắn với sản phẩm OCOP. Ảnh: LNC.

Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đang hướng xây dựng nghề nuôi ốc nhồi thành sản xuất hàng hóa, gắn với sản phẩm OCOP. Ảnh: LNC.

Sau khi thả ốc giống đến khi 2 tháng tuổi, chưa cần thay nước. Đến tháng nuôi thứ 3, cứ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 3/4 lượng nước trong ao.

Tại các hộ nuôi trong mô hình ở xã Yên Dương, do thực hiện tốt việc quản lý, kỹ thuật chăm sóc nên ốc sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, khỏe mạnh. Ốc nuôi từ 3 - 4 tháng đạt trọng lượng ốc thương phẩm từ 25 - 30 con/kg thì bắt đầu thu hoạch. Dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con ốc to (vào buổi sáng) vì ốc bám vào lá thực vật, lá sắn, rễ bèo để ăn nên việc thu hoạch dễ dàng...

Theo tính toán của các hộ trong mô hình, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 61 triệu đồng/sào (tăng trên 20 triệu đồng/sào so với nuôi theo kinh nghiệm hiện nay). Ngoài hiệu quả kinh tế, kỹ thuật nuôi ốc nhồi khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp. Thức ăn chủ yếu cho ốc là các loại rau thực vật sạch dễ trồng, nuôi ốc nhồi không có tác động xấu đến môi trường sinh thái...

Huyện Hà Trung vừa qua đã tập huấn kỹ thuật cho 70 hộ đang nuôi và hộ có nhu cầu nuôi ốc nhồi để tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm (OCOP).

Vào mỗi sáng sớm, ốc thường nổi lên mặt nước, bám vào lá sắn, bèo để ăn nên người nuôi có thể biết được ốc tập trung ở khu vực nào nhiều hơn, tránh để dư hoặc thiếu thức ăn.

Thức ăn cho ốc phải sạch, để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám dưới mặt lá để ăn. Mỗi ngày, chỉ cho ăn thức ăn tinh (ngũ cốc) 1 lần. Điều chỉnh lượng thức ăn theo khả năng ăn của ốc (từ 0,5-1% khối lượng ốc trong ao).

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.