| Hotline: 0983.970.780

Mối lo giá thành sản xuất lúa thu đông tăng cao

Thứ Ba 14/09/2021 , 19:45 (GMT+7)

AN GIANG Chi phí và giá thành sản xuất vụ lúa thu đông năm 2021 sẽ tăng cao, đặc biệt khi giá phân bón tăng phi mã thời gian qua.

Vụ thu đông 2021, nông dân ở ĐBSCL phải đối mặt với tình trạng giá vật tư nông nghiệp (VTNN) tăng rất cao, nhất là mặt hàng phân bón, giá tăng từ 50 - 80% so với năm trước. Để kìm chế giá thành sản xuất lúa không bị tăng quá cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Theo ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Long (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) để giảm chi phí sản xuất, xã viên được khuyến cáo nên áp dụng các biện pháp giảm lượng giống gieo sạ, sạ thưa hoặc cấy máy. Từ đó, giúp giảm lượng phân bón và thuốc BVTV. Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón bằng cách bón phân cân đối, tiết kiệm.

Thông thường sản xuất vụ thu đông trong điều kiện mưa, bão lũ thất thường nên nguy cơ cao về yếu tố thời tiết và sâu bệnh hại nên dẫn đến chi phí đầu tư VTNN cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thông thường sản xuất vụ thu đông trong điều kiện mưa, bão lũ thất thường nên nguy cơ cao về yếu tố thời tiết và sâu bệnh hại nên dẫn đến chi phí đầu tư VTNN cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Do HTX Nông nghiệp Tân Long sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ nên đơn vị đã chủ động nhập trước 150 tấn phân bón hữu cơ từ nước ngoài về, khi giá chưa tăng nhiều. “Vụ thu đông này, đơn vị vẫn giữ giá cung cấp phân bón hữu cơ cho các xã viên như thụ hè thu vừa qua, không tăng giá bán dù giá thị trường tăng cao. Đây là cách chúng tôi hỗ trợ với bà con xã viên, như hình thức mua chung bán chung, để giảm giá thành sản xuất, giữ mức lợi nhuận được ổn định”, ông Nguyễn Văn Thích chia sẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang, ông Bạch Văn Sơn cho biết, trước tình trạng giá phân bón tăng quá cao như thời gian qua, đối với lúa, nông dân vẫn đầu tư, lượng bón giảm không đáng kể, có khả năng không ảnh hưởng đến năng suất.

Tuy nhiên đối với cây ăn trái, nông dân giảm đáng kể lượng bón, có hộ chỉ bón cầm chừng khoảng 30% nhu cầu, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng vụ sau.

 Đối với rau màu, do tiêu thụ khó khăn, giá thấp, giá phân cao nên dân ngại xuống giống. Nhằm giảm chi phí sản xuất, sản phẩm an toàn, bền vững, Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang đã chỉ đạo một số biện pháp, như vận động nông dân áp dụng một số giải pháp kỹ thuật tiên tiến như "3 gảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh phân giải đạm, lân, tăng cường sử dụng phân hữu cơ truyền thống.

Áp dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân cân đối nhằm tăng hiệu quả sử dụng. Đối với cây ăn trái, nên cắt tỉa cành, tỉa trái hợp lý để cây bớt mất dinh dưỡng, suy kiệt. Sử dụng các loại nấm đối kháng trong bảo vệ cây trồng…

Phân bón là một trong những chi phí lớn nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL. Đồ họa: Lê Bền.

Phân bón là một trong những chi phí lớn nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL. Đồ họa: Lê Bền.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vụ lúa thu đông 2021 An Giang triển khai xuống giống 160.000 ha. Thông thường sản xuất vụ này trong điều kiện mưa, bão lũ thất thường nên nguy cơ cao về yếu tố thời tiết và sâu bệnh hại.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên một số địa phương có khả năng gặp khó khăn về nhân công, tiến độ xuống giống chậm hơn cùng kỳ. Trong khi đó giá phân bón, thuốc BVTV tăng nên sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong vụ thu đông, khả năng giá thành sản xuất sẽ tăng cao.

Ông Thọ dẫn chứng, dựa trên số liệu điều tra giá thành sản xuất hàng năm của Sở Tài chính An Giang, có 11 yếu tố tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, trong đó nguyên vật liệu chiếm 81,4%, công lao động chỉ chiếm 18,6%.

Nguyên vật liệu chiếm tỷ lớn trong việc tác động đến chi phí sản xuất và giá thành, tuy nhiên có 4 yếu tố tác động phần lớn đến chi phí sản xuất như: Chi phí phân bón chiếm tỷ lệ cao nhất là 25,1%, chi phí thuốc BVTV chiếm vị trí thứ 2 với 18,45%, chi phí thu hoạch chiếm 9,42% và cuối cùng là chi phí giống chiếm 8,74%.

Để không bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để không bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, theo số liệu công bố của Sở Tài Chính, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2021 tại An Giang là 4.197 đồng/kg và qua theo dõi, giá thành bình quân từ năm 2017 đến nay ở vụ thu đông là 4.017 đồng/kg lúa. Tuy nhiên, giá thành sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá phân bón. Do đó, trong vụ thu đông tới nếu giá phân bón tiếp tục tăng cao thì khả năng giá thành sản xuất/kg lúa cũng sẽ tăng theo.

Vì vậy ngành nông nghiệp An Giang đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV trong vụ thu đông thật hiệu quả để cuối vụ tăng lợi nhuận.

Trước nhất, nông dân cần mạnh dạn giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất bao gồm chi phí phân bón, thuốc BVTV, giống và chi phí thu hoạch bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay.

Tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình như "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm". Đồng thời, khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc BVTV, tưới nước tiết kiệm và khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, công nghệ sinh thái để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. 

An Giang khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, để giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước. Tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của tưới ngập - khô xen kẽ giúp quản lý tốt đổ ngã trên lúa, dễ dàng cho khâu thu hoạch, tiết kiệm chi phí thu hoạch và vận chuyển. Đẩy mạnh ứng dụng IPM trong sản xuất, giúp giảm chi phí thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm