Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2020, nhập khẩu chè từ 5 thị trường lớn nhất chiếm 42,4% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu. Trong đó, dẫn đầu là EU, tiếp theo là Pakistan, Mỹ, Nga và Anh. 6 tháng đầu năm 2021, 5 thị trường này tiếp tục dẫn đầu về trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu chè của EU đạt 585 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chè Việt Nam hiện chiếm 0,33% tổng trị giá nhập khẩu của EU.
Theo Cơ quan thống kê Pakistan, nhập khẩu chè nước này trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 263,2 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm tài chính 2020 - 2021 (tính từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2021), chè Việt Nam chiếm 3,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của Pakistan, tăng 0,31 điểm phần trăm với cùng kỳ trong năm tài chính 2019 - 2020.
Nhập khẩu chè của Mỹ nửa đầu năm 2021 đạt 252,6 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chè Việt Nam chiếm 1,62% trong tổng trị giá nhập khẩu chè của Mỹ.
Tại thị trường Nga, dù nhu cầu nhập khẩu chè đạt 217,9 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tỷ trọng của chè Việt Nam giảm mạnh.
Anh giảm nhập khẩu chè trong nửa đầu năm 2021, đạt 147,6 triệu USD, giảm 13,6% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè Việt Nam giảm 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam hàng năm trung bình đạt 173,2 triệu USD trong giai đoạn năm 2016-2020. Trong khi trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu hàng năm trung bình đạt 7,2 tỷ USD. Như vậy, trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.
Cho đến nay, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chè chưa được đánh giá cao, mẫu mã và quy chuẩn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường , nên chè Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.