Theo nghiên cứu từ Chương trình Hệ thống sinh thái tương lai của Đại học Witwatersrand (Nam Phi), sản xuất nông nghiệp và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang là hai nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng lượng khí thải carbon ở châu Phi.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, việc đốt nhiên liệu hóa thạch dẫn đến phát sinh trung bình 21,3 triệu tấn khí CO2 mỗi năm từ khu vực này. Trong đó, khoảng một nửa được tự nhiên hấp thụ, còn lại gần 10,65 triệu tấn khí CO2 được thải ra vào khí quyển.
Các nguồn tự nhiên như cháy rừng cũng đóng góp vào việc gia tăng lượng khí metan, ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình biến đổi khí hậu và sử dụng đất. Nhóm nghiên cứu đã phát triển một ngân sách toàn diện về phát thải khí nhà kính cho châu Phi, sử dụng dữ liệu thế giới và ở cấp địa phương nhằm xác định nguyên nhân gia tăng phát thải khí nhà kính trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, TS Yolandi Ernst của Viện Thay đổi toàn cầu (Wits Global Change Institute) cho biết: “Ở châu Phi, sự gia tăng các phát thải khí nhà kính chủ yếu đến từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất nông nghiệp. Nếu không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ và không có sự gia tăng trong việc tích trữ carbon thông qua việc tăng cường diện tích rừng và sản xuất sinh khối, châu Phi có nguy cơ trở thành khu vực phát thải khí nhà kính nhiều hơn lượng carbon mà nó có thể hấp thụ trong tương lai”.
TS Andreas Schwarz Meyer, nhà nghiên cứu từ Đại học Cape Town (Nam Phi) đồng tình và nhắc lại lịch sử: Châu Phi vốn là một trong những châu lục có mức phát thải khí nhà kính thấp nhất.
Ông kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để đưa ra các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại châu Phi mà không ảnh hưởng đến các lĩnh vực phát triển chính.