Khẩu đội HIMARS thực hành "bắn và chạy" hồi tháng 12/2018. Ảnh: USMC. |
Thủy quân lục chiến Mỹ đang thử nghiệm chiến thuật triển khai hỏa lực nhanh trên chiến trường, được coi là sự thay đổi lớn trong chiến lược quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nhằm đối phó sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc, theo National Interest.
Trong cuộc diễn tập hồi tháng trước, thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng vận tải cơ KC-130J chuyển hai Tổ hợp pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 để thực hành chiến thuật "bắn và chạy". Theo chiến thuật này, pháo M142 sau khi rời vận tải cơ KC-130J đã nhanh chóng khai hỏa vào mục tiêu, rồi di chuyển lên máy bay để thoát ly khỏi trận địa trong thời gian ngắn nhất. Đây là giải pháp được lục quân Mỹ đề xuất mang tên "Chiến thuật xâm nhập chớp nhoáng bằng HIMARS" (HIRAIN).
Theo chuyên gia quân sự David Axe, khi được áp dụng cùng chiến thuật và tên lửa mới, HIRAIN có thể giúp quân đội Mỹ thành lập trận địa pháo tầm xa trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho quá trình cơ động của đối phương. Chiến thuật này thậm chí có thể giúp Mỹ bảo vệ đồng minh ở Tây Thái Bình Dương trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công tại các khu vực tranh chấp.
Trung Quốc coi chuỗi đảo kéo dài từ phía nam Nhật Bản đến Philippines là vùng ảnh hưởng lịch sử của nước này. Bắc Kinh đã sử dụng nhiều thỏa thuận thương mại, ngoại giao và áp lực quân sự để tăng cường khả năng kiểm soát khu vực.
Lầu Năm Góc đang tìm cách ngăn chặn sự bành trướng này. Dù hải quân và không quân vẫn là nòng cốt trong chiến lược của Washington, lục quân Mỹ vẫn đóng vai trò nhất định.
Janine Davidson, thứ trưởng hải quân dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, từng tuyên bố bà muốn lục quân Mỹ phát triển phương án đánh chìm tàu chiến đối phương. Thủy quân lục chiến Mỹ có năng lực tác chiến tương tự lục quân, nhiều khả năng cũng đủ sức thực hiện nhiệm vụ này.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hay các đảo tranh chấp ở Biển Đông được coi là những điểm nóng có thể làm nổ ra xung đột giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai lực lượng tàu chiến hùng hậu để tấn công, chiếm giữ các thực thể này bằng vũ lực.
Trong kịch bản đó, thủy quân lục chiến Mỹ triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương có thể nhanh chóng được huy động và áp dụng chiến thuật HIRAIN để bảo vệ đồng minh và ngăn chặn đòn tấn công của tàu chiến Trung Quốc.
Theo đó, một khẩu đội pháo phản lực thủy quân lục chiến Mỹ có thể được triển khai chớp nhoáng tới trận địa nhờ vận tải cơ, sau đó khai hỏa nhằm vào tàu chiến đối phương đang áp sát.
"Sau mỗi loạt bắn, khẩu đội pháo phản lực có thể di chuyển đến trận địa mới và chờ lệnh khai hỏa tiếp theo", Viện nghiên cứu RAND của Mỹ nhận xét trong báo cáo năm 2017.
"Củng cố phòng thủ chuỗi đảo ngoài khơi và triển khai khí tài hải quân ở vùng biển lân cận có thể mang lại nhiều lợi ích chiến lược với chi phí thấp", James Holmes, giáo sư tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá.
Lục quân Mỹ từng thử nghiệm khái niệm này trong điều kiện thực tế. Trong diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii tháng 7/2018, một khẩu đội M142 đã phóng 5 quả đạn trúng mục tiêu giả định nhờ phối hợp với máy bay không người lái (UAV) ở cách đó 80 km.
M142 HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Mỗi hệ thống HIMARS có kíp vận hành ba người, mang được 6 quả đạn không dẫn đường M31 với đầu đạn nặng 90 kg và tầm bắn 70 km, hoặc một tên lửa chiến thuật thông minh MGM-140 ATACMS mang đầu đạn 226 kg và tầm bắn 300 km. Năm 2016, lục quân Mỹ đã cải tiến đầu dò trên một số tên lửa MGM-140 để tăng khả năng chống hạm.
Thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang cân nhắc mua tên lửa diệt hạm cho các tổ hợp M142. Lực lượng này từng kiểm chứng khả năng truyền dữ liệu mục tiêu từ tiêm kích tàng hình F-35 cho một khẩu đội HIMARS trong đợt thử nghiệm mùa thu năm ngoái, giúp tăng khả năng tấn công chính xác.
"Việc trang bị tên lửa mới cho tổ hợp M142 và kết hợp với tiêm kích F-35 sẽ cải thiện đáng kể năng lực diệt hạm cho thủy quân lục chiến và lục quân Mỹ. Chiến thuật HIRAIN sẽ khiến đối phương khó nắm bắt vị trí triển khai và giúp lực lượng Mỹ khó bị trúng đòn phản công", Axe đánh giá.