| Hotline: 0983.970.780

Chạy nước rút khắc phục 'thẻ vàng'

Thứ Ba 24/09/2019 , 08:57 (GMT+7)

Tháng 11/2019 đoàn thanh tra Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

08-28-25_1
Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động xa khơi.

Là tỉnh phát triển mạnh ngành thủy sản, Bình Ðịnh đang “chạy nước rút” để góp phần với các địa phương khắc phục “thẻ vàng” IUU, tập trung nhất là vấn đề ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Dù đã giảm thiểu, nhưng hiện nay tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn. Đây là mối lo lớn của những người có trách nhiệm ở Bình Định.

Theo nhận định của ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, qua công tác tuyên truyền của ngành chức năng, đến nay ngư dân đã thấu đáo việc đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngư dân cố tình vi phạm vì mục đích kinh tế. Đến nay Bình Định đã có 17 tàu cá với 119 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và 52 tàu cá vi phạm bị cảnh báo qua hệ thống Movimar.

Theo ông Phan Trọng Hổ, ngành nông nghiệp tỉnh này đang phối hợp Công an tỉnh củng cố hồ sơ, xử lý những trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định. Trong đó có 4 tàu vi phạm sau ngày 5/7/2019 sẽ áp dụng mức xử phạt rất cao theo Nghị định 42 của Chính phủ. Sở NN-PTNT Bình Định cũng đã làm việc với các tỉnh phía Nam bàn biện pháp rút số hiệu tàu Bình Định hoạt động tại các địa phương này mà không về tỉnh; đồng thời phối hợp với các đơn vị gồm Cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh quản lý chặt chẽ tàu cá Bình Định hoạt động trên địa bàn.

“Nếu chúng ta không khắc phục được “thẻ vàng”, nguy cơ sẽ bị phạt “thẻ đỏ”, khi ấy thì sản phẩm thủy sản của Việt Nam gần như “đứt đường” đi vào thị trường EU, đây là nỗi lo lớn nhất hiện nay”, ông Hổ lo lắng nói.

Lão ngư dân Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), người đang sở hữu 13 tàu cá đánh bắt xa bờ, bộc bạch: “Việc khắc phục “thẻ vàng” thủy sản không thể chỉ đổ dồn cho ngành chức năng, mà còn là trách nhiệm của ngư dân. Hơn ai hết, ngư dân phải chấp hành pháp luật, các quy định IUU, bởi nếu “thẻ vàng” IUU được rút lại thì đối tượng trực tiếp được hưởng lợi là chính ngư dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm thủy sản”.

Liên quan đến nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU tại Bình Định, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, cho hay: “Bên cạnh công tác quản lý tàu cá xuất nhập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản, công tác đảm bảo vệ sinh tại các cảng cá luôn được đơn vị chú trọng thực hiện. Hàng ngày, tại các cảng cá thường xuyên có nhân công thu gom rác thải, xịt rửa mặt bằng tại cầu cảng, khu vực nhà lồng tập kết thủy sản đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đang thực hiện rất quyết liệt công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngành chức năng ở Bình Định buộc 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước khác; đồng thời làm đề cương tuyên truyền cụ thể, có bản đồ, sơ đồ vùng biển cung cấp cho từng hộ ngư dân, từng tàu thuyền. Tuyên truyền viên cấp xã, huyện xuống từng hộ ngư dân để tuyên truyền cũng phải nắm rõ nội dung phổ biến, nói sao cho ngư dân hiểu cụ thể những quy định về khai thác hải sản như thế nào là trái phép, là xâm phạm vùng biển nước khác. Đặc biệt là phải nhấn mạnh để ngư dân biết mình sẽ bị xử lý ra sao nếu vi phạm.

08-28-25_2
Ngành chức năng Bình Định kiểm tra tàu cá hoạt động trên biển.

“Không chỉ có ngành nông nghiệp, mà cả hệ thống chính trị ở Bình Định đang vào cuộc quyết liệt trong công tác ngăn chặn tàu cá đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng hiểu thấu được việc khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc là gây tổn hại đến nền kinh tế, uy tín, danh dự của cả quốc gia. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm trước dân những hộ chủ tàu vi phạm, sau khi mãn hạn tù về nước, chúng tôi sẽ tiếp tục xử phạt mỗi tàu vi phạm 1 tỷ đồng, đồng thời không cho các tàu ấy tiếp tục hoạt động nghề cá”, ông Châu kiên quyết.

“Ngành chức năng cũng đã phát hiện có tình trạng môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho Công an tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đang lén lút móc nối đưa tàu và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Trần Châu.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.