| Hotline: 0983.970.780

Chiến thắng cho máy gặt đập liên hợp Việt

Thứ Hai 15/10/2012 , 10:52 (GMT+7)

Tự hào thay khi một thương hiệu thuần Việt đấu với những “ông lớn” sừng sỏ về kinh nghiệm cũng như tài chính mà lại giành được vị trí cao nhất. Đó là DNTN Tư Sang.

Tự hào thay khi một thương hiệu thuần Việt đấu với những “ông lớn” sừng sỏ về kinh nghiệm cũng như tài chính đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc tại Hội thi Máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Bắc lại giành được vị trí cao nhất. Đó là DNTN Tư Sang.

Cuộc thi do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết hợp Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ với sự tham gia của 11 tỉnh, thành. Đây là lần đầu tiên miền Bắc tổ chức hội thi máy gặt đập liên hợp. Qua quá trình đánh giá, so sánh chất lượng làm việc của các loại máy trong cùng điều kiện làm việc, thời gian sẽ giúp các tỉnh phía Bắc lựa chọn được những máy gặt đập liên hợp phù hợp nhất với điều kiện sản xuất lúa tại địa phương.


Cuộc thi diễn ra sôi nổi giữa các đối thủ

Các chỉ tiêu bình tuyển gồm nhóm định lượng như: năng suất, tổn thất thóc, độ sạch, chi phí thu hoạch trên một đơn vị diện tích, chỉ số đầu tư… Nhóm định tính gồm: kiểu dáng, kết cấu, chất lượng, an toàn lao động…Các máy tham dự đều phải qua vòng sơ tuyển.

Tổng cộng có 8 máy gặt đập liên hợp của 3 nước tham dự, gồm: Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Một điều dễ nhận ra là số lượng máy của Trung Quốc chiếm thế áp đảo dù có dán nguyên mác ngoại chữ tượng hình, tiếng Anh hay đã được thay tên đổi họ thành một cái tên thuần Việt đi chăng nữa.

Một điều lạ Kobuta - máy gặt đập liên hợp nổi tiếng của Nhật Bản đang bán rất chạy tại thị trường Việt Nam lại không tham gia thi mà chỉ trình diễn. Một số người bảo đó cũng là cách để Kobuta tự xếp mình ở hàng “chiếu trên”, một số khác lại bảo máy gặt đập của Nhật tốt thì tốt thật đấy nhưng đây là cuộc thi mà kỹ năng lái máy rất quan trọng, chẳng may lái kém để bị thua cả Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc thì ê mặt cho cái danh Kobuta quá.

Sáng sớm, 8 máy gặt đập được tập trung ở trong sân HTX Hồng Phong rồi rú ga, rầm rập lao đi.  Đông đảo người già, trẻ con đứng ken dày trên bờ ruộng xem các thao tác máy như cắt, phụt thóc vào bao, ngả rạ thành hàng, thành lối. Tiếng máy “ăn” lúa cứ ngọt xớt, những vòng cua gọn gàng, lùi trước, tiến sau, người lái, người đóng bao phối hợp với nhau đều răm rắp không một động tác thừa. Tiếng bàn luận xôn xao: “Máy móc thế này mới là được chứ. Kiểu này mấy anh máy tuốt, máy phụt “móm” rồi”.

Trong khi Ban giám khảo dưới ruộng tỉ mẩn căng thước, đặt khung đo từng hạt thóc rơi vãi, tính toán năng suất, thất thoát, chi phí… thì những tính năng mắt thấy như gặt đập rơm ngả thẳng, đều, cắt sát gốc rạ để có thể trồng đậu tương ngay mà không phải cắt lại được “Ban giám khảo” trên bờ gồm đông đảo bà con bình bầu cho máy của Sài Gòn - Kim Hồng.

Cuộc thi diễn ra mấy ngày với những ganh đấu nảy lửa. Đồng ruộng các tỉnh miền Bắc có đặc thù là đất thịt khiến cho một số máy gặt đập liên hợp tham gia hội thi khá “mất sức” và lúng túng trong hoạt động. Cuối cùng, giải Nhất thuộc về DNTN Tư Sang ở địa chỉ ở Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Giải Nhì thuộc về 2 đơn vị Sài Gòn-Kim Hồng, Cty TNHH Lion Việt Trung. Giải Ba thuộc về 3 đơn vị Cty TNHH Cẩn Hoa, Trung tâm Phát triển Cơ điện Nông nghiệp và DNTN Vĩnh Thái.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 16 nhằm hỗ trợ, khuyến khích các địa phương dồn điền đổi thửa tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hoá bằng việc mua máy làm đất, máy gieo cấy, máy gặt đập liên hợp, xây dựng kho bảo quản với mức hỗ trợ 100% lãi suất mua trong 3 năm đầu tiên; hỗ trợ mỗi xã 1 triệu đồng/ha dồn điền đổi thửa. Điều đáng nói là cuộc thi máy gặt đập liên hợp này lại diễn ra ngay trên những thửa ruộng được cấy bằng máy, khép kín quy trình giảm sức lao động nặng nhọc.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lúa ở khâu làm đất và vận chuyển đạt trên 80%; khâu tưới tiêu đạt trên 85%; khâu thu hoạch đạt trên 40%, nhưng các khâu gieo cấy và làm khô hạt thì lại rất thấp. Thu hoạch lúa là một trong những khâu lao động nặng nhọc nhất, tỷ lệ thất thoát cao (bình quân tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL là từ 12-13%, ĐBSH từ 10-11%..). Do đó, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong và sau thu hoạch lúa bằng việc sử dụng máy gặt đập liên hợp là một hướng đi đúng.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khẳng định mục đích của hội thi này sẽ giúp nông dân trực tiếp thấy hiệu quả của việc sử dụng máy gặp đập liên hợp đồng thời để các doanh nghiệp, các nhà khoa học cùng liên kết, nghiên cứu để tìm ra loại máy phù hợp với điều kiện đồng đất từng địa phương. Dùng máy gặt đập liên hợp là một đáp án cho bài toán thiếu nhân công, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và thu nhập cho nông dân.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt thì Thủ đô hiện có trên 4 triệu dân sống ở nông thôn với trên 200 nghìn ha đất sản xuất lúa hàng năm. Dù lĩnh vực nông nghiệp đã được thành phố quan tâm nhằm cải thiện đời sống lao động nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và đô thị nhưng Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động nông thôn chủ yếu là người già và trẻ nhỏ bởi thanh niên đã ly nông vào thành phố làm việc.

Nhiều huyện ven đô Hà Nội phải thuê nhân công cấy, gặt với giá rất cao từ 150-250 nghìn đồng/ngày. Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng là việc làm cấp bách hiện nay của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm