| Hotline: 0983.970.780

Chặt cây, san ủi đất rừng để cho thuê?

Thứ Ba 11/01/2022 , 09:50 (GMT+7)

Một công ty ở Đăk Lăk được giao quản lý bảo vệ rừng nhưng để xảy ra trình trạng san ủi trái phép hàng chục ha đất rừng rồi cho thuê.

Năm 2010, Công ty TNHH Minh Hằng được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê đất với diện tích 983ha tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp để thực hiện dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng với thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, sau thời gian được giao đất rừng, Công ty Minh Hằng đã để xảy ra tình trạng cưa hạ cây, san ủi đất rừng với diện tích hàng chục ha.

Chặt cây, cày xới đất rừng

Theo quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk, Công ty Minh Hằng được giao 983ha đất trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 13,49ha; đất lâm nghiệp 934,20ha; đất chưa sử dụng là 35,31ha.

Công ty Minh Hằng chỉ được trồng 100ha cao su tại những vị trí đất trống, rừng nghèo cây thưa thớt. Đối với diện tích đất và rừng còn lại, công ty có trách nhiệm lập phương án và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, diện tích cao su tại công ty này không phát huy hiệu quả kinh tế. Do đó, một phần diện tích cao su đang được công ty san ủi để cho người dân thuê trồng sắn, dưa hấu. Ngoài diện tích 100ha trồng cao su, nhiều đối tượng còn đưa máy móc vào tổ chức san ủi đất rừng để cho thuê trồng cây ngắn ngày.

Nhiều cây rừng tại lâm phần của Công ty Minh Hằng quản lý bị cưa hạ. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều cây rừng tại lâm phần của Công ty Minh Hằng quản lý bị cưa hạ. Ảnh: Quang Yên.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại lâm phần được giao cho Công ty Minh Hằng quản lý, có nhiều khoảnh cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang, đất rừng có diện tích khoảng vài ha đến vài chục ha bị san ủi, lấn chiếm. Tại tiểu khu 213 thuộc lâm phần do Công ty Minh Hằng quản lý hàng chục cây đường kính từ 20 - 50cm có dấu mới vừa bị cưa hạ. Nhiều đống gỗ được cắt khúc có chiều dài gần một mét nằm lọt thỏm giữa rừng.

Người dân tại đây cho biết, nhóm san ủi, cưa cây rừng do Công ty Minh Hằng thuê quản lý, bảo vệ diện tích rừng được nhà nước giao. “Họ cắt hạ cây rừng trước rồi san ủi đất sau. Tình trạng chặt cây, ủi đất rừng diễn ra mấy tháng nay nhưng không thấy ai bị xử lý”, người dân nói.

 “Có bảo kê, tiếp tay không thì tôi không biết. Thế nhưng, tôi thấy họ làm ngang nhiên, máy móc san ủi ầm ầm cả mấy tháng trời nên rất bức xúc. Nếu là dân chúng tôi tự vào làm thì đã bị bắt từ lâu rồi”, người dân địa phương bức xúc.

Địa tô?

Trên đường vào các khoảnh rừng bị san ủi, phóng viên gặp nhiều người đang trồng mì, máy móc đang hoạt động, cày xới đất nhộn nhịp như công trường. Khi được hỏi thăm, những người này đều cho biết họ thuê lại đất của Công ty Minh Hằng. 

Lâm phần do Công ty Minh Hằng quản lý, bảo vệ bị sang ủi tràn lan. Ảnh: Quang Yên.

Lâm phần do Công ty Minh Hằng quản lý, bảo vệ bị sang ủi tràn lan. Ảnh: Quang Yên.

“Muốn thuê nhiều thì vào thẳng trụ sở Công ty Minh Hằng cho đảm bảo. Đất ở đây thì toàn đất rừng, cứ vào đó người ta hướng dẫn cho. Thuê lại của người dân cũng được nhưng vào công ty cho chắc, sau này đỡ xảy ra tranh chấp. Giá thuê đất từ 3 - 5 triệu đồng/năm. Khi cần cày đất thì gọi tôi”, một người thuê lại đất của Công ty Minh Hằng nói.

Ông Đặng Công Tạo, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp cho biết, địa phương nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản Công ty Minh Hằng để xảy ra tình trạng san ủi đất rừng trái phép.

Cụ thể, ngày 15/6, lực lượng chức năng của xã phát hiện có 13ha đất lâm nghiệp tại lâm phần của Công ty Minh Hằng quản lý bị san ủi thành từng lô, thửa để sản xuất nông nghiệp. Qua xác minh, 13ha đất trên là đất trước đây Công ty Minh Hằng được phép trồng thí điểm cao su nhưng bị chết.

Tại thời điểm kiểm tra, có ông T.V.T. là bảo vệ (có ký kết hợp đồng) của Công ty Minh Hằng. Tuy nhiên, trong hợp đồng ông T. không được thanh toán chi phí dịch vụ bảo vệ bằng tiền mặt mà được canh tác, trồng trọt hoa màu trên diện tích khoảng 30 - 35ha tại lô 4A, tiểu khu 213, xã Ya Tờ Mốt. Sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Ya Tờ Mốt đã báo cáo vụ việc cho Công an huyện Ea Súp và các đơn vị liên quan. Đồng thời, UBND xã yêu cầu Công ty Minh Hằng dừng san ủi và giải trình vụ việc.

Đến ngày 11/8, lực lượng chức năng xã Ya Tờ Mốt tiếp tục phát hiện 18,7ha đất rừng của Công ty Minh Hằng bị cày xới. Trong đó, 1,7ha chưa rõ đối tượng, 17ha còn lại do 2 người là bảo vệ của công ty này cày xới để canh tác. Cả 17ha mà 2 nhân viên bảo vệ của Công ty Minh Hằng cày xới đều thuộc diện tích 100ha trồng cao su trước đó nhưng bị chết. UBND xã Ya Tờ Mốt đã báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc cày xới, san ủi đất trên lâm phần của Công ty Minh Hằng để xử lý.

"Việc công ty san ủi đất trồng cao su để cho người dân thuê trồng cây ngắn ngày là không đúng theo quy định. Chúng tôi đã có kiến nghị lên UBND huyện để có hướng xử lý đối với Công ty Minh Hằng", ông Tạo nói.

Còn theo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, hiện diện tích rừng tự nhiên của Công ty Minh Hằng còn khoảng 360ha. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm đã tiếp nhận, xử lý 4 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại lâm phần Công ty Minh Hằng với diện tích thiệt hại gần 70ha rừng. Trong đó, Hạt Kiểm lâm chuyển cơ quan điều tra vụ phá hơn 10ha rừng có khối lượng gỗ được phát hiện là 29,4m3 với 720 lóng gỗ các loại. Tuy nhiên, theo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cả 4 vụ vi phạm đều chưa xác định được đối tượng.

Cũng theo Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp, do 100ha trồng cao su bị chết, ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí hằng năm trả cho lực lượng bảo vệ rừng lớn nên doanh nghiệp không thể thuê nhiều lao động. Hiện việc quản lý, bảo vệ rừng của công ty chỉ có 1 - 2 người nên không đủ khả năng bảo vệ, dẫn đến diện tích rừng bị phá trái pháp luật.

“Việc để mất rừng là rất nghiêm trọng. Quan điểm của đơn vị là Công ty Minh Hằng để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm đã vi phạm cần phải được xử lý theo quy định”, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp thông tin.

Nhiều diện tích đất rừng thuộc lâm phần của Công ty Minh Hằng đã được người dân thuê để trồng dưa hấu và sắn. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều diện tích đất rừng thuộc lâm phần của Công ty Minh Hằng đã được người dân thuê để trồng dưa hấu và sắn. Ảnh: Quang Yên.

Trong văn bản gửi UBND xã Ya Tờ Mốt, Công ty Minh Hằng thừa nhận, do thời tiết thổ nhưỡng không phù hợp nên diện tích 100ha cao su của công ty trồng đã chết. Hiện, công ty đang tìm cây giống phù hợp để xin trồng trọt trên dự án của mình.

Theo giải thích của công ty, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khâu điều động nhân sự, bảo vệ rừng chưa được tốt. Nhân viên bảo vệ không làm tròn trách nhiệm dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất dự án, đất rừng, chặt phá cây rừng. Một số đối tượng lợi dụng sự yếu kém của bảo vệ đã tự ý cày ủi, trồng trọt trái phép trong vùng dự án.

Sau khi làm việc với phóng viên, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp kiểm tra, phát hiện tại lâm phần của Công ty Minh Hằng tiếp tục xảy ra việc san ủi trái phép thêm 8ha rừng nên đã lập biên bản xử lý.

Liên quan đến việc các vụ phá rừng đã lâu nhưng cơ quan chức năng không đưa gỗ tang vật về cơ quan để bảo việc, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết, do trời mưa đường trơn nên không thể vận chuyển. “Hiện đơn vị đã cho phương tiện vào vận chuyển về trụ sở để bảo quản”, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp thông tin.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.