| Hotline: 0983.970.780

Chạy đua "làm" giống trợ giá

Thứ Tư 09/05/2012 , 10:18 (GMT+7)

Những gói hỗ trợ được chia như cắt bánh. Những cuộc đi đêm của doanh nghiệp muốn dự thầu. Những người dân dài cổ trông chờ giống cây trồng vật nuôi tới khi quá mùa vụ hoặc chuồng trại đã nát thì được nhận loại giống không như mình đăng ký…

Những gói hỗ trợ được chia như cắt bánh. Những cuộc đi đêm của doanh nghiệp muốn dự thầu. Những người dân dài cổ trông chờ giống cây trồng vật nuôi tới khi quá mùa vụ hoặc chuồng trại đã nát thì được nhận loại giống không như mình đăng ký…




Đời sống của người dân huyện nghèo còn rất chật vật

“Thôi cho em một góc (gói hỗ trợ). Anh em các công ty giống cũng biết chia ra, nhìn nhau mà làm. Cty kia đã cung ứng cho chương trình 30a thì cty này cung ứng chương trình 102”. “À, ừ nhưng cái này vốn ít lắm, chú làm trực tiếp làm gì?”. “Vâng, em biết thế nên mới xin anh cơ cấu cho đại lý của em nó làm. Nếu được em sẽ không quên ơn anh đâu ạ”. Đó là cuộc đối thoại giữa một giám đốc doanh nghiệp giống với vị lãnh đạo huyện trong cuộc đàm phán vào chương trình trợ giá.

Những giống nhắm đến các chương trình hỗ trợ thường là hàng đã hết mốt, bán ngoài thị trường khó khăn hoặc là những sản phẩm tốt nhưng chưa được bà con vùng đó biết tiếng. Vào cơ cấu. Hai tiếng "cơ cấu" đối với chủ doanh nghiệp như hai mặt của tấm huy chương, phần chói lóa lợi nhuận phần ngầm định biết bao thác ghềnh, gian nan. Qua nhiều cấp lãnh đạo, nhiều phòng ban, một cân ngô giống không chung chi ít nhất trên 10.000 đồng mà vào được chương trình trợ giá chẳng khác gì nằm mơ giữa ban ngày.

Bởi chi lắm nên thường giống vào chương trình giá đội cao hơn 5.000-10.000đ/kg so với giá thị trường là sự thật hiển nhiên. Có hai loại “chiến thuật” mà các doanh nghiệp thường áp dụng để đổ bộ giống vào vùng trợ giá. Chiến thuật một chung chi cấp tập vào trung tâm đầu não hòng từ đó sử dụng để sai khiến cơ sở một cách có lợi nhất cho mình. Chiến thuật hai rải thảm bom, chung chi từ trên xuống dưới để bôi trơn các mối quan hệ cho nói cùng một tông giọng.

Nhiều giám đốc công ty giống chuyên cung ứng cho các chương trình trợ giá ở miền núi than thở chi đậm tiền rồi nhưng lắm khi vẫn phải uống thuốc… trợ tim bởi chính sách trong tay các sếp thay đổi nhanh đến chóng mặt. Lúc bảo đồng ý cho cty này vào, lúc hứa hẹn cho cty nọ tham gia. Chiêu này gọi là “rung chà cá nhảy”, con cá nào say mồi, nhảy cao nhất, chi đậm nhất thì lọt vào danh sách. Có vị cay đắng bảo rằng: “Tôi chấp nhận chịu lỗ để chạy vào chương trình hỗ trợ với hi vọng qua đó bà con biết chất lượng giống của mình để vụ sau không hỗ trợ họ cũng tự mua. Nhưng làm trợ giá kiểu này chán luôn, không muốn quay lại nữa bởi với giá này ở vùng ngoài chúng tôi có thể bán hàng trăm tấn mà không phải cậy cục, luồn cúi bất kỳ một ai”.

Sự việc mới đây xã Kim Bon (Phù Yên, Sơn La) trả lại 1,4 tấn ngô, xã Đá Đỏ (Phù Yên, Sơn La) lúc đầu cũng phản đối giống trợ giá rất mãnh liệt về sau miễn cưỡng nhận đã khiến dư luận ở Sơn La một phen đồn thổi, nóng hầm hập còn hơn cả gió Lào. Người thì bảo quả này hai Phó chủ tịch xã từ chối lấy hàng trợ giá có nguy cơ bị luân chuyển công việc, kẻ lại bảo xã nào cũng có lãnh đạo cứng thế thì dân được nhờ biết bao. Tôi đến xã Gia Phù, một xã lớn của huyện Phù Yên với trên 6.400 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường.

Chủ tịch xã, ông Đinh Xuân Yệt bảo với tôi: “Chương trình 30a huyện không cho đăng ký loại giống mà chỉ đăng ký theo diện tích. Nộp danh sách một phát họ phát giống luôn. Gia Phù được 40 ha tương đương 600 kg ngô giống. Các cuộc họp giao ban trên huyện đa số các xã đều xì xào, ý kiến về chuyện đăng ký giống này mà lại được đầu tư giống khác. Còn chương trình 102 dân đăng ký loại C919 nếu cho giống khác chắc xã không nhận”. Cũng theo ông Chủ tịch, lúc đầu danh sách tổng hợp của xã gửi lên Phòng dân tộc huyện không được chấp nhận. Sau phải họp dân, từng bản tổng hợp, có chữ ký của trưởng bản, có dấu đỏ của xã cộp vào. Quy trình làm rất chặt chẽ, chắc như ăn bắp mà dây dưa từ Tết đến giờ, đã qua thời vụ mà ngô giống vẫn chưa được phát.

Dư luận càng xôn xao hơn khi ông Bí thư huyện trước cuộc họp còn bảo “Các xã chấp hành các loại giống huyện cấp, xã nào không lấy sẽ phải có cam kết”. “Cách hỗ trợ của chương trình 30a có bất cập. Xã tiếng là chủ đầu tư nhiều cái chẳng được đầu tư làm chủ gì. Cấp trên chỉ đạo cho giống cây con nào thì xã chỉ là người thực hiện, thậm chí giá bao nhiêu cũng chẳng biết được”. Ông Yệt bức bối.

Chị Lường Thị Chít ở bản Nà Mạc 1 được bốc thăm trúng con bò hỗ trợ 8 triệu (cả bản chỉ được 1 con bò nên các hộ nghèo phải bốc thăm - PV). Hôm chúng tôi đến chị Chít đang đi chăn bò ở xa, trưởng bản Lường Văn Khư, người trực tiếp ký nhận con bò cho bản bảo: “Con bò 8 triệu mà nhỏ lắm, nhỏ như con bê, có khi còn gánh được trên vai chứ số tiền ấy cho dân đi mua con bò phải to lắm!”. Tôi đến Tân Lang, xã vùng Mường của huyện Phù Yên với 291 hộ nghèo. Chuyện thời sự ở đây là vụ trồng ngô tháng 2 đã qua lâu rồi mà chương trình 102 vẫn chưa thấy cấp giống. Dân nóng lòng một, cán bộ xã nóng lòng mười, chẳng thể ngồi yên.

Chủ tịch xã Sa Đình Khoát thông tin: “Chương trình 30a hỗ trợ cho địa phương được 1,1 tấn ngô giống cho diện tích 75 ha canh tác nhưng không cho dân đăng ký chủng loại mà tự cấp cho. Trên cho giống muộn dân đã trồng hết rồi, nếu để đến vụ hè thu hoặc thu đông tôi chỉ sợ giống ấy không đảm bảo chất lượng. Chương trình 102 đăng ký từ lâu rồi mà chẳng thấy cấp. Nếu cấp trên cứ cho giống như kiểu này (chậm, không đúng chủng loại -PV) dân sẽ không trồng. Năm ngoái, năm kia cho giống ngô 9698 dân không thích trồng, một số người còn dùng ngô đó ngâm vào thuốc để đánh chuột”. Vừa rồi trên hướng dẫn tỉ mỉ Tân Lang thu thập chữ ký nguyện vọng của dân để lập danh sách hỗ trợ giống ngô. Cả xã đều thích giống C919 vì đã quen trồng nên đăng ký đồng loạt.

Đại lý vật tư nông nghiệp Ba Nga ở xã Mường Cơi bảo: “Có một số nông dân không thích giống trợ giá đã đem ra cửa hàng tôi đòi đổi, chấp nhận bù tiền nhưng nếu đóng túi 1 kg còn dễ bán chứ đóng gói 5 kg khó bán nên tôi không đồng ý”.
Tưởng chắc chắn như vậy thế nhưng cứ như lời ông Chủ tịch: “Anh Học - Phó Phòng dân tộc gọi điện bảo với tôi sắp tới sẽ cấp giống khác chứ không phải giống dân đã đăng ký. "Tới đây mà trên đưa giống khác với đăng ký, anh em các xã chúng tôi thống nhất với nhau sẽ gọi trưởng bản đến. Nếu trưởng bản đại diện cho dân họ không nhận thì xã cũng chịu, dân họ làm chứ chúng tôi có làm đâu?”.

Ngay ở cuộc họp hội đồng nhân dân huyện ngày 25/4 hàng loạt lãnh đạo các xã đều chung một ý kiến gay gắt rằng: “Việc tổ chức thực hiện chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất như giống lợn, giống bò cho các hộ nghèo được hưởng lợi chưa thống nhất, nhiều văn bản chỉ đạo khác nhau của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện gây khó khăn cho các cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện. Giống ngô đưa xuống cơ sở chậm so với thời vụ, không đúng chủng loại giống cơ sở đăng ký”. (Còn nữa)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm