| Hotline: 0983.970.780

Chế biến sâu để nâng cao giá trị cho nhung hươu Hương Sơn

Thứ Ba 30/05/2023 , 06:20 (GMT+7)

HÀ TĨNH Ngoài lan tỏa chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu nhằm gia tăng giá trị.

Lan tỏa chỉ dẫn địa lý nhung hưu Hương Sơn

Năm 2019, nhung hươu Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với khu vực trải dài trên địa bàn 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn.

Đây là sự khẳng định về tính khác biệt, đặc thù của nhung hươu Hương Sơn với các sản phẩm tương tự của địa phương khác. Đồng thời, là sự ghi nhận chính thức từ phía cơ quan quản lý nhà nước về uy tín, danh tiếng đối với một trong những loại sản phẩm truyền thống, chủ lực, có giá trị cao của huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Việc tăng cường độ phủ chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn là tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nhung. Ảnh: Thanh Nga.

Việc tăng cường độ phủ chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn là tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nhung. Ảnh: Thanh Nga.

Thống kê của địa phương này cho thấy, toàn huyện đã phát triển được tổng đàn hươu khoảng 45.000 con; tổng sản lượng nhung khai thác hàng năm trên dưới 16 tấn. Đây là nguồn thu cực lớn đối với một địa phương biên giới, đời sống người dân đại bộ phận đang nhìn vào chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chia sẻ, từ những giá trị về kinh tế và thực tiễn mà hươu sao đem lại cho người chăn nuôi, những năm gần đây, Hương Sơn đã ban hành nhiều chính sách kích cầu phát triển tổng đàn hươu, đặc biệt, chú trọng xây dựng các mô hình OCOP, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến sâu sản phẩm nhung nhằm gia tăng giá trị cho người dân.

“Tiền đề để đầu tư khoa học công nghệ vào chế biến sâu là tăng cường độ phủ của chỉ dẫn địa lý nhung hươu Hương Sơn. Trên cơ sở đề xuất của địa phương và phê duyệt của Bộ KH-CN, Chính phủ đã chọn nhung hươu Hương Sơn là một trong những sản phẩm được hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý”, ông Hưng thông tin.

Cuối năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề nghị Sở KH-CN Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Giám đốc Sở KH-CN Hà Tĩnh, ông Nguyễn Huy Trọng (Chủ nhiệm nhiệm vụ) khẳng định, việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu có ý nghĩa rất quan trọng. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội như: Cung cấp tới người tiêu dùng những thông tin nhấn mạnh về tính độc đáo, chất lượng của sản phẩm; thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Nhung hươu Hương Sơn có chất lượng khác biệt so với những sản phẩm nhung hươu ở địa phương khác. Ảnh: Việt Khánh.

Nhung hươu Hương Sơn có chất lượng khác biệt so với những sản phẩm nhung hươu ở địa phương khác. Ảnh: Việt Khánh.

Bên cạnh đó, còn giúp tăng cường độ phủ của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhung hươu và các mặt hàng được chế biến từ nhung hươu mang chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng từ đó làm tăng giá trị sản phẩm và gián tiếp tiêu thụ các sản phẩm chủ lực/đặc sản khác của địa phương, góp phần thay đổi tư duy của người dân một cách tích cực với các kênh phân phối, thương mại hóa sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay.

Về giải pháp để phát triển chỉ dẫn địa lý, theo ông Ngô Việt Thắng - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), người dân và chính quyền địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng sản xuất theo đúng điều kiện, quy trình khoa học. Từ đó, việc phát triển chỉ dẫn địa lý sẽ có tác động và gia tăng giá trị sản phẩm rất lớn.

Đối với người tiêu dùng, họ sẽ có thông tin và được chỉ dẫn bởi các dấu hiệu về khu vực địa lý gắn trên sản phẩm; yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực từ khu vực địa lý với chất lượng được kiểm soát và tránh các rủi ro mua phải hàng hoá giả mạo, kém chất lượng.

Hiện Sở KH-CN Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm nhung hươu; thiết lập mô hình quản lý, sử dụng và phát triển nhung hươu theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được vận hành trên thực tế; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý qua các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội…

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại Hương Sơn đã tham gia chương trình sản phẩm OCOP, đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tại Hương Sơn đã tham gia chương trình sản phẩm OCOP, đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc trưng khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực địa lý đã giúp nhung hươu Hương Sơn có thành phần dinh dưỡng axit amin cao hơn hẳn nhung hươu ở các vùng khác. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi, kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù và làm cho sản phẩm ngày càng có vị thế trên thị trường.

Đầu tư công nghệ chế biến sâu

Về lâu dài, để nhung hươu trở thành mặt hàng đa giá trị, việc đầu tư công nghệ, tổ chức chế biến sâu là con đường tất yếu. Thông qua các chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, huyện, những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.

Hiện huyện Hương Sơn đã có 5 cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mỗi năm tiêu thụ nhiều tấn nhung hươu cho người chăn nuôi, bao gồm: Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn; Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà; Cơ sở sản xuất, kinh doanh Nhung hươu Hiền Ngọc (xã Sơn Giang); HTX Nhung hươu, mật ong Hương Luật (xã Sơn Lâm); Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhung Hươu Việt (xã Sơn Châu).

“Các cơ sở này đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm từ nhung. Bây giờ người tiêu dùng chỉ cần đem mấy trăm ngàn đồng ra cửa hàng là có sản phẩm nhung hươu đóng gói để sử dụng, không phải như trước chờ góp cả chục triệu đồng mới mua được cặp nhung, thậm chí nhiều nhà chung nhau mới đủ tiền mua”, ông Phan Xuân Đức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn nói.

Doanh nghiệp tư nhân Nhung hươu Thuận Hà là một trong những cơ sở tiên phong áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào chuỗi sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm từ hươu sao. Doanh nghiệp này không chỉ xây dựng trang trại chăn nuôi hươu an toàn dịch bệnh với hàng chục con mà còn đầu tư máy sấy, máy cắt, máy xay, hút chân không, hàn miệng túi, hệ thống tủ mát, tủ bảo ôn… để chế biến các sản phẩm từ nhung hươu.

Tham vọng của người dân Hương Sơn là xuất khẩu được các sản phẩm từ nhung hươu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Việt Khánh.

Tham vọng của người dân Hương Sơn là xuất khẩu được các sản phẩm từ nhung hươu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Việt Khánh.

“Chúng tôi đã khép kín được quy trình sản xuất. Với uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trong nhiều năm qua, bình quân mỗi năm, Thuận Hà tiêu thụ hơn 1,5 tấn nhung cho người nuôi hươu trên địa bàn. Các sản phẩm chúng tôi cung ứng cho thị trường cũng rất đa dạng, từ nhung tươi, nhung khô đóng hộp đến rượu nhung, rượu đế nhung…”, bà Chu Thị Hồng Hà, Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

Theo bà, việc đầu tư thiết bị, công nghệ vào chế biến nhung là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng nhiều loại sản phẩm. Nếu chỉ đơn thuần cung ứng nhung tươi thì sản phẩm chỉ được sử dụng để nấu cháo hoặc ngâm rượu. Tuy nhiên, khi sấy khô, chế biến, đóng gói thành phẩm thành các túi, lọ nhỏ vừa ăn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và phù hợp túi tiền của nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh Nhung hươu Hiền Ngọc cho rằng, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn mới chỉ có thương hiệu trong nước. Muốn vươn ra thị trường nước ngoài nhất định phải đa dạng hóa sản phẩm và đảm bảo các yếu tố về chất lượng, mẫu mã.

“Với việc đầu tư hạ tầng, thiết bị, công nghệ trong thời gian qua, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm nhung hươu sẽ có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới. Hi vọng các cấp chính quyền có giải pháp giúp người dân duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng, hướng tới xuất khẩu và đặc biệt là chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, chị Hiền nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.