| Hotline: 0983.970.780

Rừng đặc dụng Bắc Hướng Hóa kêu cứu

Còn bao biện, rừng còn bị phá!

Thứ Tư 15/12/2021 , 09:32 (GMT+7)

Trước tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cần phải khởi tố vụ án để điều tra....

Rừng đặc dụng Bắc Hướng Hóa bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: CĐ.

Rừng đặc dụng Bắc Hướng Hóa bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: CĐ.

Mất rừng đổ lỗi cho dân, cho thời tiết....

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, diện tích rừng thuộc quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa là điểm nóng về tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Nhưng gần đây tần suất vi phạm lâm luật giảm dần qua từng năm: “Năm 2017 phát hiện và xử lý 56 vụ, tịch thu 88,248 m3 gỗ; năm 2020 phát hiện 37 vụ, tịch thu 59,580 m3 gỗ; năm 2021 phát hiện 25 vụ, tịch thu 29,498 m3 gỗ”.

Những thân cây có đường kính lớn bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: CĐ.

Những thân cây có đường kính lớn bị đốn hạ không thương tiếc. Ảnh: CĐ.

Tuy nhiên với những gì vừa diễn ra tại 2 tiểu khu 645 và 635 thuộc lâm phần của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, xem ra thực tế lại khác xa… thông tin của Sở NN& PTNT Quảng trị.  Diện tích rừng bị xâm phạm đang tăng nhanh, phạm vi lại được mở rộng, mới đây nhất đã ghi nhận tổng cộng 89 cây gỗ với khối lượng khoảng 76,688 m3, trong đó có 8 cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA. Tính chất hết sức nghiêm trọng nhưng mức độ dự kiến còn biến động khi quá trình kiểm tra vẫn đang tiếp diễn.

Hiện trường cho thấy, lâm tặc đã lựa chọn những thân gỗ có đường kính lớn, giá trị kinh tế cao (Gụ lau, huỳnh, chua khét…) rồi dùng cưa máy để cắt hạ, sau đó lùa trâu kéo gỗ về khe suối. Lâm sản khai thác được một phần dùng để làm nhà, phần khác bán đi. 

Lý giải nguyên do, Sở NN-PTNT nhận định, trong khoảng thời gian từ tháng 9 – 10/2021 thời tiết trên địa bàn diễn tiến phức tạp, mưa lớn kéo dài gây sạt lở, chia cắt tuyến đường từ bên ngoài vào khu vực 2 thôn Cát, Trĩa của xã Hướng Sơn khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhân viên bảo vệ rừng khó tiếp cận địa bàn được giao phụ trách. Người dân đã lợi dụng lúc trời mưa, nước dâng cao, lực lượng chức năng không kiểm soát để tiến hành khai thác và vận chuyển gỗ theo khe, suối đưa ra khỏi rừng.

Người dân sinh sống tại 2 thôn Cát, Trĩa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khốn khó, trình độ dân trí thấp. Sống gần rừng qua nhiều thế hệ, sinh kế của một số hộ còn dựa vào “khai thác gỗ trái phép” để mưu sinh. Ngoài ra, ảnh hưởng của Covid-19 khiến người dân mất việc làm, một bộ phận đã vào rừng khai thác gỗ trái pháp luật để mưu sinh.

Một nguyên nhân khác được nói đến là địa bàn quản lý rộng, địa hình rừng núi hiểm trở nhưng lực lượng bảo vệ lại quá mỏng (Trạm bảo vệ rừng Trĩa chỉ có 3 viên chức và 1 hợp đồng phải bảo vệ 5 tiểu khu với diện tích trên 5.000 ha), chưa kể hệ thống mạng thông tin, liên lạc thiếu ổn định…

Khó khăn là có nhưng không thể viện dẫn vào đó để khỏa lấp trách nhiệm bảo vệ rừng. Ảnh: CĐ. 

Khó khăn là có nhưng không thể viện dẫn vào đó để khỏa lấp trách nhiệm bảo vệ rừng. Ảnh: CĐ. 

Những yếu tố khách quan kể trên không phải thiếu căn cứ nhưng nếu vin cả vào đó đồng nghĩa rừng Quảng Trị nói chung và khu vực Bắc Hướng Hóa nói riêng có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào. Dẫu khó phải có phương án phù hợp, mà trước mắt là khẩn trương hoàn thiện, khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót.

Cụ thể ở đây là công tác dự báo, nhận định tình hình của chủ rừng và các lực lượng liên quan chưa tốt, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Quá trình phối hợp giữa cơ quan chức năng và cấp chính quyền trong việc tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng có lúc chưa tích cực…

Đặt câu hỏi với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị “Phải chăng áp lực kinh tế là một phần nguyên do”? ông Đồng khẳng định: Tỉnh đã triển khai và áp dụng một số mô hình để người dân cải thiện sinh kế, họ có khó khăn lắm đâu mà phải làm như thế!

Không bênh vực, bao che, sai đến đâu xử đến đây

Thông tin về việc phá rừng tại Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tinh thần sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật, không bênh vực, bao che.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cũng khẳng định: Quan điểm của ngành là xử lý nghiêm, từ kết quả thực tế sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Dù đối diện nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng anh em phải làm tròn trách nhiệm được giao.

Sau khi khai thác, vật phần gỗ được người dân dựng làm nhà, số còn lại bị bán ra bên ngoài. Ảnh: CĐ.

Sau khi khai thác, vật phần gỗ được người dân dựng làm nhà, số còn lại bị bán ra bên ngoài. Ảnh: CĐ.

Theo bà Phương, trước mắt vẫn phải tổ chức chốt chặn liên ngành với sự tham gia của công an, quân sự, kiểm lâm, chủ rừng tại vị trí trọng yếu. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống tại 2 thốn Cát, Trĩa nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm chung.

Thông tin thêm về vụ việc, ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị khẳng định qua 8 đợt kiểm tra ghi nhận tổng cộng 89 cây gỗ bị đốn hạ, khối lượng trên 76m3: “Khai thác trái phép rừng đặc dụng trong lâm phần quản lý của Khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa là hành vi nghiêm trọng".

Xoay quanh nội dung này, Chi cục Kiểm lâm nhận thấy hành vi khai thác trái phép rừng đặc dụng tại xã Hướng Sơn, thuộc quản lý của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có dấu hiệu tội phạm quy định tại Chương XIX, Bộ Luật hình sự 2015 liên quan đến “Các tội phạm về môi trường”. Chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa phối hợp cùng cơ quan liên quan thu thập thông tin, hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố vụ án.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Ảnh: CĐ.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Ảnh: CĐ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm