| Hotline: 0983.970.780

Chi phí đầu tư 'ăn' hết lợi nhuận lúa thu đông

Thứ Sáu 01/10/2021 , 06:00 (GMT+7)

ĐBSCL Lúa thu đông sớm được mùa, nhưng không thể đủ sức bù nổi chi phí vật tư đầu vào tăng quá cao, nhất là giá phân bón, khiến nông dân không có lãi, bỏ ruộng.

Nông dân bỏ vụ thu đông

Bạc Liêu là tỉnh gieo sạ lúa thu đông 2021 trễ hơn các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Bạc Liêu, vụ lúa thu đông trên địa bàn tỉnh sẽ xuống giống dứt điểm vào đầu tháng 10.

Tuy nhiên, hiện nay giá lúa vẫn ở mức thấp, trong khi đó giá vật tư phân bón, lúa giống chưa có dấu hiệu giảm… nên nhiều nông dân đã quyết định bỏ vụ lúa này, chờ đến vụ đông xuân 2021 - 2022 mới gieo sạ lại.

Do chí phí đầu vào quá cao, nhất là giá phân bón tăng chóng mặt, nhiều nông dân ở ĐBSCL chấp nhận bỏ vụ lúa thu đông, cày đất phơi ải chờ làm vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Hoàng Vũ.

Do chí phí đầu vào quá cao, nhất là giá phân bón tăng chóng mặt, nhiều nông dân ở ĐBSCL chấp nhận bỏ vụ lúa thu đông, cày đất phơi ải chờ làm vụ lúa tiếp theo. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Dương Văn Vinh, nông dân ấp Mỹ Hòa, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, Bạc Liêu cho biết: Vụ lúa thu đông năm 2021 gia đình ông chấp nhận bỏ không làm, chờ đến tháng 11 tới mới xuống giống vụ lúa tiếp theo.

“Lâu lắm rồi gia đình tôi mới bỏ vụ thu đông. Mấy năm rồi gia đình tôi đều sản xuất 3 vụ/năm, và làm đều có lãi. Nhưng năm nay thì đành phải bỏ. Dù biết bỏ làm lúa thì cũng chẳng có việc làm gì khác mang lại thu nhập trong lúc dịch bệnh này”, ông Vinh buồn rầu khi nhàn rỗi.

Nguyên nhân ông Vinh cũng như một số nông dân ở đây không sản xuất vụ lúa thu đông là hiện nay giá lúa rất thấp, nhưng giá vật tư, phân bón lại tăng cao rất cao.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, nông dân lo ngại lặp lại tình trạng thiếu máy cắt như vụ hè thu vừa rồi.

Cùng canh tác trên cánh đồng ấp Mỹ Hòa, ông Dương Tấn Kịch đã cho cải tạo lại đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa hè thu, lúa giống cũng đã mua về chuẩn bị gieo sạ vụ mới. Tuy nhiên, xung quanh không ai làm nên ông cũng “bó tay”, bỏ theo mọi người.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa thu đông 2021, toàn tỉnh dự kiến dự kiến xuống giống 44.300 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nông dân mới chỉ xuống xuống được 15.000 ha.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo kéo dài thời gian xuống giống đến ngày 10/10 là dứt điểm nhưng khả năng diện tích tăng thêm sẽ không nhiều.

Không chịu nổi chi phí sản xuất

Tương tự tại Hậu Giang, nhiều nông dân cũng bỏ vụ lúa thu đông 2021 do không chịu nổi với chi phí vật tư tăng quá cao, dẫn đến đội giá thành sản xuất.

Do không chịu nổi với chi phí vật tư tăng quá cao, nhiều nông dân đã chọn giải pháp nuôi thủy sản mùa nước nổi trên đồng ruộng thay cho vụ lúa thu đông 2021 nhiều may rủi. Ảnh: Hoàng Vũ.

Do không chịu nổi với chi phí vật tư tăng quá cao, nhiều nông dân đã chọn giải pháp nuôi thủy sản mùa nước nổi trên đồng ruộng thay cho vụ lúa thu đông 2021 nhiều may rủi. Ảnh: Hoàng Vũ.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Long (ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) lo đi làm việc từ thiện, chăm lo cho những người khó khăn vì bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Có được thời gian rảnh rỗi như vậy, là do các thành viên trong hợp tác xã đã quyết định bỏ vụ lúa thu đông 2021, để cho gần 150 ha đất nghỉ vụ, phơi ải… Theo ông Thích, thực tế một số hộ dân trong khu vực không nghỉ đồng loạt, tự phát làm, hiện lúa đã cho thu hoạch, nhưng năng suất không cao do ruộng đồng "xôi đỗ", người bỏ người làm nên cực công mấy tháng trời mà còn thua lỗ.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hậu Giang cho biết, đến nay nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 35.358/36.000 theo kế hoạch. Hiện phần lớn diện tích đang trong giai đoạn làm đòng và trỗ - chín. Một số diện tích gieo sạ sớm đã cho thu hoạch, năng suất dưới 6 tấn/ha.

“Bình thường như mọi năm, mỗi ha đất lúa ở đây có chi phí đầu tư khoảng 11-12 triệu đồng/vụ. Nhưng với giá vật tư tăng nóng như hiện nay, nhất là giá phân bón đang rất cao, chi phí tăng thêm ít nhất là 45 - 50%. Như vậy, nếu bắt tay sản xuất thì chi phí sẽ tăng vọt lên 17 - 18 triệu đồng/ha. Với giá thành tăng như vậy, khó có thể có lãi được, trong khi giá lúa lại có xu hướng giảm”, ông Nguyễn Văn Thích tính toán.

Nhiều mối lo vụ đông xuân 2021 - 2022

Theo tính toán của các chuyên gia, thông thường, riêng phân bón đã chiếm khoảng trên dưới 30% chi phí trong sản xuất lúa. Do đó, giá phân bón tăng phi mã thời gian qua có thể xem là nguyên nhân lớn đội giá thành sản xuất lúa lên quá cao, khiến nông dân không có lãi trong vụ lúa thu đông 2021.

Nếu tình hình giá phân bón không "hạ nhiệt" trong thời gian tới, không chỉ vụ thu đông mà cả vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 của ĐBSCL cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn lớn.

Một số diện tích sản xuất lúa thu đông sớm ở ĐBSCL đã cho thu hoạch, giá thành sản xuất cao, trong khi giá bán lại đang thấp, khiến nông dân không có lãi. Ảnh: Trọng Linh.

Một số diện tích sản xuất lúa thu đông sớm ở ĐBSCL đã cho thu hoạch, giá thành sản xuất cao, trong khi giá bán lại đang thấp, khiến nông dân không có lãi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vụ lúa thu đông 2021, toàn tỉnh xuống giống trên 160.000 ha, dựa theo kết quả điều tra bình quân lượng phân bón sử dụng/ha tại An Giang trong vụ thu đông khoảng 88.830 tấn, trong đó phân Urê khoảng 31.761 tấn, NPK 22.302 tấn, DAP 19.787 tấn và Kali là 14.978 tấn…

Theo ông Thọ, hiện nay, theo số liệu công bố của Sở Tài Chính An Giang đưa ra giá thành vụ hè thu 2021 tại An Giang là 4.197 đồng/kg và qua theo dõi giá thành bình quân từ năm 2017 đến nay, bình quân giá thành vụ thu đông là 4.017 đồng/kg lúa. Tuy nhiên, giá thành sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá phân bón. Do đó, trong vụ thu đông 2021, do giá phân bón tiếp tục tăng cao nên đã đội giá thành sản xuất lên quá cao. 

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết: Hiện nay, các mặt hàng phân bón tăng rất cao. Cụ thể như phân ure Phú Mỹ 11.400 đồng/kg, tăng 67,6% so với đầu năm, tăng 65,2 so cùng kỳ năm 2020, tăng 50% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 56,2% so cùng kỳ năm 2018. 

Phân NPK Cò Pháp (20-20-15) hiện có giá 15.400 đồng/kg, tăng 20,3% so với đầu năm, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2020, tăng 10% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 30,5% so cùng kỳ năm 2018. Phân DAP (Trung Quốc) hiện có giá 14.600 đồng/kg, tăng 30,4% so với đầu năm và tăng 37,7% so cùng kỳ năm 2018...

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa thu đông 2021 trong tâm trạng kém vui khi chi phí đầu tư tăng quá cao đã 'ăn' hết vào lợi nhuận. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa thu đông 2021 trong tâm trạng kém vui khi chi phí đầu tư tăng quá cao đã "ăn" hết vào lợi nhuận. Ảnh: Trọng Linh.

Tóm lại, giá phân bón trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây và tăng khoảng 20 - 70% tùy từng loại so với đầu năm nay. Bên cạnh đó, so với một số địa phương trong khu vực như TP Cần Thơ, giá phân bón ở các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp có sự chênh lệch (cao/thấp) khoảng 50 - 100 đồng/kg tùy từng loại phân bón do chi phí vận chuyển.

Với lượng phân bón tiêu thụ gần 350.000 tấn/năm (chiếm gần 5% tổng sản lượng phân bón toàn quốc), việc giá phân bón liên tục tăng cao đã và đang khiến nông dân chán nản với sản xuất lúa vụ thu đông, và kế tiếp sẽ là vụ đông xuân 2021 - 2022.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Hiện nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 42.000 ha lúa thu đông, đạt 90% kế hoạch. Đến nay, đã có hơn 5.000 ha cho thu hoạch, năng suất khoảng 6 tấn/ha.

Tuy nhiên, giá phân bón tăng quá cao, trong khi giá lúa lại rất thấp nên lợi nhuận không như mong muốn. Giá lúa chất lượng cao hiện chỉ khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa chất lượng thấp ML202, IR 50404 giá dưới 5.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân sạ lúa chất lượng cao còn có lãi chút đỉnh, lúa chất lượng thấp thì coi như không có lãi.

Dựa trên số liệu điều tra giá thành sản xuất hàng năm của Sở Tài chính An Giang, có 11 yếu tố tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, trong đó nguyên vật liệu chiếm 81,4%, công lao động chỉ chiếm 18,6%%.

Nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ lớn trong việc tác động đến chi phí sản xuất và giá thành, tuy nhiên có 4 yếu tố tác động phần lớn đến chi phí sản xuất. Thứ 1 là chi phí phân bón chiếm tỷ lệ cao nhất là 25,1 %. Thứ 2 là chi phí thuốc BVTV với 18,45%. Thứ 3 là chi phí thu hoạch chiếm 9,42%. Thứ 4 là chi phí giống chiếm 8,74%.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.