| Hotline: 0983.970.780

Trúng mùa lúa thu đông, nhưng nông dân buồn rượi

Thứ Năm 30/09/2021 , 06:00 (GMT+7)

Lúa thu đông sớm ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch. Nông dân vui vì trúng mùa. nhưng buồn rười rượi vì không có lãi, thương lái, doanh nghiệp ít về mua, giá lúa thấp...

3 tháng "làm không công" vì vật tư tăng vọt

Tại TP Cần Thơ, trong những ngày qua, đi theo đường tỉnh lộ 922 mới mở, rẽ từ Quốc lộ 91B (quận Bình Thủy) chạy thẳng về huyện Thới Lai, hai bên cánh đồng lúa thu đông (TĐ) chín vàng, mênh mông bát ngát.

Nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) thăm đồng lúa chín, trúng mùa, nhưng sâu thẳm lại đang buồn vì lúa không có lãi. Ảnh: HĐ

Nông dân xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) thăm đồng lúa chín, trúng mùa, nhưng sâu thẳm lại đang buồn vì lúa không có lãi. Ảnh: HĐ

Thời tiết trong vùng lúc này đang có mưa dầm và mùa nước đổ từ thượng nguồn về. Nước ngoài sông Hậu dâng lên len lỏi vào khắp kênh, rạch nội đồng. Nước vào ruộng lấp xấp. Vào những ngày hiếm hoi nắng gián đoạn, có vài thửa ruộng nông dân gọi gấp máy gặt vào thu hoạch.

Nông dân Út Tần ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) ra thăm đồng, còn gần 10 công lúa OM380 chờ ngày gặt. Nhìn ruộng lúa chín cong oằn bông, ông đoán chắc trúng mùa, tầm không dưới 900 kg lúa tươi/công (1.000 m2).

Tuy vậy, dường như vẻ mặt ông không mấy vui khi bắt chuyện. Ông giải bày: Giống lúa OM380 khá giống với lúa IR50404, cho năng suất cao, ít sâu bệnh. Mấy hôm trước, thương lái đến gạ giá, nhưng chỉ mua với ngang bằng mức giá lúa cho phẩm chất gạo trung bình là 4.600 đ/kg.

Với tầm giá bán thấp như vậy, tính ra chỉ trên mức giá thành sản xuất chút đỉnh. Trong khi vụ lúa TĐ năm nay, nông dân phải mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu với giá tăng vọt, coi như bỏ công hơn 3 tháng ròng mà không có lời lãi gì.

Rẽ qua cánh đồng lúa chín trải dài ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn (Cần Thơ), chúng tôi trò chuyện hỏi han với nông dân Trần Văn Hải, ông gượng cười: Vụ TĐ năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, nguồn nước dồi dào, lúa phát triển tốt nên bà con ai cũng mừng thầm.

Năm nay, lúa thu đông được mùa, nhưng nông dân không thể nào vui vì chi phí vật tư đội cao, gần như không có lãi. Ảnh: LHV.

Năm nay, lúa thu đông được mùa, nhưng nông dân không thể nào vui vì chi phí vật tư đội cao, gần như không có lãi. Ảnh: LHV.

Khắp cánh đồng xã Trường Lạc, nông dân đều chọn gieo sạ giống OM380. Lúa tươi tốt, tới đầu tháng 10 sẽ thu hoạch đồng loạt. Ước đoán năng suất tầm khoảng 600kg/công, cao hơn 100 kg/công so với lúa hè thu vừa qua.

Duy có điều ông Hải băn khoăn: Lúa ngoài đồng sắp tới kỳ thu hoạch mà không thấy bóng dáng thương lái tới đặt cọc thu mua như mấy vụ lúa trước đây. Chẳng biết có phải vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên thương lái hạn chế đi lại thu mua lúa? Bà con trong xóm ai cũng lo lắng, nao núng. Trời đang mùa mưa, làm sao kêu xe, tàu chở đi sấy lúa, rồi tạm dự trữ lúa nơi đâu…

Ông Hải nghĩ: Tính xa hơn, sau vụ TĐ nối tiếp vào vụ lúa chính đông xuân (2021 - 2022), dù thế nào thì nông dân cũng theo đuổi cây lúa tới cùng. Bởi vì đất lúa không trồng lúa thì làm gì, chọn cây trồng nào để có thị trường thiêu thụ tốt hơn? Trước mắt, đã thấy chỉ cần có nhiều doanh nghiệp (DN) về đây cùng xây dựng cánh đồng lớn mới thoát cảnh làm lúa tiêu thụ bấp bênh.

Doanh nghiệp cạn vốn thu mua lúa

Theo giám đốc một DN sản xuất kinh doanh lúa gạo đang thực hiện liên kết bao tiêu trên nhiều cánh đồng lớn tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, trong tình hình các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-16, cùng với hoạt động giao dịch ít có đơn hàng xuất khẩu, tài chính của DN chỉ đảm đương theo kế hoạch thu mua lúa trên các cánh đồng lớn đã ký kết với nông dân.

Năm nay, thương lái về thu mua lúa rất thưa thớt, trong khi giá lúa thu đông đang ở mức rất thấp. Ảnh: LHV.

Năm nay, thương lái về thu mua lúa rất thưa thớt, trong khi giá lúa thu đông đang ở mức rất thấp. Ảnh: LHV.

Thị trường lúa trong vùng đang mức thấp, tiêu thụ chậm. Còn lúa bên trong cánh đồng lớn chỉ nhỉnh hơn đôi chút. Lúa OM5451 đang thu mua 5.000 - 5.200 đ/kg, nhưng vẫn thấp hơn vụ đông xuân 2021 vừa qua từ 800 - 1.000 đ/kg. Nông dân bán lúa giá thấp không thể vui được, vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao xem như vụ lúa này chỉ lấy công làm lời.

Ông Trần Thái nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho hay: Vụ lúa TĐ 2021, TP Cần Thơ nông dân canh tác trên 70.000 ha, đạt 120% kế hoạch và cao hơn 1.300 ha so với vụ TĐ 2020. Từ 15/9 đến nay, nông dân các huyện ngoại thành bắt đầu vào đợt thu hoạch rộ.

Hiện có khoảng 20.000 ha lúa TĐ đã thu hoạch, năng suất bình quân từ 5,5 - 5,6 tấn/ha. Đây là vụ lúa gặp thuận lợi về thời tiết, dịch bệnh, sâu hại ít. Lúa trúng mùa, năng suất cao hơn vụ hè thu 2021 từ 200 kg đến 400 kg/ha.

Vụ TĐ năm nay, phần lớn diện tích lúa tại TP Cần Thơ sản xuất các giống lúa chất lượng cao, cung cấp gạo cao cấp xuất khẩu. Riêng tại huyện Cờ Đỏ có 6 DN cam kết thực hiện tiêu thụ lúa trên các cánh đồng lớn khoảng 8.000 ha.

Theo các doanh nghiệp thu mua lúa, tài chính của họ đang hết sức khó khăn, nên chỉ có thể ưu tiên thu mua lúa đối với các vùng có hợp đồng liên kết từ đầu vụ. Ảnh: LHV.

Theo các doanh nghiệp thu mua lúa, tài chính của họ đang hết sức khó khăn, nên chỉ có thể ưu tiên thu mua lúa đối với các vùng có hợp đồng liên kết từ đầu vụ. Ảnh: LHV.

Tuy vậy, hiện thời giá lúa tươi bán tại ruộng ở mức thấp hơn so với lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 và hè thu 2021 từ 600 - 1.000 đồng/kg. Cụ thể: Lúa IR 50404 có giá từ 4.200 - 4.500 đồng/kg, OM 5451 từ 5.000 - 5.200 đ/kg, OM18 từ 5.500 - 5.600 đ/kg, Đài Thơm 8 giá 5.400 - 5.600 đồng/kg... Nếu tính trừ chi phí sản xuất, vụ lúa TĐ 2021 nông dân Cần Thơ gần như không có lãi.

“Trước tình hình dự báo nước lũ đầu nguồn năm nay về thấp, sau khi thụ hoạch lúa TĐ xong, bà con nông dân nên thả nước vào đồng lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng. Chủ động chuẩn bị trước để vào vụ lúa đông xuân 2021 - 2022.

Nông dân lưu ý thực hiện tốt các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”… nhằm khắc phục tình trạng giá phân bón thuốc trừ sâu tăng cao, giảm giá thành sản xuất.

Đối với các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, cần đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất với các DN, thông qua đó giảm giá mua vật tư đầu vào và tìm đầu mối tiêu thụ ổn định”, ông Trần Thái nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ khuyến cáo.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.