| Hotline: 0983.970.780

Chiều tím

Thứ Năm 03/02/2022 , 10:31 (GMT+7)

Đang quay video tiết mục văn nghệ, chuẩn bị cho buổi tổng kết học kỳ online, tôi chợt thấy có khuôn mặt quen quen ngó qua khung cửa, tay vẫy vẫy.

Làng quê Thái Bình. Ảnh: Tư liệu.

Làng quê Thái Bình. Ảnh: Tư liệu.

Nhìn kỹ hóa ra ông xã. Lạ, ông xã có bao giờ đến trường vợ đâu chứ. Tôi vội chạy ra cửa. Anh thì thào, vẻ mặt căng thẳng. Xong chưa, sắp xong chưa? Về đi! Có việc gì? Về ngay, bác trưởng họ gọi bảo về gấp. Nghe vậy, tôi liền chạy vào dặn dò học trò vài câu, rồi theo ông xã ra về.

Trên đường, tôi hỏi: Có việc gì mà bác trưởng họ lại gọi gấp vậy? Không biết, cứ về cái đã!

Bác trưởng họ là ai mà có uy lực với chồng tôi như vậy?

Lần đầu, theo chồng tôi, khi ấy còn là người yêu, về quê anh, thôn Phú La, xã Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình, trong danh sách những nơi cần đến chào hỏi, bác là người đầu tiên anh đưa tôi đến ra mắt. Khi đó tôi không có ấn tượng nhiều lắm về bác, chỉ nhớ đó là người đàn ông tầm ngoài 60 tuổi, rất điềm đạm, giọng nói ân cần từ tốn. Xem cái vẻ cung kính của chồng đối với bác, tôi cũng kính cẩn lây. Cho đến khi chúng tôi làm đám cưới…

Hồi đó, cha mẹ chồng tôi lên Tây Bắc rừng xanh núi đỏ lập nghiệp, ở quê chỉ còn ông bà ngoại và các bác đằng nội. Khi chúng tôi chuẩn bị đám cưới, một mình chồng tôi phải lo liệu tất cả mọi việc, trong khi anh mới tốt nghiệp ra trường đi làm chưa lâu. Trước ngày tổ chức ít hôm, anh về làng, thưa chuyện với bác trưởng họ và họ hàng rằng sẽ tổ chức cưới ở Hà Nội ngày ấy, giờ ấy. 

Quê hương, mọi người vốn tình cảm, lại càng quan tâm hơn khi hoàn cảnh gia đình chồng tôi xa quê đã lâu, các bác trong họ bàn nhau, thuê một chuyến xe lên Hà Nội vào đúng ngày giờ ấy, với mục đích để dự đám cưới chúng tôi. Ngờ đâu, chúng tôi chỉ làm vài mâm đơn giản bên họ nhà gái, không tổ chức ngoài hội trường hay thuê nhà hàng. Bị bất ngờ, chồng tôi luống cuống không biết xoay xở thế nào, liền đưa phái đoàn nhà trai ra chợ Đuổi gần cơ quan ăn cơm bình dân rồi bảo mọi người ngược xe về làng.

Khỏi phải nói, một quả bom đã nổ trong họ mạc nhà chồng tôi như nào. Những ngày sau lễ cưới là những lời đàm tiếu chê cười. Mỗi khi có người hỏi, đám cưới Hà Nội thế nào, bố mẹ chồng tôi lại muối mặt xấu hổ. Chồng tôi thì khổ sở buồn rầu… 

Nhiều năm sau, khi câu chuyện đến tai tôi, cũng là lúc tôi biết, chính bác trưởng họ đã đứng ra dàn xếp, đả thông với mọi người. Bác không hề nặng nhẹ cha mẹ tôi, cũng không trách móc chồng tôi một câu. Thái độ điềm đạm, sự cảm thông, độ lượng của bác đã khiến câu chuyện nửa hài hước, nửa buồn bã của chúng tôi nhanh chóng chìm đi và trôi vào quên lãng. 

Vậy lần này có chuyện gì mà bác triệu tập chúng tôi về gấp như vậy?

Đã chiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết về trong ngày. Lối rẽ vào làng đây rồi. Đang hơi căng thẳng nhưng tôi vẫn nhận ra, cảnh vật quen thuộc mà hôm nay thật khác lạ, như khoác tấm áo mới. Con đường dường như rộng hơn, mượt mà, thoáng đãng. Những bụi cây dại, những triền cỏ đã được giãy sạch, xén tỉa gọn gàng.

Đặc biệt, những đống rác sinh hoạt trước đây mọi người hay bỏ bừa bãi dọc các lề đường, nay tịnh không bóng dáng. Đã thế, viền dọc hai bên con đường là hàng cây mềm mại, đang trổ hoa tím biếc. Đó đây điểm xuyết những vạt xuyến chi hoa trắng mỏng manh dập dờn trong gió.

Ôi, trong ánh tà dương, con đường sao thơ mộng quá. Vào đến các ngõ nhỏ vẫn một màu tím ngan ngát dẫn lối. Dọc con đường làng, các hàng cây, tường rào hôm nay sao cũng gọn ghẽ, quang đãng vậy chứ, từng dàn hoa giấy rực hồng, hoa ngũ sắc mềm mại lấp ló… Trên mái hiên từng ngôi nhà lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay. Sao lại có sự hội hè này? Tôi chợt nhớ: Hình như năm đã hết, Tết sắp về!

Chưa vội về nhà mình, chúng tôi dừng xe trước cổng nhà bác trưởng họ. Thấy chúng tôi, bác từ tốn nhẹ nhàng ra đón. Chúng tôi hơi hồi hộp. Sau tuần trà, bác nói: “Các cháu về lần này có thấy quê mình đổi khác gì không?”. Tôi nhanh nhảu: “Dạ, làng mình sao nay đẹp quá ạ. Các con ngõ đều gọn gàng, phong quang, hoa nở khắp nơi”.

“Thì đó, dạo vừa rồi dịch bệnh các cháu lâu không về làng. Là Nông thôn mới đó các cháu. Hôm nay bác gọi các cháu cũng là vì chuyện đó”. “Là sao ạ?”. “Theo quy hoạch Nông thôn mới các con đường làng và ngõ đều phải theo đúng chỉ giới đã vạch ra trên bản đồ. Cổng nhà các cháu ăn ra 20 phân so với chỉ giới, lại thêm mái cổng chìa ra đường 10 phân nữa, nên bác gọi các cháu về để thu lại cổng”.

Trời! Phá cổng, thu lại. Vợ chồng tôi nhìn nhau.

Chả là năm vừa rồi, trước khi có dịch Covid-19, chúng tôi vừa cho sửa sang lại ngôi nhà cũ trên đất hương hỏa. Thuê cả kiến trúc sư về vẽ cổng, tính toán số đo này nọ, công phu ưng ý lắm. Nay phải phá đi xây lại thì nhiêu khê thế nào.

Tôi định lên tiếng thì chồng ra hiệu dừng lại. Anh ôn tồn: “Dạ, nếu là quy định chung, chúng cháu chấp hành”. Tôi xị mặt, nhưng chồng cấu vào tay tôi, tiếp lời: “Vậy nhưng chúng cháu có cần phải làm ngay không ạ”. “Làm ngay chứ. Cả làng xã đều xong hết rồi mà. Vừa tháng trước, xã mình đã được công nhận là xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới. Bác đã báo cáo trường hợp các cháu sẽ hoàn thành nốt khi dịch bệnh bớt căng thẳng. Lại nữa, Tết sắp đến, mình cũng làm đẹp chung cho cả thôn làng”. 

Ngay hôm sau, chồng tôi gọi thợ đến đánh lui cổng vào. Việc hơi vất nhưng anh vui ra mặt. Quê mình ngày càng văn minh, có khi còn hơn trên phố ấy chứ. Anh ra chiều đắc ý lắm.

Chiều xuống, dọn dẹp xong, vợ chồng kê cái bàn dưới bóng cây thị già ngắm mấy chú chim chào mào đang kêu ríu ran, nhảy nhót trên cành hồng cổ. Trên những cành cây khẳng khiu vẫn còn treo lơ lửng những quả hồng ăn nắng đỏ au như những quả cầu nho nhỏ, trong khi lá đã trút hết từ độ thu về. Trăng đã lên lưng lửng kia rồi. Vì sao hôm như đứa trẻ đang chơi trốn tìm, khi ẩn khi hiện trên nền trời lam tím.

Bỗng ngoài cổng có tiếng gọi lanh lảnh: “Thím Hằng, thím Hằng, ra đây!”. Nhìn ra là bà chị họ chồng tôi đang ngồi trên yên con xe máy điện. “Cậu lên đây, đi cùng tớ”. Lại gì nữa đây? Tôi chột dạ. Phá cổng chưa đủ sao? Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn leo lên yên xe chị ngồi. 

Ngồi trên con Clara Vinfast lướt như ru trên đường làng, trong cơn gió đồng man mát, những sợi tóc chị vờn má tôi êm êm, tôi nghe bảng lảng đâu đây tiếng nhạc du dương mơ hồ. Rồi âm thanh rõ dần, giọng Bolero dìu dặt: “Chiều tím, chiều nhớ thương ai…”.

Đang mơ màng theo điệu nhạc, chị ngoặt xe vào cổng trường Mầm non xã, dừng lại. Trên sân trường lát gạch đỏ rộng rãi phẳng phiu, trong ánh trăng non phớt tím dưới bầu trời mùa đông, một đám khá đông các bà các chị đang nhún nhảy nhịp nhàng theo điệu nhạc phát ra từ bộ loa thùng. Tôi ngỡ ngàng? Không tin vào mắt mình. Gì đây? Lúc này chị mới bảo: “Đội dân vũ của xã sinh hoạt các buổi tối trong tuần, mỗi tối một giờ, thu hút nhiều chị em phụ nữ lắm”.

Trường Mầm non của xã có hàng trăm cháu nhỏ là con em bà con trong làng theo học. Các cháu được dạy dỗ, chăm sóc hàng ngày bởi đội ngũ cô giáo mầm non có bằng cấp chứng chỉ đạt chuẩn. Ngay phía đối diện là trường Tiểu học và Trung học cơ sở mới được xây sửa lại, cũng rất rộng rãi phong quang, nước sơn mới vẫn còn tươi rói. Một mạch ngầm yên ả đang sinh sôi trong bình thường mới.

Vầng trăng non hạ tuần đã xế bên kia trời. Tiếng nhạc hay tiếng lòng ai vẫn du dương dìu dặt.

“Chiều tím, chiều nhớ thương ai…

Lòng ta nhớ hoài”…

Nhớ một miền quê…

Một chiều cuối đông 2021

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.