| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi ốc nhồi trên diện tích rất nhỏ

Thứ Hai 28/03/2022 , 15:09 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, nuôi ốc nhồi trở thành hướng phát triển kinh tế mới mang lại nhiều ích lợi cho đồng bào vùng cao Thái Nguyên.

Nuôi ốc nhồi là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào xã vùng cao Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nuôi ốc nhồi là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào xã vùng cao Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhất cử lưỡng tiện

Ban đầu, hầu hết những hộ dân tìm đến nghề nuôi ốc nhồi đều xuất phát từ việc tận dụng diện tích ao hồ nhỏ để chăn thả. Với những thành quả bất ngờ thu được, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi, nhiều hộ, nhóm hộ chủ động đầu tư bài bản quy mô để có sản lượng và thu nhập cao.

Ông Đinh Đình Thành (xóm Kha Bình Lâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ đầu tiên nuôi ốc nhồi tại địa phương.

Ông Thành công tác tại Trạm y tế xã Kha Sơn. Gia đình ông có 4 sào ao thả cá. Do công tác xã hội nên ông không có nhiều thời gian để chăm sóc ao cá. Năm 2018, qua thông tin đại chúng, thấy việc nuôi ốc nhồi nhàn nhã mà lại cho thu nhập tốt, ông quyết định nuôi thử.

Từ 4 sào ao, qua năm đầu tiên, ông đã thu về 200 triệu đồng. Ông Thành cho mở rộng diện tích lên 7 sào, khoan giếng lấy nước sạch để thay nước cho ao nuôi. Ngoài bán ố thương phẩm, ông Thành còn thu trứng ốc để bán ốc giống. Đầu năm 2021, giá ốc giống cao với mức 4 - 5 triệu đồng/1 vạn con đã mang lại cho ông thành nguồn thu tới 300 triệu.

Cũng như ông Thành, ông Lương Văn Vui (xóm Tân Thành, xã Kha Sơn) tìm đến việc chăn nuôi ốc nhồi ban đầu đơn giản chỉ là tận dụng diện tích mặt nước và thời gian rảnh rỗi khi đã nghỉ hưu. Ông Vui cẩn thận tìm hiểu kỹ thuật ươm giống, nuôi thả rồi mới vệ sinh ao nuôi. Ban đầu, ông Vui mua 10 kg trứng ốc về tự ấp nở cho ra ốc giống.

Ngay vụ đầu tiên, ông đã thu được 2 tạ ốc thương phẩm và nguồn giống cho vụ chăn nuôi tiếp theo. Năm 2021, ông thu được 6 tạ ốc thương phẩm và để lại 3 tạ để lấy giống cho năm tiếp theo. Cùng với nguồn thu từ bán ốc giống, năm 2021, ông Vui bỏ túi hơn 300 triệu đồng do ốc nhồi mang lại.

Hộ chăn nuôi ốc nhồi có quy mô và kỹ thuật bài bản tại huyện Phú Bình được nhiều người biết đến là anh Trần Mạnh (xóm Hoàng Mai 2, xã Tân Khánh). Chỉ qua 2 vụ chăn nuôi, mô hình của anh Mạnh đã trở thành trang trại giống ốc được nhiều khách hàng tìm đến học hỏi kinh nghiêm và mua giống về chăn thả.

Anh Mạnh cho biết, ngay từ ban đầu, anh đã có sự đầu tư kỹ lưỡng để chăn nuôi trên diện tích gần 1 mẫu ao. Với số tiền 40 triệu mua giống ốc, qua vụ chăn nuôi đầu tiên, anh Mạnh không những thu hồi đủ vốn mà còn để ra được 100 triệu cộng với nguồn giống đủ cho kế hoạch chăn nuôi năm tiếp theo. Anh Mạnh quyết định đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi lên thành 7.000 mét vuông.

Ngoài bán ốc thương phẩm, quy mô chăn nuôi của anh Mạnh đã cung ứng ốc giống cho khách hàng đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, nguồn thu từ ốc nhồi của gia đình anh Mạnh xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Anh Mạnh cho biết, ngoài đầu tư ao nuôi và mua giống ban đầu, nuôi ốc không tốn nhiều chi phí vì nguồn thức ăn của ốc chủ yếu là bèo nên người nuôi có thể tự cung cấp được. Về công chăm sóc,  nghề này cũng không đòi hỏi nhiều công lao động, mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần khi thấy lượng thức ăn đã hết. So với những loài vật nuôi khác thì ốc nhồi dễ chăm sóc và cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.

Ốc nhồi cho phép tận dụng những diện tích xen kẹp nhưng lại mang đến hiệu quả cao cho bà con nông dân Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ốc nhồi cho phép tận dụng những diện tích xen kẹp nhưng lại mang đến hiệu quả cao cho bà con nông dân Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trở thành hàng hóa giá trị kinh tế cao

Nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được đồng bào các địa bàn vùng cao của Thái Nguyên áp dụng. Năm 2020, anh Ma Đình Khoá (xóm Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hoá) đầu tư 20 triệu mua ốc giống về nuôi với diện tích ban đầu là 2 sào. Vụ này, anh Khoá thu được 50 triệu đồng từ việc bán trứng và ốc giống.

Đến năm 2021, anh có trên 100kg ốc bố mẹ mỗi ngày cho thu hoạch từ 3 đến 5 kg trứng, giá trứng dao động từ 400.000 đến 1.000.000 đồng/kg, thời gian cho thu hoạch trứng từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm.

Năm 2021, thu nhập từ nuôi ốc của gia đình đạt trên 100 triệu đồng. Anh Khoá cho biết, việc nuôi ốc nhồi đơn giản, dễ nuôi, dễ chăm sóc, với thức ăn cho ốc chủ yếu là chất xanh, như phụ phẩm nông nghiệp như hoa quả, bèo tấm, cây ráy, các loại rau, cỏ...

Tìm đến nghề nuôi ốc nhồi từ khá sớm, đến nay, anh Lường Văn Dũng (xóm Suối Bén, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương) rất tự tin vào kỹ thuật chăm sóc và gây giống ốc của mình. Với quy mô 15 vạn ốc nhồi giống, hàng năm, anh Dũng thu hoạch ốc nhồi thương phẩm với sản lượng đạt 3 tấn, thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. 

Anh Dũng cho biết, ốc nhồi là loài vật nuôi có sức đề kháng tốt, sống hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên nên không mấy khi bị bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc các bệnh về sưng vòi khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng sang mưa. Đối với loại bệnh này thì cách xử lý tương đối đơn giản, chỉ cần vớt ốc bệnh ra rồi khử trùng và thay thế nguồn nước là được.

Trung bình mỗi tuần nên thay nước từ 1 - 2 lần. Ưu điểm của ốc là không ăn nhiều, thích hợp với thời tiết mát mẻ do đó điều quan trọng là nguồn nước trong ao phải sạch và đảm bảo nước làm mát cho ốc. Ngoài ra, ốc nhồi còn hay bị mòn vỏ, do đó để tránh việc này, cần giữ được độ kiềm cũng như độ pH ổn định trong nước để khi bán không bị mất giá.

Ở xã vùng cao Thượng Nung (huyện Võ Nhai), mô hình nuôi ốc nhồi được một số hộ dân thực hiện từ năm 2018. Hiệu quả thấy rõ, đồng bào truyền nhau cách thực hiện. Đến nay, đã có hơn 50 hộ của xã vùng cao ở đây tham gia sản xuất. Chị Ân Thị Hội (xóm Lục Thành, xã Thượng Nung) cho hay, nguồn giống ốc được mua ngay tại địa bàn.

Các hộ dân có ao thì tận dụng, một số hộ không có ao thì chuyển đổi. Cuối năm 2020, sau khi tham gia lớp tập huấn tại xã, ngoài 1 sào ao có sẵn, gia đình chị Hội đào thêm 2 sào ao để có 3 ao nuôi quy cách. Đầu năm 2021, chị Hội mua 250.000 đồng/kg ốc giống về để nuôi. Ốc đẻ trứng được tách ra 2 ao bên cạnh. Một ao ốc thương phẩm, một ao ốc ươm trứng.

Theo chị Hội, ngoài mua giống tại chỗ, nuôi ốc nhồi cho phép chăm sóc tại chỗ, tạo thức ăn và bán cũng tại chỗ. Ốc nhồi có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, chỉ là bèo tấm, rau xanh, lá ráy, khoai lang,...toàn là những loại thức ăn thuộc về vùng cao. Vào mùa ốc đẻ trứng rộ, chị Hội bán giống cho bà con với giá 500.000 đồng/kg trứng.

Trước đó, thời điểm đầu năm, giá trứng có khi lên tới trên dưới một triệu/kg nhưng chị phải để lại để gây ươm ốc thương phẩm. Tuy nhiên, nhờ bán ốc giống mà chị đã thu hồi được nguồn vốn 50 triệu đồng đầu tư ban đầu. Thành quả còn lại là ao ốc giống và một ao nuôi ốc thương phẩm. Chị Hội nhẩm tính, với khoảng 1 tấn ốc thương phẩm còn lại, gia đình chị sẽ có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng vào cuối năm.

Anh Nguyễn Duy Linh, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, phụ trách xã Thượng Nung cho biết, mỗi hộ nuôi ốc theo quy trình khép kín ở xã Thượng Nung có thể thu về từ 100 - 200 triệu đồng/năm từ khoảng 3 sào diện tích. Cá biệt, có một số gia đình thu về 200 - 300 triệu đồng mỗi năm do nuôi trên diện tích lớn hơn như các hộ ông Lương Quốc Hùng, Lương Văn Biền (xóm Trung Thành), anh Ma Duy Khánh, Nguyễn Duy Sáng (xóm Tân Thành)...

Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết, nuôi ốc nhồi như một cứu cánh mới với đồng bào vùng cao. Hướng đi đó đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt là người dân miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, việc nhân rộng những mô hình nuôi ốc nhồi rất khả thi, phù hợp với những diện tích ao nuôi cá kém hiệu quả và ruộng, đất trũng chủ động được nguồn nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tận dụng được phế phẩm nông nghiệp.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.