Các nước láng giếng của Trung Quốc ngày càng lo ngại căng thẳng biển đảo của Bắc Kinh với các nước khác như Việt Nam, Philippines có thể dẫn đến xung đột quân sự.
Thông tin được Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ được đưa ra, sau khi tiến hành một cuộc nghiên cứu rộng khắp ở 44 quốc gia. Thậm chí ở ngay tại Trung Quốc, cuộc trưng cầu dân ý cũng cho thấy 62% công chúng lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới xung đột quân sự.
“Năm nay, ở tất cả 11 nước châu Á được tiến hành khảo sát, gần một nửa hoặc hơn một nửa những người được hỏi lo ngại những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn tới xung đột quân sự”, nghiên cứu đưa ra kết luận.
Tại Philippines, con số này là 93%, trong khi Nhật là 85%, Việt Nam là 84% và Hàn Quốc là 83%.
Trung Quốc và Việt Nam hiện đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng trên quần đảo Hoàng Sa, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó Trung Quốc cũng có tranh chấp căng thẳng với Nhật, và Philippines trên Hoa Đông và Biển Đông.
Theo thông tin của Trung tâm Pew, Nhật, Philippines và Việt Nam coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, trong khi Trung Quốc, Malaysia, Pakistan coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất của họ.
Trong số công dân của 44 nước được khảo sát, 40% tin rằng Mỹ là siêu cường quốc hiện tại của thế giới, so với 49% vào năm 2008.
Số người coi Trung Quốc là siêu cường quốc sắp dẫn đầu tăng từ 19% từ sáu năm trước lên 31% trong cuộc khảo sát năm nay.
50% người được hỏi cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế hoặc đã thay thế Mỹ trong vai trò dẫn đầu này. Chỉ 32% cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ có được vị trí này.
Ở các nước được khảo sát, ngoại trừ Trung Quốc, 49% có ý kiến tốt về Trung Quốc trong khi 32% không có thiện cảm với nước này.