Tiêu chí của một gia đình trung lưu điển hình: chung cư mới + một ô tô + hai xe máy. Chưa hết, mỗi phòng một ti-vi, một laptop và bốn người thì đủ bốn smartphone.
Ảnh minh họa |
Có giàu tưởng tượng mấy cũng không hình dung nổi mới mười năm thôi mà cuộc sống đô thị đã nhảy một bước dài ngoạn mục. Hồi chồng bảo vợ: Em đi học lái ô tô đi, vợ dài môi. Xời, mơ hả, tiền đâu mà mơ ô tô? Cũng mười năm trước ấy con gái nhỏ mới vô lớp Một, đường học hành của hai đứa còn tít tắp. Vậy rồi cũng chuyển từ nhà thuê sang nhà sở hữu, rồi chồng đưa về chiếc bốn chỗ thật. Khi ấy vợ mới choáng váng nghĩ: Ngồi sau vô lăng ư, đường xá chết khiếp thế này có dám ôm tay lái không đây? Và rồi người chủ gia đình lần lượt đưa về những chiếc hộp nhỏ mà ai được nhận cũng sáng mắt lên thấy mình lên đẳng, lên đời, iPhone đấy. Từ đó vi tính bàn và cả laptop cũng trở nên cồng kềnh, dư thừa.
Mẹ của hai đứa trẻ thấy không vui, thi thoảng còn linh cảm về sự chông chênh của gia đình. Nàng nhớ thời thơ ấu của mình, thiên nhiên bao bọc, thưa vắng, yên ổn. Lại nhớ tiếp thời niên thiếu, bạn bè mỗi đứa một xe đạp học như chơi và chơi mà học, giờ rảnh thong dong khám phá đồng lúa, cánh diều, vệ đường, thêu thùa bánh trái… Thi nhau hát chay thi nhau khoe thuộc những bài thơ gì. Cấp rấp trưởng thành cấp rấp chia xa, bolero và hoa phượng, những bài thơ nổi tiếng trong sổ tay cùng với những bài thơ ngô ngọng của chính mình và bè bạn.
Lứa người ấy, nền tảng ấy vào đời, có rất nhiểu chỉ số ang áng biết chứ không định nghĩa được như hôm nay. IQ, chưa đủ, còn chỉ số đam mê (PQ), chỉ số vượt khó (AQ), chỉ số biểu đạt ngôn ngữ (SQ), chỉ số cảm xúc (EQ). Vân vân và vân vân. Hóa ra thời của họ và thế hệ ông cha, cho dù đau thương và đổ nát thì không thể phủ nhận rằng họ thấp AQ và EQ, tức là thấp chỉ số vượt khó và chỉ số cảm xúc!
Người phụ nữ ưa thơ và ưa bolero ấy không biết làm sao khi con mình không chịu đọc sách, chống lại thơ và không hay nhìn ra hai bên đường để ngắm nghía thiên nhiên khi ngồi trong ô tô. Đứa con trai từng có vẻ mềm hơn, nó theo khoa học xã hội nên trong những bài văn của nó có SQ của biểu đạt ngôn ngữ và có cả SQ của thông minh xã hội. Và không phủ nhận nó có PQ (chỉ số đam mê), vì vậy môn ngoại ngữ của nó không chê vào đâu được. Nhưng nó hục hặc với nhà trường từ hồi cấp Hai với thứ Văn thuyết minh.
Ba mẹ nó kêu trời, lứa tuổi vị thành niên này phải được thuộc lòng những bài thơ mà hồi xưa người ta mang nó vào đời, rồi già, rồi chết. Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Ngân Giang, Xuân Quỳnh. Và thơ công dân đâu chỉ Tố Hữu mà còn có Hữu Loan, Quang Dũng, Nguyễn Duy. Truyện Kiều thì sao con, trích học nhưng thầy cô có yêu cầu thuộc một số câu không, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu chỉ được đọc tham khảo thôi sao? Vào năm thứ nhất đại học chàng con ấy lại hục hặc tiếp, đại cương bắt buộc sáo mòn, sinh viên không thích mà vẫn phải nuốt, học đối phó, học chạy điểm thì ra trường làm được cái giống gì!
Chỉ số cảm xúc của người trẻ Việt Nam được cho là rất thấp trong con mắt thế giới. Mới biến động chừng hai mươi năm chứ nhiều nhặn gì. Vì đâu nên nỗi? Một đất nước tươi đẹp, con người hay chữ và đa số đều biết làm thơ nhưng vì sao để mất những đặc điểm quan trọng cho thấy trái tim và tâm hồn của một dân tộc nhạy cảm? Cuộc sống bon chen quá chăng? Hậu quả của núi xương sông máu chăng? Nền giáo dục kém cỏi chăng? Hay cái tính vồ vập tiện ích điện tử đã khiến con trẻ thành robot? Hay tế bào xã hội, tức nền tảng của từng gia đình đang bị tấn công và rệu rã?
Con người trước hết là một sinh vật. Môi trường sống sẽ quyết định cá thể ấy nhiều chất người hay mạnh tính con. Cũng những chàng và những nàng rất trẻ đó khi sang thế giới văn minh bỗng trở thành người khác. Biết cảm ơn, biết ngượng ngùng, biết xin lỗi, biết gò mình, biết ngay thẳng, biết phản biện, biết cho đi… Và vậy, không hẳn giả dối đang ngự trị thì người Việt mình hỏng hẳn. Có lẽ, sâu xa người ta vẫn nhận biết như vậy là giả, là vô tâm, là ác, là nhất thời nên người ta ở ống thì dài ở bầu thì tròn. Thực sự cũng chỉ nghĩ đến mức ấy thôi, để mà còn hy vọng chứ.