| Hotline: 0983.970.780

Châu Âu một thoáng

Thứ Sáu 18/06/2021 , 14:50 (GMT+7)

Nguyễn Trọng Tạo cười hề hề, chú là thằng đại láu cá nhưng chú được, được, rất được. Anh hào sảng ấn bút vào tay tôi...

Đoàn nhà văn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các bạn văn Ba Lan.

Đoàn nhà văn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các bạn văn Ba Lan.

Một thoáng, vâng đúng thế, với chúng tôi chuyến đi thăm làm việc với Hội Nhà văn Ba Lan của đoàn nhà văn Hội Nhà văn VN chỉ là một thoáng của ký ức nhưng nó để lại những ấn tượng đặc biệt rất khó phai mờ.

Đó là vào cuối năm 2004. Hội Nhà văn VN cử một đoàn công tác sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Ba Lan. Đoàn đi thăm Ba Lan và sau khi kết thúc làm việc với phía bạn Ba Lan đã đi Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp thăm thú một số danh lam thắng cảnh.

Xin được nói ngay, chuyến đi này phía chủ quản là Hội Nhà văn VN nhưng không dùng ngân sách mà toàn bộ kinh phí do doanh nghiệp TSQ Ba Lan tài trợ. Tiến sĩ Đỗ Quân ông chủ của doanh nghiệp này vốn có quan hệ thân thiết với một số nhà văn đã thông qua Hội Nhà văn Ba Lan mời đoàn.

TSQ Ba Lan sau đó đã trở về Việt Nam đầu tư ở mảng bất động sản trong khu Làng Việt kiều châu Âu ở Mỗ Lao, Thanh Xuân, Hà Nội. Hiên TSQ Việt Nam là một doanh nghiệp mạnh đầu tư cả mảng giáo dục, góp vốn thành lập duy trì trường Đại học Đại Nam.

Đoàn nhà văn năm ấy có rất nhiều danh tài. Các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Trần Cương, nhà văn Trần Hữu Tòng và nhà thơ Hữu Thỉnh. Anh Thỉnh đang công cán ở một nước châu Âu xong việc sang Ba Lan nhập đoàn. Tôi mãi sát ngày đi mới trong danh sách. Đó là nhờ nhà văn Thái Chí Thanh giới thiệu bổ sung. Anh Thanh bấy giờ công tác ngoại giao đang đương nhiệm chức vụ bí thứ thứ nhất tại Sứ quán VN ở Ba Lan.

Trao tặng cuốn 'Nỗi buồn chiến tranh' bản tiếng Ba Lan.

Trao tặng cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" bản tiếng Ba Lan.

Hội nhà văn Ba Lan gồm nhiều nhà văn tên tuổi tầm thế giới tiếp đoàn nhà văn Việt Nam rất hữu nghị trọng thể và thân tình. Tôi vinh dự được nhà văn Bảo Ninh ủy thác mang cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch và xuất bản ở Ba Lan mấy năm trước tặng cho Hội Nhà văn Ba Lan. Chi tiết này được các nhà văn bạn đón nhận thích thú và trân trọng.

Việc giao lưu này là rất cần thiết cho những hoạt động nghề nghiệp. Sau này phía Việt Nam có mời các bạn nhà văn Ba Lan sang thăm Việt Nam, một hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ của Quỹ Hỗ trợ văn học Việt Nam - Ba Lan mà tôi là phó giám đốc Quỹ.

Những ngày ở Ba Lan, đoàn thăm nhiều nơi trên đất nước xinh đẹp này. Ba Lan có lượng người Việt làm ăn sinh sống khá đông. Đây là một cộng đồng người Việt ở nước ngoài khá gắn kết. Các tổ chức đoàn thể của người Việt có những hoạt động thiết thực.

Sứ quán Việt Nam cũng hỗ trợ tích cực cho các nhà văn thâm nhập thực tế đời sống người Việt. Chúng tôi đi thăm thú nhiều nơi, chứng kiến cảnh sống của bà con làm ăn nơi xứ người. Ngoài một số doanh nghiệp lớn đa phần người dân ta làm ăn buôn bán nhỏ. Bấy giờ chợ sân vận động ở Warszawa là khu dành chủ yếu cho người Việt buôn bán. Sự thân thiện của bà con xa xứ dành cho các nhà văn là rất lớn và đầy tình cảm.

Cộng đồng tổ chức một số buổi giao lưu văn nghệ. Khỏi kể sự mến mộ của mọi người với các nhà thơ nổi tiếng. Có lẽ đây là dịp các nhà thơ có điều kiện trình diễn thơ tốt nhất. Chứng kiến các nhà thơ trên diễn đàn đọc những bài thơ của mình thú thật thằng viết văn xuôi như tôi thấy tui tủi.

Chả thế mà có một bạn doanh nhân cứ nghĩ tôi chỉ là nhân viên phục vụ đoàn làm chân lăng xăng chụp ảnh nên khi nghe giới thiệu tôi là tác giả một số phim truyện truyền hình đã phát sóng trên VTV4 bèn thốt ra cái ý tôi vừa nói.

Tất nhiên thằng tôi chả dám ý kiến ý cò gì. Mà biết nói gì khi tôi được cùng đoàn với tinh những nhân vật có số má của văn đàn. Nổi nhất đoàn có lẽ là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo giời phú cho một giọng hát rất tuyệt. Chính thế nên anh tự hát những bài hát đỉnh của mình một cách thật sang trọng và hào sảng. Những “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi” được chính tác giả trình diễn tạo nên một sức hút làm lay động trái tim những người xa xứ.

Đoàn nhà văn Việt Nam.

Đoàn nhà văn Việt Nam.

Rời Ba Lan, chúng tôi được doanh nhân Đỗ Quân bố trí tiếp tục đi tàu hỏa sang Béc Lin (Đức). Tại đây có chi nhánh của TSQ Ba Lan. Doanh nhân Đỗ Sơn tận tình đón đoàn. Công việc chính là thăm và làm việc với Hội Nhà văn Ba Lan đã kết thúc nên từ đây là lịch trình thăm thú, nghỉ ngơi của đoàn nhà văn Hội Nhà văn Việt Nam.

Có lẽ ấn tượng nhất những ngày ngắn ngủi ở Béc Lin phải kể đến cảm xúc của chúng tôi khi đến thăm bức tường Béc Lin. Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn là người thận trọng và kỹ lưỡng trong các hành xử ở những trường hợp như này. Anh cho hội ý đoàn.

Đại loại anh Thỉnh nói bức tường Béc Lin là một biểu tượng của hòa bình. Chiến tranh đã chia đôi nước Đức và khi bức tường Béc Lin sụp đổ nó là cái mốc của một nước Đức hòa bình và thống nhất. Chúng ta là nhà văn lại sống ở một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước và thống nhất đất nước nên hơn ai hết chúng ta yêu chuộng hòa bình và căm ghét chiến tranh.

Ý anh Thỉnh chốt lại như thế chỉ để diễn giải việc các nhà văn ký vào bức tường Béc Lin. Trên suốt các đoạn tường dài, dày đặc các chữ ký, hình vẽ, biểu tượng của rất nhiều người dân trên thế giới đã đến đây chiêm ngưỡng di tích lịch sử này của nước Đức. Mỗi người mỗi cách, các thành viên của đoàn đều ký lên bức tường với đủ đầy chữ ký, tên họ xuất xứ quốc gia.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rút cây bút dạ to và khoanh một vòng tròn hình trái tim lớn để anh ký và viết rất đậm tên của mình vào đó. Tôi ngờ rằng anh đã chuẩn bị kỹ chi tiết bút dạ này từ trong nước. Tôi xin anh cho tôi được ký bên dưới chữ ký của anh. Nguyễn Trọng Tạo cười hề hề, chú là thằng đại láu cá nhưng chú được, được, rất được. Anh hào sảng ấn bút vào tay tôi.

Vì là thăm thú thêm thắt sau nhiệm vụ chính nên chúng tôi chỉ ghé được ở thủ đô các nước Đức, Hà Lan, Bỉ và Pháp. Ở Amsterdam, Hà Lan, khách sạn gần khu phố Đèn đỏ nổi tiếng thế giới. Tối ấy chúng tôi dạo bộ tham quan. Buồn cười khi đi qua đoạn phố Đèn đỏ là dãy phố cạnh một dòng sông nhỏ. Các quầy kính sáng choang san sát trong có các mỹ nữ các màu da xinh như mộng nhún nhảy theo nhạc đầy kích động khêu gợi thực khách.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đi những bước dài nhưng đầu ngoái ra phía dòng sông không nhìn. Tôi vít đầu anh Thỉnh bảo, sao phải thế anh, cứ chiêm ngưỡng, đây là dịch vụ hợp pháp của họ. Ta nhìn đâu có ai đánh thuế tư tưởng. Anh Thỉnh cười cười và anh vẫn giữ nguyên tư thế của mình một cách đầy kiên định.

Tại Pari có một kỷ niệm khó quên. Cánh nhà văn tối trước khi ra sân bay về nước có một buổi liên hoan tại một quán bia nho nhỏ xinh đẹp và rất thơ mộng. Vì là buổi tổng kết sau cùng nên hôm ấy chúng tôi uống thả phanh. Tất cả nâng cốc cụng nhau canh cách và đọc thơ hát hò một cách đầy hứng khởi đến độ mê sảng. Tất nhiên thằng tôi văn xuôi chỉ ngồi im mà tận hưởng những ly bia tươi ngon không thể tưởng.

Chủ quán đến giờ đóng cửa 10h đêm rót một loạt bia mời mọi người và thông báo quán đóng cửa. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã ngà ngà quát, ai cho mày đóng cửa, đang đọc thơ, hiểu không, thơ không có giờ giấc. Có lẽ nhà thơ quên mất chủ quán là người nước ngoài.

Ông chủ quán ngôn ngữ bất đồng nhưng có lẽ cũng mang máu nghệ sĩ nên khoái đám thực khách này bèn nhượng bộ. Ông tắt hết đèn, đóng cửa, tính tiền hắt về trước và hướng dẫn cách rót bia rồi đi ngủ mặc kệ cánh nhà văn muốn uống muốn hát hò thơ ca đến bao giờ thì đến và điều này mới quan trọng, những tăng bia tiếp theo chủ quán tháo khoán đãi đằng miễn phí. Rất nghệ sĩ. Sáng sau chủ quán dậy cười toét khi nhìn đám thực khách nghiêng ngả người ngủ gục trên ghế người vẫn sang sảng đọc thơ. Lúc đó chỉ còn nhõn mình nhà thơ Hoàng Trần Cương đủ sức lực thức và đọc thơ… một mình.

Mười bẩy năm đã qua đi. Ấn tượng chuyến đi vẫn đậm nét trong tôi. Nhà thơ Hữu Thỉnh mới rời chức vụ chủ tịch Hội ở đại hội năm ngoái. Hai nhà thơ tôi cực kỳ mến yêu và kính trọng Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương đã đi về cõi khác. Tôi cũng đã nghỉ hưu được 5 năm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.