| Hotline: 0983.970.780

Chanh leo xua đuổi đói nghèo

Thứ Hai 28/10/2024 , 07:30 (GMT+7)

Sơn La Tại bản Chi (xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn), cây chanh leo mang lại kinh tế cao, thay đổi cuộc sống của bà con, nhờ kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ.

Anh Lò Văn Sam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Sam. Ảnh: Đức Bình.

Anh Lò Văn Sam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Sam. Ảnh: Đức Bình.

Dọc con đường dẫn lên UBND xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La), mọi người đều biết anh Lò Văn Sam, người được mệnh danh là "đại gia chanh leo".

Xã Chiềng Lương đón nhiều bà con thuộc vùng tái định cư của thủy điện Sơn La, nơi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Họ chủ yếu dựa vào các cây ngô, mía để sinh kế, nhưng giờ đây tư duy đã dần thay đổi nhờ mô hình trồng chanh leo của anh Sam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bảo Sam.

Trước khi đến với chanh leo, anh Sam đã gắn bó với những cây trồng truyền thống như ngô và mía. Tuy nhiên, nhận thấy lợi nhuận từ các cây này thấp, anh quyết định thử nghiệm trồng 100 gốc chanh leo trên 1.000m² đất vào năm 2017. Anh chia sẻ, chanh leo rất thích hợp với khí hậu vùng cao, nơi nhiệt độ ban ngày khoảng 30-33 độ C và ban đêm xuống 17-18 độ C, giúp quả phát triển tròn, đẹp, vị vừa chua vừa ngọt. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh thu được 3 tấn chanh leo, bán với giá 30.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng, anh Sam khởi xướng thành lập HTX Nông nghiệp Bảo Sam nhằm giúp bà con cùng phát triển kinh tế. Mô hình của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân chuyển đổi cây trồng. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích trồng lên 7ha và tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Yêu cầu quả chanh leo phải tròn và không có vết loang khi thu hoạch. Ảnh: Đức Bình 

Yêu cầu quả chanh leo phải tròn và không có vết loang khi thu hoạch. Ảnh: Đức Bình 

Tháng 3-4 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất để trồng chanh leo, khi mùa mưa bắt đầu. Cây mất khoảng 5 tháng từ lúc trồng đến thu hoạch, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Quy trình trồng và chăm sóc chanh leo được anh Sam thực hiện cẩn thận, từ khâu đào hố thường sâu 40cm, rộng 60cm, sử dụng phân chuồng (15kg) và phân N-P-K (300gr) để bón vào các gốc. 

Sau khi trồng cây giống, anh cùng công nhân chăm sóc kỹ lưỡng bằng việc tưới nước đều đặn và sử dụng phân hữu cơ sinh học như đạm cá, humic và trung vi lượng khác. Trong suốt quá trình phát triển của cây, anh tiếp tục bổ sung phân bón và điều chỉnh giàn leo để đảm bảo quả phát triển đồng đều.

Vào mùa mưa, chanh leo dễ mắc nấm và sâu bệnh. Để khắc phục, anh sử dụng thuốc trừ nấm và sâu sinh học định kỳ 7-10 ngày/lần. Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc, mỗi hecta chanh leo của anh có thể thu hoạch từ 30-35 tấn quả. Với giá bán dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ha, anh thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ha.

Chanh leo của HTX Bảo Sam luôn có đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP.HCM. "Họ tự tìm đến mình để mua, chứ không phải đi chào hàng" anh Sam tự hào chia sẻ. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn được xuất khẩu sang New Zealand, Pháp, Mỹ, những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, từ kích thước quả đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Chính vì vậy, anh luôn tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong canh tác và không ngừng đầu tư vào công nghệ cũng như quy trình sản xuất sạch hơn, chuyên nghiệp hơn. Anh mong muốn thương hiệu chanh leo của Việt Nam sẽ sớm được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Với khát vọng đưa thương hiệu chanh leo Việt Nam ra thế giới, anh Lò Văn Sam đang từng bước đóng góp phát triển kinh tế cho cộng đồng, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều bà con tại bản Chi, xã Chiềng Lương.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.